MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sống tiêu cực là một lựa chọn, người khôn ngoan ắt biết thay đổi: Chọn sai có thể chọn lại nhưng sống một cuộc đời đầy hận thù là "đâm đầu" vào ngõ cụt!

01-05-2020 - 08:47 AM | Sống

Thật khó để nói rằng chẳng bao giờ chúng ta đem mình đi so sánh với thành tích của những người khác. Tất cả chúng ta đều thỉnh thoảng làm điều đó – tại nơi làm việc, ở trường học, với bạn bè, trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Nhưng nếu hành động ấy xảy ra liên tục thì sức khoẻ tinh thần và cách bạn nhìn nhận bản thân chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Đôi khi, chỉ cần nhìn vào gương, thấy khuôn mặt mình xuất hiện, những suy nghĩ về sự thù hận và thất vọng có thể sẽ kích hoạt. Bạn đau khổ trong một thời gian dài có thể dẫn đến trầm cảm lúc nào không hay.

Nếu bạn không chắc mình có đang ghét bản thân hay không, hãy kiểm tra một vài triệu chứng phổ biến:

- Luôn thấy cuộc đời thật thảm hoạ: Một sự kiện nhỏ không thành, chắc chắn bạn nghĩ mình là kẻ thất bại và không thể làm được gì.

- Chỉ tập trung vào tiêu cực: Kể cả ngày hôm nay có nắng đẹp đến mấy, bạn vẫn cho rằng cuộc sống của mình chỉ toàn nỗi buồn.

- Tin vào một cảm giác mơ hồ: Thay vì chỉ cảm thấy mình đã không thành công, bạn mặc nhiên khẳng định mình đúng là một người thất bại.

- Lòng tự trọng thấp: Bạn cảm thấy mình không đủ tốt để ở gần người bạn thân, để xin việc mới hoặc cho mình những cơ hội tốt.

Đừng hoảng loạn nếu thẩy mình có những dấu hiệu này. Mọi thứ có thể quá sức với bạn ngay lúc này nhưng hãy tin rằng: Bạn xứng đáng nhận được tình yêu, đặc biệt là từ chính bạn.

1. Chú ý đến những kích động từ trong bản thân

Từ lâu đã phải chiến đấu với một cơn hận thù bản thân vô cùng nghiêm trọng, bạn chẳng còn nhớ nguyên cớ nào nó xuất hiện. Vì thế, hãy cố gắng lắng nghe bản thân, tốt hơn hết hãy làm hoà bằng cách viết ra những gì mình cảm thấy, sau đó từ từ tìm ra "chân tướng" của sự kích động này, lưu lại một số ghi chú về việc bạn đã làm gì, bạn cảm thấy thế nào trong các hoạt động trong ngày, bạn đã ở bên cạnh ai… Viết không được, bạn có thể thử ghi lại bằng các đoạn video ngắn hoặc ghi âm trên điện thoại.

Mỗi cử chỉ trong ngày của bạn có thể giúp bạn giải quyết "cái gai" kia. Khi đã xác định được nguồn gốc của cơn giận dữ, bạn sẽ biết mình nên làm gì để tránh hoặc giảm thiểu chúng.

 Sống tiêu cực là một lựa chọn, người khôn ngoan ắt biết thay đổi: Chọn sai có thể chọn lại nhưng sống một cuộc đời đầy hận thù là đâm đầu vào ngõ cụt!  - Ảnh 1.

2. Thách thức những suy nghĩ tiêu cực

Đôi khi sự giận dữ tự xuất hiện khi bạn đang mông lung suy nghĩ. Nếu điều này xảy ra, hãy thử nói chuyện với chính tâm hồn mình. Chẳng hạn, nếu bạn nghĩ mình ghét bản thân thì sẽ có câu hỏi "Tại sao?" tự động bật ra. Nếu câu trả lời nhận được là do "Tôi thật xấu xí trong bộ đồ này" hay "Chính tôi đã khiến buổi gặp mặt không suôn sẻ" thì hãy thách thức chính suy nghĩ của mình.

Nói thẳng với bản thân rằng "Điều đó không đúng", bạn sẽ tiếp tục suy nghĩ về lý do tiêu cực hoàn toàn sai này. Đừng nản chí khi "đấu tranh" với chính mình. Nếu bạn cảm thấy mình không thể, hãy tưởng tượng những siêu anh hùng ngày trước mình yêu thích sẽ đến và giải cứu những suy nghĩ tích cực của bạn, ngăn chặn những tiêu cực kia.

3. Tập luyện nói chuyện và suy nghĩ tích cực

Nếu có một khoảng thời gian bạn cảm thấy mình ổn, hãy thử viết ra một danh sách những gì bạn yêu thích ở bản thân. Cứ thoải mái nghĩ về bất kì điều gì khiến bạn vui, đừng ngại kể cả đó là tình yêu!

