"Sóng thần" Covid-19 ập tới, châu Âu báo động đỏ mất kiểm soát
Mỹ, Nga, Pháp và nhiều quốc gia khác ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao kỷ lục khi làn sóng lây nhiễm mới “đổ bộ” vào các khu vực ở Bắc bán cầu, buộc một số nước phải áp dụng các biện pháp hạn chế mới.
- 24-10-2020Covid-19 ở châu Âu: Ca nhiễm mới tăng sốc, dịch kéo dài tới mùa hè 2021
- 22-10-2020Tình nguyện viên thử vắc xin chống Covid-19 tử vong ở Brazil, AstraZeneca gặp họa
- 20-10-2020Nhờ đâu Uniqlo vẫn tự tin báo lãi mặc Covid-19?
Theo trang Worldometers, tính đến sáng 27-10, tổng số ca mắc Covid-19 trên thế giới hơn 43,7 triệu trường hợp, trong đó có gần 1,2 triệu ca tử vong. Tại châu Âu, bức tranh vẫn rất ảm đạm khi các nước thông báo mức gia tăng kỷ lục mới về số ca mắc Covid-19, dẫn đầu là Pháp với 1.165.278 ca nhiễm và 35.018 ca tử vong.
Giáo sư Jean-François Delfraissy, người đứng đầu một hội đồng tư vấn cho chính phủ Pháp, nói với Reuters rằng nước này thậm chí có thể chứng kiến 100.000 ca nhiễm mới mỗi ngày trong thời gian tới.
Eric Caumes, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm và bệnh nhiệt đới tại Bệnh viện Pitié-Salpêtrière ở Paris (Pháp), hôm 26-10 cảnh báo Pháp có thể "mất kiểm soát dịch bệnh", đề xuất cần phải đóng cửa đất nước một lần nữa.
Con đường vắng ở vùng Lazio, miền Trung nước Ý, ngày 26-10. Ảnh: AP
Chính phủ các nước cố gắng tránh biện pháp phong tỏa lần thứ hai do lo ngại thiệt hại nghiêm trọng đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, sự gia tăng số ca mắc mới đã buộc nhiều nước châu Âu gấp rút chuẩn bị các phương án khắc nghiệt hơn để đối phó với làn sóng dịch thứ 2.
Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu tại cuộc họp của của đảng cầm quyền Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) sáng 26-10: "Tình hình đang cực kỳ nghiêm trọng và có nguy cơ vượt tầm kiểm soát".
Nhật báo Bild đưa tin chính phủ của bà Merkel đã lên kịch bản tái phong tỏa nhưng các biện pháp ít khắc nghiệt hơn hồi tháng 3, để ngăn sự bùng phát các ca nhiễm dịch trong những ngày qua tại Đức.
Theo kế hoạch này, toàn bộ các nhà hàng, quán bar sẽ bị đóng cửa, các sự kiện công cộng bị hủy bỏ. Thế nhưng, các cửa hàng và trường học vẫn tiếp tục mở, ngoại trừ tại những khu vực có tỷ lệ nhiễm đặc biệt cao. Việc di chuyển và tiếp xúc của các công dân sẽ bị hạn chế tối đa, dù người dân sẽ không bị cấm ra khỏi nhà.
Từ ngày 26-10, các biện pháp hạn chế chính thức có hiệu lực tại Ý, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong giai đoạn đầu của dịch Covid-19. Chính phủ của Thủ tướng Giuseppe Conte cũng ra khuyến cáo mới, đề nghị người dân Ý không đi du lịch nước ngoài để tránh bị mắc kẹt nếu các nước đóng cửa biên giới trong thời gian tới.
Chính phủ của Thủ tướng Đức Merkel đã lên kịch bản tái phong tỏa nhưng các biện pháp ít khắc nghiệt hơn hồi tháng 3. Ảnh: Reuters
Tại Tây Ban Nha, nước này đang đối mặt với phản ứng dữ dội về kế hoạch ban bố tình trạng khẩn cấp trong 6 tháng (kéo dài đến tháng 5-2021) để khống chế đợt tái bùng phát. Các đảng đối lập cho rằng 6 tháng là quá dài, các nhà dịch tễ học nói rằng động thái này có thể là quá muộn, trong khi một số công dân phớt lờ lệnh giới nghiêm vào buổi tối.
Giới chức Anh có khả năng sẽ thắt chặt các hạn chế đối với nhiều khu vực hơn nữa vào tuần này, khi xuất hiện ý kiến trái chiều về việc liệu các biện pháp được áp dụng những tuần qua có khống chế được ca nhiễm Covid-19 hay không.
Các bác sĩ ở thành phố Liège của Bỉ được yêu cầu tiếp tục làm việc ngay cả khi họ mắc Covid-19 giữa lúc số ca bệnh và người nhập viện gia tăng. Cứ 3 người được xét nghiệm thì có 1 người dương tính với virus SARS CoV-2 ở thành phố phía Đông nước Bỉ này.
Các bệnh viện đang cách ly bệnh nhiễm và hủy bỏ các ca phẫu thuật không khẩn cấp vài ngày sau khi Bộ trưởng Y tế Bỉ Frank Vandenbroucke cảnh báo nước đang sắp đón "cơn sóng thần" Covid-19 mà chính quyền "không còn kiểm soát được những gì đang xảy ra".
Người Lao Động