MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sống ở Hà Nội tiêu 20 triệu cũng không đủ, thì lương 10 triệu biết xoay xở làm sao?

24-02-2023 - 07:16 AM | Sống

Kiếm được bao nhiêu tiền cũng không quan trọng bằng việc bạn chi tiêu như thế nào!

"Với mức lương 6 triệu, khoảng năm 2020, mình vẫn đủ trang trải mức sống ở Hà Nội" - Đây là lời chia sẻ từ Huyền Đỗ (26 tuổi), hiện đang làm sáng tạo nội dung trong lĩnh vực công nghệ và chuyển đổi số, khi được hỏi rằng: "Mức lương 10 triệu liệu có đủ sống ở Hà Nội hay không?".

Khác với ý kiến của Huyền, Thu Hằng (25 tuổi, Hải Dương), hiện đang làm việc ở Hà Nội lại cho rằng: "Ở Hà Nội 1 mình chắc cũng phải tốn đến 20 triệu/tháng. Không hiểu được nếu như mình nhận mức lương 10 triệu liệu có sống nổi không?".

Chính vì những băn khoăn này của nhiều người trẻ, mà câu chuyện "Lương tháng 10 triệu" vẫn được bàn luận rất nhiều!

Mức lương 10 triệu có sống nổi ở Hà Nội hay không?

Từng trải qua giai đoạn nhận mức lương dưới 10 triệu, Huyền Đỗ cho biết bản thân cô nàng vẫn sống thoải mái trên đất Hà Nội:

"Mình bắt đầu nhận công việc chính thức từ tháng 8/2019 - là sau khi tốt nghiệp đại học. Tính đến thời điểm hiện tại thì kinh nghiệm đi làm mới được khoảng 3 năm rưỡi. Thu nhập lúc bấy giờ khiêm tốn lắm, vì làm trong 1 công ty công nghệ nhỏ, nên mức lương sếp trả cũng chẳng phải hậu hĩnh gì. Lương chính thức 6 triệu đồng. Mình chấp nhận con số đó vì là 1 công việc trái ngành học. Và bản thân cũng nghĩ đây là cơ hội để cố gắng trau dồi và tích lũy kinh nghiệm.

Sống ở Hà Nội tiêu 20 triệu cũng không đủ, thì lương 10 triệu biết xoay xở làm sao? - Ảnh 1.

Huyền Đỗ (26 tuổi) (Ảnh NVCC)

Với mức lương 6 triệu vào khoảng năm 2019 - 2020, cá nhân mình vẫn đủ trang trải cuộc sống ở Hà Nội. Lúc đó mình ở ký túc xá của trường nên chi phí khá rẻ. Tiền phòng 600k/tháng, điện nước wifi đâu đó khoảng 150k. Ăn uống thì tự mua đồ nấu, cốt yếu là để việc ăn uống sạch sẽ hơn vì bụng dạ mình hơi kém. Sau khi đi làm được 6 tháng, mình chuyển ra thuê phòng trọ ở ghép cùng bạn, lúc này phòng 2 triệu rưỡi cưa đôi, mỗi đứa chịu một nửa.

Việc chi tiêu với mình cũng không quá khó khăn, chắc do là dân gốc học kinh tế. Cứ nhận lương là mình cho 1 khoản vào gửi tiết kiệm online, còn lại dùng để chi tiêu hàng ngày. Việc đi chơi, mua sắm, ăn uống sẽ tự 'liệu cơm gắp mắm' dựa trên số tiền còn dư sau khi gửi tiết kiệm. Cuối năm 2019 mình đã bắt đầu dư tiền để biếu bố mẹ, đi du lịch rồi, và đó là chuyến đi Sapa đầu tiên bằng tiền mình tự kiếm được". Huyền Đỗ là một trong những người trẻ cực kỳ tuân thủ theo quy tắc "Tiết kiệm trước - Chi tiêu sau".

Còn với Thu Hằng, những chi tiêu của cô nàng không chỉ có mình tiền nhà, ăn uống. "Có tháng mình tiêu chạm mốc con số 20 triệu. Mình còn cần thêm tiền cho những nhu cầu khác như gặp gỡ bạn bè, đi du lịch, đầu tư cho bản thân,... Vì tính chất công việc yêu cầu phải vậy. Thế nên, mình rất nể những bạn có thể chi tiêu gói gọn trong khoản tiền lương chưa đến 10 triệu. Kiếm nhiều tiền thì tiêu nhiều hơn, bản thân mình nghĩ đây cũng là quy luật của dòng tiền. Để tiêu 10 triệu/tháng thì cũng phải làm hơn 10 triệu mới đủ".

Một điều khá thực tế, mà cô bạn Nga Nguyễn (27 tuổi, Hà Nội) cho biết: "Muốn tiết kiệm thì phải vượt qua được tiêu chuẩn kép của bản thân. Không thể vừa muốn có tiền tiết kiệm, vừa muốn thỏa mãn các sở thích cá nhân nếu như đang có mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng. Mình cũng từng nhận mức lương chỉ 7-8 triệu đồng: Không du lịch, không gội đầu ngoài tiệm, không trà sữa, không la cà quán xá, không móng, mi, vượt qua được 7 đời iphone,... nên hồi đó vẫn dư ra được 1-2 triệu để bỏ tiết kiệm".

