Sóng ngân hàng trở lại, mua cổ phiếu nào để yên tâm "ngủ ngon" đến hết năm 2024?
Nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh trong những phiên gần đây. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng nhóm này bước vào sóng tăng sẽ giúp VN-Index vượt 1.300 điểm trong thời gian tới.
Ngày 26-9, thị trường chứng khoán tiếp tục có một phiên giao dịch tích cực, dù có lực bán chốt lời nhưng các chỉ số VN-Index và hầu hết cổ phiếu trên sàn đều duy trì được sắc xanh. Thanh khoản đạt mức khá cao, trên 22.000 tỉ đồng trên cả 3 sàn.
Đáng chú ý trong phiên giao dịch là sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu ngân hàng, khi tăng liên tiếp những ngày qua. Đặc biệt, TPB của TPBank tăng trần trong phần lớn thời gian giao dịch của phiên, nhiều mã khác tăng khá mạnh như MSB, OCB, HDB, EIB…
Thanh khoản của nhiều cổ phiếu tăng vọt so với giai đoạn trước đó, như TPB khớp lệnh gần 45 triệu đơn vị, giá trị hơn 725 tỉ đồng; MSB khớp lệnh gần 30 triệu đơn vị, giá trị hơn 360 tỉ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đóng góp vào đà đi lên mạnh mẽ, giúp VN-Index tiến sát mốc 1.300 điểm như VCB, TCB, BID, HDB, TPB, VPB, CTG…
Với diễn biến tích cực trong những ngày qua, hiện nhiều cổ phiếu ngân hàng đã vượt đỉnh cao nhất trong năm qua. Như mã TPB vượt đỉnh cao nhất tháng 6-2022; MSB vượt đỉnh 6 tháng; HDB lập đỉnh lịch sử ở vùng 28.000 đồng/cổ phiếu; LPB trở lại vùng đỉnh lịch sử quanh 32.000 đồng. Nhóm cổ phiếu ngân hàng thương mại nhà nước như VCB, BID, CTG cũng diễn biến tích cực…
Nhiều nhà đầu tư cho biết bắt đầu mua vào cổ phiếu ngân hàng với kỳ vọng đón sóng kết quả kinh doanh quý III/2024 và giai đoạn từ nay tới cuối năm 2024.
Ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh Số, Công ty chứng khoán VPBank (VPBankS), nhận định lợi nhuận kết quả kinh doanh quý III của doanh nghiệp niêm yết sẽ phân hóa, ngành bất động sản vẫn khó khăn, song ngân hàng sẽ là động lực tăng trưởng của thị trường.
"Lãi suất đi xuống giúp ngân hàng nới rộng biên lãi ròng (NIM). Theo đó, nhóm ngân hàng vẫn là nhóm chiến lược giúp nhà đầu tư kiếm lời từ giờ đến cuối năm, định giá P/B của nhóm ngân hàng hiện nay đang rất rẻ" - chuyên gia này phân tích.
Về phía ngân hàng, tại buổi gặp gỡ trực tuyến với nhà đầu tư quý III/2024 của Nam A Bank (mã chứng khoán NAB) mới đây, lãnh đạo ngân hàng này cho biết tính đến tháng 8, lợi nhuận trước thuế lũy kế của Nam A Bank đạt đạt hơn 75% kế hoạch HĐQT giao trong năm 2024. Tỉ lệ ROE (lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) tính đến hiện tại đạt mức 21,46%, ROA (lợi nhuận ròng trên tổng tài sản) là 1,65%, cho thấy ngân hàng không chỉ tăng trưởng về quy mô mà còn đạt hiệu quả sinh lời cao.
Ngân hàng dự kiến duy trì biên lãi ròng (NIM) từ nay tới hết năm 2024 sẽ duy trì trong khoảng 3,5 - 3,8% nhờ mặt bằng lãi suất tiếp tục duy trì thấp để hỗ trợ cá nhân và doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn. NAB là một trong những ngân hàng có giá cổ phiếu tăng mạnh thời gian gần đây.
Trước đó, chia sẻ tại talkshow chứng khoán "Cơ hội nào cho chứng khoán cuối năm?", do Báo Người Lao Động tổ chức mới đây, ông Phan Thành Nghiệp, Giám đốc khách hàng cao cấp chi nhánh Hồ Chí Minh, Công ty chứng khoán DNSE, phân tích nhiều ngân hàng cổ phần như TCB, VPB hay TPB đang có mức định giá P/B quanh 1.2 – mức khá hợp lý nếu xét cùng với tiêu chí về thanh khoản. Có thể kỳ vọng sóng cổ phiếu ngân hàng cho giai đoạn cuối năm.
Tương tự, ông Lê Tự Quốc Hưng, Trưởng Phòng Cao cấp, Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), cũng cho rằng những khó khăn của ngành ngân hàng đã phản ánh vào giá cổ phiếu thời gian qua. Khi giá cổ phiếu đã tạo đáy và nhà đầu tư xác định nắm giữ dài hạn sẽ là cơ hội, với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận sáng hơn vào cuối năm.
Người Lao Động