Sau đó, hãy lưu lại danh sách này trong trí nhớ hoặc ghim danh sách vào nơi bạn có thể nhìn thấy nó mỗi ngày. Khi những ý nghĩ hận thù xuất hiện, hãy ngừng việc đang làm, hít một hơi thật sâu và đọc to một trong những gạch đầu dòng trong danh sách yêu thích của bạn. Tìm hiểu thêm về lợi ích của việc tự nói chuyện tích cực và hãy xây dựng nó thành thói quen hằng ngày của bạn.

 Sống tiêu cực là một lựa chọn, người khôn ngoan ắt biết thay đổi: Chọn sai có thể chọn lại nhưng sống một cuộc đời đầy hận thù là đâm đầu vào ngõ cụt!  - Ảnh 2.

4. Chuyển hướng suy nghĩ tiêu cực

Kỹ thuật trị liệu này được sử dụng để giải quyết những suy nghĩ tiêu cực của bạn bằng cách chuyển suy nghĩ đó sang một quan điểm khác. Nó có thể liên quan đến suy nghĩ về một tình huống xấu hoặc xem xét sự thất vọng trong một góc nhìn tích cực. Tuy nhiên, bạn cần quyết định thử nó hay không để bộ não của bạn có thể tìm kiếm và tập trung nhiều hơn vào sự tích cực.

Ví dụ, thay vì nói mình rất tệ trong việc thuyết trình, bạn có thể suy nghĩ rằng mình chưa làm tốt trong lần thuyết trình này và ngày mai có thể làm tốt hơn. Đó chính là một thay đổi, tuy nhỏ nhưng vô cùng hữu ích.

5. Dành thời gian ở bên người làm bạn cười

Sự tự hận thù có thể khiến bạn muốn cô lập bản thân. Bạn có thể cảm thấy như mình không xứng đáng ở bên bạn bè hoặc gia đình. Hoặc bạn có thể cảm thấy như không ai muốn ở bên bạn.

Mặc dù bạn cho rằng mình tự ý biến mất trong mỗi lần gặp gỡ mọi người là cách để triệt tiêu những suy nghĩ tiêu cực, các chuyên gia lại cho rằng đó không phải là một ý tưởng hay. Kết nối với người khác đóng góp rất lớn cho tinh thần của chúng ta vì sự tương tác xã hội giúp chúng ta cảm thấy tốt hơn về bản thân.

Cách tốt nhất để chống lại những suy nghĩ tiêu cực là dành thời gian cho những người thân yêu của chúng ta, cho dù đó là một người bạn, một thành viên gia đình hoặc đối tác công việc. Đi uống cà phê, xem phim cùng nhau hoặc đơn giản là ghé thăm một địa điểm khi đi dạo cùng nhau. Tương tác xã hội có thể giúp bạn cảm thấy được "sạc pin" và có giá trị.

 Sống tiêu cực là một lựa chọn, người khôn ngoan ắt biết thay đổi: Chọn sai có thể chọn lại nhưng sống một cuộc đời đầy hận thù là đâm đầu vào ngõ cụt!  - Ảnh 3.

6. Tập luyện sự bao dung

Đây có lẽ là điều khó làm nhất nhưng lại hữu ích nhất. Tức là bạn cần chấp nhận những suy nghĩ tiêu cực, sai lầm và thất bại của bạn và hiểu chúng đơn thuần là những khoảnh khắc lộn xộn của con người. Bất kì ai cũng có những lúc khó khăn như vậy, không riêng mình bạn.

Hãy tha thứ cho bản thân giống như cách bạn tha thứ cho người thân vì đã khiến bạn phải thất vọng vì một khoảnh khắc nào đó trong cuộc sống. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, giống như thiền định, sự tự bao dung, tự tha thứ là một kỹ năng có thể rèn luyện được.

7. Yêu cầu giúp đỡ

Hãy nhớ rằng: Bạn không bao giờ đơn độc trong hành trình sức khỏe tinh thần của bạn. Mọi người đều có vấn đề, có thể họ cũng đang vướng mắc ở điểm bạn đang mắc hay một điểm khác, và hầu hết mọi người đều cần một chút giúp đỡ để vượt qua.

Không có gì xấu hổ khi yêu cầu giúp đỡ. Trên thực tế, đó là cách tốt nhất để học cách quản lý sự hận thù và tự nói chuyện tiêu cực của bạn.

Đến cuối ngày, bạn sẽ thấy mình có thể đi từ "Tôi ghét bản thân" đến "Tôi có thể làm tốt hơn vào ngày mai". Đừng lo lắng quá, bạn sẽ thành công thôi!


Theo Lân Lan

Báo dân sinh

Trở lên trên