Trên thực tế, mỗi người đều có cách chi tiêu của riêng mình. Chỉ cần phù hợp với nhu cầu và mục tiêu tài chính mà bản thân hướng đến là được!

Thu nhập bao nhiêu không quan trọng bằng cách chi tiêu thế nào

Chẳng ai định nghĩa được như thế nào là đủ! Huyền Đỗ cho biết: "Càng kiếm ra nhiều tiền thì mức sống của bạn càng cao và ngược lại. Bạn có thu nhập 100 triệu/tháng, việc mua 1 chiếc iphone 14 là chuyện bình thường. Nhưng nếu thu nhập chỉ 10 triệu, thì chuyện này lại khác.

Không bất ngờ khi trên Facebook của mình cũng có nhiều bạn hay đăng ảnh sang chảnh nọ kia. Nhưng sau đó lại nhắn tin vay tiền mình, thậm chí có những khoản vay chỉ vài trăm nghìn, lý do hết sức bất ngờ, đó là vì lỡ mua cái áo nên hết tiền ăn. Nên là, mình nghĩ với những bạn trẻ mới ra trường, thu nhập còn thấp thì nên tiết chế việc tiêu xài hoang phí không cần thiết lại. Có cần thiết lắm không khi lương 7 triệu mà mấy ngày lại cafe nọ kia chụp hình khoe Facebook? Thu nhập chưa cao thì nên sống tiết kiệm, nhiều người lương 6-7 triệu/tháng thôi họ vẫn sống được ở đây mà…".

Tuy nhiên, bên cạnh đó hãy không ngừng nâng cao thu nhập để cải thiện mức sống của bản thân. Huyền cho biết: "Mình luôn trau dồi kiến thức, nghiên cứu kỹ công việc mình đang làm, nằm vùng các group, kênh chuyên môn để đọc, xin tài liệu về xem. Chỉ cần làm tốt công việc hiện tại, đổ tâm sức vào thì tăng lương là chuyện đương nhiên". Bản thân bạn luôn biết cầu tiến, thì mới kiếm được nhiều tiền: "Mình may mắn được các anh chị, đồng nghiệp ở công ty giới thiệu những dự án ngoài như quản trị Fanpage, viết SEO, viết kịch bản video,... để tăng thêm thu nhập nữa. Tuy nhiên mình cũng chọn lọc việc vì cần phân bổ thời gian hợp lý và biết rõ đâu là điểm mạnh điểm yếu của mình". Không ngừng ở việc làm thêm, cô nàng còn đầu tư mở thêm 1 cửa hàng nến thơm online, vừa kiếm thêm tiền lại có được kinh nghiệm vận hành khó mà học được lúc làm thuê.

Sống ở Hà Nội tiêu 20 triệu cũng không đủ, thì lương 10 triệu biết xoay xở làm sao? - Ảnh 2.

Chi tiêu thế nào quan trọng hơn lương tháng bao nhiêu (Ảnh minh họa Pinterest)

Bắt đầu kiếm được tiền, việc tiếp theo bạn cần quản nữa đó chính là kiểm soát tài chính cá nhân. Huyền Đỗ cho biết: "Cách chi tiêu của mình đơn giản lắm. Không hàng hiệu, mua đồ cần thiết và phù hợp là được, thi thoảng săn đồ sale. Nấu cơm mang đi làm. Ít đi cafe sang chảnh chụp hình sống ảo. Chừng nào cảm thấy áp lực quá thì tìm thời gian thư giãn giúp cân bằng. Cái quan trọng mình cần nắm bắt được, đó là khi lương chưa cao thì cố gắng mà tiết kiệm. Phải tích được chút vốn rồi, muốn làm gì cũng dễ dàng hơn.

Quy tắc duy nhất mình áp dụng ở thời điểm hiện tại vẫn là 'Tiết kiệm trước - Chi tiêu sau'. Tiền lương nhận về mình sẽ chia làm 2, một phần để gửi tiết kiệm, phần còn lại để chi tiêu. Các app ngân hàng bây giờ khá tiện, gửi tiết kiệm online chứ đâu cần ra ngân hàng gửi như ngày xưa. Phải nhớ, đã gửi là không được rút nhé, chứ mà gửi hôm trước, hôm sau rút để tiêu thì coi như vô nghĩa". Chính vì biết cách kiểm soát chi tiêu của mình như vậy, nên Quỳnh Đỗ dù lúc lương thấp hay cao, vẫn có tiền đều đều để bỏ tiết kiệm: "Càng lớn, mình càng thấy chi tiêu còn quan trọng hơn cả kiếm được nhiều tiền!".

Theo Nguyễn Quỳnh Trang - TK Hoàng Sơn

Thể thao văn hóa

Trở lên trên