Sống tối giản 4 năm, blogger Chi Nguyễn: “Nhiều người hiểu sai, loại bỏ đồ đạc chỉ là “lối sống sạch sẽ”, không phải lối sống tối giản”!
Chi Nguyễn, hay còn được biết đến là chủ nhân của blog The Present Writer, bắt đầu theo đuổi chủ nghĩa tối giản từ năm 2015 sau những rối ren, bộn bề từ một lần chuyển nhà đồ đạc chất đống. Tác giả của “Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản” chia sẻ trăn trở của mình rằng không ít người mặc định phong cách sống này chỉ bao gồm mỗi việc từ bỏ đồ đạc thừa thãi mà không hiểu sâu bên trong ý nghĩa của lối sống này. Tối giản không chỉ thể hiện ở khía cạnh vật chất mà còn ở mặt phi vật chất như: suy nghĩ, mối quan hệ, cách sử dụng mạng xã hội…
Chi Nguyễn định nghĩa thế nào về chủ nghĩa sống tối giản?
Khi nhắc đến chủ nghĩa sống này, tôi đoán chắc nhiều người sẽ liên tưởng ngay tới phong cách sống của người Nhật Bản, thường được gọi là ‘danshari’ hay ‘minimalism’. Những năm gần đây, mọi người nhắc đến lối sống tối giản ngày càng nhiều hơn và mỗi người lại có một định nghĩa riêng tùy theo cái nhìn và cuộc sống hiện tại của bản thân họ. Còn bản thân tôi, lối sống tối giản là một sự lựa chọn cho cuộc sống, bỏ đi những thứ thừa thãi về cả vật chất lẫn tinh thần để mình dành chỗ cho những thứ mới mẻ, mang lại giá trị và ý nghĩa tích cực hơn.
Theo chị, lối sống tối giản nên được thể hiện ở một vài khía cạnh nhất định trong cuộc sống hay mọi mặt cần phải được tối giản?
Trước đây, khi nhắc đến hai chữ "tối giản", nhiều người liên tưởng ngay đến trào lưu phong cách thời trang hay nội thất tối giản đã một thời đình đám thu hút dư luận. Nhưng bạn thấy đấy, giờ đây khi nhắc tới "tối giản", người ta còn biết nó xuất hiện ở nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống như cách làm việc, cách đối nhân xử thế…
Không thể tối giản một mặt cuộc sống được vì một khi bạn đã lựa chọn đây là phong cách sống mình theo đuổi, chắc chắn nó sẽ trải dài nhiều mặt hiện hữu trong cuộc sống của bạn.
Tuy nhiên, bạn cũng khó mà tối giản tất cả các mặt trong cuộc sống của mình vì đôi khi, ở một mặt nào đó, bạn vẫn sẽ muốn cuộc sống của mình tối đa một chút. Tất cả tùy thuộc vào lựa chọn của mỗi người mà thôi.
Ví dụ như tôi, vì công việc liên quan đến nghiên cứu nên tôi thực sự không thể và không muốn tối giản lượng sách giấy mình có. Mặc dù đọc rất nhiều tài liệu bản mềm trên máy tính và sử dụng sách nói, sách giấy vẫn không thể thay thế được hoàn toàn. Thậm chí, trong tương lai, tôi còn muốn sưu tập them nhiều sách mới hay hơn, "tối đa" hơn tủ sách của mình.
Thêm một ví dụ nữa là trong khía cạnh gia đình. Tôi đã lập gia đình và mới có một em bé. Tuy nhiên, nhiều người nổi tiếng trên thế giới sống theo phong cách tối giản lại chọn không có con. Họ chọn kết hôn nhưng không muốn có con vì họ nghĩ có (nhiều) con sẽ ảnh hưởng đến phong cách sống tối giản. Khi có con, bạn bắt buộc phải thêm nhiều lựa chọn, vì để đảm bảo cuộc sống cho một đứa trẻ tồn tại. Nhưng đối với tôi, có con và sống tối giản hoàn toàn có thể song hành, không nhất thiết phải chọn một trong hai. Như vậy, mặt nào trong cuộc sống cần tối giản, mặt nào không là tùy lựa chọn của từng người.
Lối sống tối giản nên được thể hiện ở những mặt nào trong cuộc sống hiện đại?
Số lượng quần áo, mạng xã hội, mối quan hệ xã hội và cách sắp xếp cuộc sống. Càng ít lựa chọn, tôi cam đoan bạn càng bình tĩnh sống và hưởng thụ từng khoảnh khắc. Thay vì mỗi sáng cuống quýt chỉ nghĩ xem mình cần mặc gì đi làm, tại sao bạn không nghĩ mình có thể tiết kiệm thời gian và làm thêm được nhiều việc hơn thế? Thay vì chọn số lượng cho một mùa mode ngắn ngủi, tại sao bạn không thử chọn mua quần áo về chất lượng để dùng lâu dài? Hơn nữa, thời trang nhanh (fast fashion) gây hoang phí và ô nhiễm khủng khiếp tới môi trường sống; tốt hơn cả, bạn nên cân nhắc mua đồ cũ (second-hand) hay tái sử dụng lại những đồ mình đã có sẵn.
Nói về mạng xã hội, nhiều người sử dụng nó vì họ cảm thấy không cô đơn trong những mối quan hệ ảo, họ được bộc lộ bản bản thân mình nhưng lại chật vật khi nhận ra rằng mạng xã hội gần như đã chiếm hết thời gian họ có trong một ngày. Theo tôi, có 2 kiểu người trên mạng xã hội: người thích chia sẻ và người tiếp nhận thông tin. Ở vị trí người chia sẽ, đã từng có một thời gian, bất cứ tin nào hot, tin nào gây bức xúc là tôi ngay lập tức chia sẻ, bình luận, phản ứng gay gắt trên tài khoản cá nhân, thậm chí còn đếm xem có bao nhiêu người cũng có phản ứng như mình. Còn khi tôi ở vị trí tiếp cận thông tin, bản thân mình cũng khó chịu khi người này người kia khoe khoang đi mua đồ hiệu, đi du lịch, chụp ảnh đi chơi… Vậy nên, tôi đã suy nghĩ lại về cách sử dụng mạng xã hội của mình. Chỉ vì cảm xúc của bản thân mà đôi khi mình không kiềm chế được, mình cũng rất xốc nổi khi dùng mạng xã hội không hợp lý, làm mất thời gian của bản thân, cũng như gây ảnh hưởng không tốt tới cảm xúc của người khác. Đến bây giờ, dù ở vị trí nào, tôi cũng rất chọn lọc thông tin: chia sẻ khiêm tốn hơn, chia sẻ những thông tin hữu ích cho mọi người và chủ động unfollow những người gây cho mình cảm giác tiêu cực thường xuyên trên mạng xã hội.
Về mối quan hệ xã hội, ngày trước không thích ai là mình tự nghỉ chơi với người đó; còn bây giờ, đi làm rồi, mình không thích ai nhưng vì công việc vẫn phải giữ mối quan hệ xã giao đối với người đó. Sau khi theo đuổi lối sống tối giản, tôi đã đưa cho mình một quy tắc: đối với những trường hợp không có thiện cảm, tôi vẫn sẽ đưa họ vào vòng quan hệ nhưng thời gian dành cho họ ít hơn, cuộc nói chuyện sẽ rút ngắn đi. Thời gian quý giá mình nên dành nhiều hơn cho gia đình, cho những người thương yêu.
Điều cuối cùng, tôi nghĩ nên tối giản về cách sắp xếp cuộc sống, tức là bạn cần phải ưu tiên những việc gì. Một người hiện đại chắc chắn có nhiều mối quan tâm và trong một ngày, bạn không thể làm hết được những việc mình muốn. Vì thế, hãy làm những việc quan trọng cho bản thân, công việc, gia đình trước hết, còn lướt mạng xã hội, mua sắm không cần thiết, nói xấu người khác hãy để sau đi…
Tuy nhiên, khi nhắc đến lối sống tối giản, mọi người chỉ nghĩ là vứt bớt đồ đạc như cách mọi người nhớ đến cái tên Marie Kondo chứ không hề có ý nghĩ là phải tối giản mối quan hệ hay cách sắp xếp cuộc sống ra sao?
Cuốn sách của tôi khi ra mắt cũng nhận được một số chỉ trích vì nhiều người đọc cho rằng họ mua sách liên quan đến lối sống tối giản và ngạc nhiên khi sách lại nhắc đến cả những khía cạnh khác như tư duy tích cực, cách sắp xếp cuộc sống… Nhưng đó là cái nhìn của tôi về chủ nghĩa tối giản, nó không chỉ dừng lại ở đồ đạc. Trong cộng đồng những người sống tối giản, có những cuộc tranh cãi nổ ra không ngớt khi nhắc đến cái tên Marie Kondo. Thực lòng mà nói, từ cuốn sách của cô ấy mà tôi được khích lệ đi theo lối sống tối giản. Nội dung cuốn sách này nói rất kĩ bỏ bớt đồ đạc thế nào, tại sao bỏ bớt đồ đạc khiến mình hạnh phúc hơn nhưng chưa bao giờ cô ấy gọi cách của mình là phương pháp tối giản hay gọi mình là người theo chủ nghĩa tối giản cả. Phần lớn những người theo ‘minimalism’ cho rằng phương pháp của Marie Kondo rất tốt nhưng không bao gồm việc tối giản những mảng phi vật chất. Đừng nặng nề gắn chủ nghĩa tối giản với đồ đạc vì đồ đạc chỉ là một khía cạnh rất nhỏ trong ý nghĩa thực sự của chủ nghĩa tối giản.
Chị có nghĩ lối sống tối giản chỉ là một xu hướng nhất thời rồi sẽ biến mất không?
Cá nhân tôi cho rằng đây là một lối sống không hề có một điểm nào tiêu cực trừ khi suy nghĩ của bạn làm cho nó tiêu cực.
Ở Việt Nam, họ mới chỉ biết tới chủ nghĩa sống tối giản gần đây thôi còn ở nước ngoài, như nơi tôi đang sống, ở Mỹ, họ đang nói nhiều hơn về lối sống Bắc Âu như ‘hygge’ hay ‘lagom’… Nhiều người sống theo xu hướng năm 2015 vứt bớt đồ đạc theo chủ nghĩa tối giản nhưng đến năm 2018, họ sẽ mua thêm những đồ đạc mới phù hợp theo xu hướng sống mới. Nhưng tôi cho rằng những ai thực sự hiểu và sống hết mình với lối sống tối giản, họ sẽ thấy rằng khi xu hướng qua đi, nét đẹp tối giản vẫn còn tiếp diễn ở một hình hài, biến thể nào đó và mình vẫn áp dụng cái tinh túy nhất định vào cuộc sống.
Các bạn trẻ ở độ tuổi 20 có nhiều mối quan tâm hơn, vậy đó có phải là điều ngăn cản họ tiếp cận và thực hành lối sống tối giản không?
Tôi không cho rằng đó là một rào cản, chẳng qua các bạn ấy chưa tìm được một góc nhìn phù hợp về lối sống tối giản hay một người truyền cảm hứng khiến họ đồng cảm.
Khi cuốn sách của tôi xuất bản, nhiều độc giả chia sẻ rằng họ rất thích lối sống tối giản nhưng họ nói tôi ở nước ngoài, họ ở Việt Nam hay tôi sống một mình, họ sống với gia đình, lối sống tối giản thực sự quá mơ hồ và xa vời… Tôi đã khuyên họ nên thử sống tối giản ở mặt này mặt kia và đọc thêm sách của những người khác. Tuổi tác hay trải nghiệm cuộc sống không phải rào cản đến với 'minimalism', rào cản thực sự là phải tốn thời gian để tìm được một người truyền cảm hứng đúng đắn về chủ nghĩa này. Có thể khoảng thời gian đầu, khi mình chưa có kiến thức thì đơn giản chỉ là ‘copy’, đi theo cách sống của người khác nhưng khi quyết định sống thực sự theo chủ nghĩa tối giản, chắc chắn bạn đã có những chiêm nghiệm qua thời gian. Bạn sẽ biết mình cần buông bỏ và giữ lại những gì.
Nhiều bạn trẻ hiện nay cũng có tiếp cận lối sống tối giản, một số bạn đã thử sống nhưng lại kết thúc rất nhanh. Chị có suy nghĩ gì không?
Mọi việc trong cuộc sống phụ thuộc vào quyết tâm và hành động của mỗi chúng ta. Ví dụ như đâu đâu cũng nói là tập thể dục tốt cho sức khỏe, ai cũng biết vậy, nhưng đâu có mấy người theo được. Đối với những bạn thử sống tối giản nhưng kết thúc nhanh, tôi nghĩ rằng họ nên thử sống thêm nhiều mặt khác nhau của lối sống tối giản. Thanh lọc đồ đạc chỉ là lớp ban đầu của ‘minimalism’ và để thực sự mà nói, nếu dừng ở việc dọn đồ đạc không thôi thì đó chỉ đơn thuần là ‘chủ nghĩa dọn dẹp’ hay ‘lối sống sạch sẽ’ chứ không phải tối giản.
Đối với tôi, một khi đã theo chủ nghĩa này thì không bao giờ muốn quay lại lối sống cũ cả. Lối sống cũ quá rối ren, mệt mỏi vì mình phải chăm sóc rất nhiều người, chăm sóc những sở thích mà đôi khi mình không thực sự thích.
Nhưng không phải ai cũng cần theo lối sống tối giản để trở thành một con người tân tiến, có những người chọn cách sống tối đa nhưng họ vẫn hạnh phúc. Lối sống này chỉ dành cho những người cảm thấy cần bỏ bớt thừa thãi trong cuộc sống để đón những điều tốt đẹp hơn. Còn với những người hạnh phúc với cuộc sống của mình thì họ hoàn toàn có thể chọn sống theo cách của họ, không sao cả.
Chị được và mất gì khi theo đuổi lối sống tối giản?
Một ngày cũ của tôi có rất nhiều lựa chọn khiến mình cảm thấy rất nặng nề, stress ngay từ khi mới tỉnh giấc đến tận cuối ngày. Khi tôi quyết định đi theo lối sống này, mọi việc đi vào quy củ, thậm chí những lựa chọn cá nhân cũng được sắp xếp tốt hơn. Tôi ưu tiên những việc làm có lợi cho sự phát triển cá nhân và tình cảm riêng của mình đối với mọi người. Tối giản là lựa chọn, mà lựa chọn là lấy cái này bỏ cái kia, bạn chấp nhận phải hi sinh.
Trong gần 4 năm sống tối giản, tôi có được sự dũng cảm (khi dám từ bỏ), sự tin tưởng (khi bỏ đi số lượng và bù bằng chất lượng), sự bình an (khi từ bỏ mà không sợ hãi). Tuy nhiên, được và mất luôn song hành nhau. Cái khó nhất của tôi là phải dành thời gian để giải thích cho những người xung quanh là mình đang làm gì và tư duy mình như thế nào. Có thể, người thân tặng bạn một món quà nhưng bạn thấy nó không hữu dụng với bạn và bạn đem tặng lại cho người khác với mục đích cần thiết hơn; khi ấy, có thể người tặng quà cho bạn sẽ không hiểu ngay được tấm lòng của bạn… Nhưng sau này, khi mọi người đã hiểu rồi, thì mọi chuyện đều dễ dàng và nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Lời khuyên cuối cùng chị muốn dành cho những người đã, đang và sẽ theo đuổi chủ nghĩa sống tối giản?
Lối sống này chỉ là một lăng kính để nhìn vào cuộc sống. Không ai có thể bắt buộc ai đi theo lối sống này. Lối sống tối giản không có luật lệ gì cả, không nên chỉ trích phải thế này thế kia mới là tối giản, không nên so sánh phương pháp nào với phương pháp nào để sống tốt hơn. Tôi tin tưởng ở lối sống tối giản mang một giá trị tốt đẹp, bất cứ ai cũng đều có thể học một điều gì đó từ lối sống này. Nếu lần trước thử, bạn đã từ bỏ sớm, vậy tại sao lần này bạn không đến với chủ nghĩa tối giản bằng một khía cạnh khác? Hãy thực sự trải nghiệm!
Xin cám ơn chị về cuộc trò chuyện này!
Trí thức trẻ