MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Sống tầm gửi" thương hiệu nước ngoài

Hơn 80% hàng nông sản được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài...

TS Cấn Văn Lực
TS Cấn Văn Lực
Chuyên gia tài chính ngân hàng
290 bài viết

Hầu hết, các sản phẩm nông sản của chúng ta đều đang xuất khẩu ở dạng thô, 80% lượng nông sản chưa xây dựng được thương hiệu, không có logo, nhãn mác... Theo TS. Cấn Văn Lực, Việt Nam vẫn còn một chặng đường dài tiến tới một cường quốc về nông nghiệp.

Tiến sỹ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV chỉ rõ, tuy thâm nhập được khá nhiều thị trường lớn và khó tính nhưng nhiều mặt hàng có chất lượng chưa ổn định, chưa hoàn toàn đáp ứng các tiêu chuẩn cao của các thị trường lớn nên thường gặp khó khăn trong các đợt kiểm tra về chất lượng, an toàn thực phẩm, dịch bệnh.

80% nông sản xuất khẩu chưa có thương hiệu

Hơn nữa, hàm lượng giá trị trong đa số nông sản còn thấp, do khâu chế biến, bảo quản, mẫu mã, thương hiệu... chưa được chú trọng làm tốt. Việc liên kết trong chuỗi giá trị xuất khẩu nông sản còn yếu, dẫn tới tình trạng chất lượng, giá cả, tiêu thụ hàng hoá không ổn định.

Đặc biệt, việc tiếp cận nhu cầu thị trường, tìm hiểu thông tin khách hàng còn khá hạn chế. Điều này cũng cho thấy năng lực tham gia thương mại quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam còn ở mức thấp. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong nước chưa hiểu biết rõ về nhu cầu của người tiêu dùng cuối cùng, một phần do hạn chế về năng lực tiếp cận nhưng mặt khác do sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý, hiệp hội ngành nghề cũng chưa trúng, chưa thiết thực với doanh nghiệp.

Ông Trần Mạnh Báo, Tổng Giám đốc, Tổng công ty giống cây trồng Thái Bình cũng thừa nhận, xuất khẩu nông sản còn nhiều thách thức. Đơn cử, thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam hiện nay đang đối diện với các hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật (tiêu chuẩn chế biến bảo quản gạo, chất lượng sản phẩm gạo). Chưa có sự chuyên môn hóa và hợp tác phát triển giữa các doanh nghiệp trong từng khâu: từ nghiên cứu phát triển giống gạo cho đến chế biến, xuất khẩu gạo thành phẩm.

Đáng quan ngại, định hướng xuất khẩu gạo của Việt Nam chưa rõ ràng và đúng hướng. Thế giới chỉ biết đến gạo trắng Việt Nam, tất cả các loại gạo xuất khẩu ra nước ngoài đều được mặc định là gạo trắng Việt Nam. Nhưng hiển nhiên trong đó có hàng trăm hàng ngàn giống gạo khác nhau, năng suất hiệu quả và hương vị khác nhau, vậy sao lại làm thương hiệu quy về một mối gạo trắng Việt Nam?

Theo bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam có sức cạnh tranh kém, chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế, chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô nên giá trị gia tăng không nhiều và thường có giá trị xuất khẩu không cao.

Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm nông nghiệp còn thấp và an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát triệt để, giá cả bấp bênh, sản xuất kém hiệu quả, thiếu ổn định bền vững.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, hơn 80% hàng nông sản được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài. Do chưa có thương hiệu nên khi xuất khẩu ra các thị trường lớn, sức cạnh tranh của nhiều loại nông sản rất kém.

Nguyên nhân của tình trạng nông sản Việt "sống tầm gửi" thương hiệu nước ngoài là do công nghệ trước và sau thu hoạch còn lạc hậu. Việc tham gia chuỗi từ khâu sản xuất, chế biến đến khâu marketing, phân phối và tiêu thụ còn hạn chế...

Hỗ trợ xây dựng thương hiệu quốc gia

"Do đó, để thương hiệu thực sự bền vững, nông sản phải đáp ứng được hai yêu cầu quan trọng, đó là chất lượng và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Để đáp ứng được hai yêu cầu này, cần xây dựng những quy chuẩn phù hợp với yêu cầu của từng thị trường xuất khẩu. Có như thế chúng ta mới mong xây dựng thương hiệu bền vững cho nông sản Việt", ông Long đề xuất.

Còn theo chuyên gia Cấn Văn Lực, chúng ta cần hỗ trợ phát triển thương hiệu sản phẩm với các mặt hàng xuất khẩu thông qua việc xây dựng thương hiệu quốc gia. Phát triển các kênh bán hàng ngay tại thị trường xuất khẩu.

Việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm không chỉ là nhiệm vụ của doanh nghiệp mà phải được thực hiện ở quy mô, tầm cỡ quốc gia. Để tạo lập giá trị bền vững, thương hiệu nông sản cần được gắn với chỉ dẫn địa lý mang hình ảnh quốc gia, địa phương qua đó tạo sự khác biệt hoá và nâng cao giá trị thương hiệu cho sản phẩm.

Đối với doanh nghiệp, phát triển hệ thống thông tin thị trường xuất khẩu, tổ chức công tác thu thập, xử lý thông tin và xúc tiến thương mại thực chất, hiệu quả tránh theo phong trào. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, chú trọng giới thiệu hàng hoá để thâm nhập thị trường nước ngoài.

Đồng thời xây dựng, bảo vệ và phát triển nhãn hiệu hàng hoá và thương hiệu doanh nghiệp; phát triển thương hiệu quốc gia kết hợp hình ảnh quốc gia với các sản phẩm đặc thù và có thế mạnh của Việt Nam.

Bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương kiến nghị, đổi mới công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp xuất khẩu và tăng cường xây dựng thương hiệu cho hàng nông sản.

Song song với các phương thức xúc tiến thương mại truyền thống, cần nghiên cứu tổ chức tuần hàng hoặc lễ hội hàng nông sản đặc sắc Việt Nam trong và ngoài nước để tuyên truyền. Căn cứ nhu cầu, đặc điểm thị trường xuất khẩu, nghiên cứu xây dựng thương hiệu, bao bì riêng cho hàng nông sản Việt Nam tại từng thị trường cụ thể.

Theo Vũ Khuê

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên