Sony trình làng TV QD-OLED 4K đầu tiên trên thế giới
Trong năm 2022, Sony đặt kỳ vọng vào mảng TV khi công bố chiếc TV QD-OLED (quantum dot OLED) đầu tiên trên thế giới. Trước đây, các mẫu TV OLED của Sony đang sử dụng tấm nền do LG Display cung cấp và được hãng tinh chỉnh.
Tại sự kiện CES 2022, Sony đã giới thiệu chiếc TV Bravia XR A95K mới. Thiết bị sử dụng tấm nền QD-OLED của Samsung Display. Mẫu TV này sẽ có hai phiên bản kích thước 65 inch và 55 inch cùng độ phân giải 4K.
Sở dĩ Sony có sự thay đổi trong việc chọn nhà cung cấp là vì Samsung Display đã phát triển công nghệ QD-OLED trong nhiều năm, xem đây như một bước đệm chuyển giao giữa công nghệ OLED tiêu chuẩn và microLED, vốn chỉ xuất hiện trên các sản phẩm nhà Samsung.
Về cơ bản, QD-OLED kết hợp nhiều lợi thế của công nghệ OLED như cho màu đen sâu, độ tương phản cao... với những điểm tốt trên TV LED chấm lượng tử gồm độ sáng cao và khả năng tái tạo màu sắc sống động.
Màn hình QD-OLED khác với các tấm nền OLED truyền thống được LG Display sản xuất ở cách chúng tái tạo hình ảnh. Tấm nền của LG là loại WRGB OLED, chúng sử dụng hợp chất OLED màu xanh và vàng để tạo ra các điểm ảnh ánh sáng trắng được truyền qua các bộ lọc màu, từ đó cho ra các điểm ảnh phụ màu đỏ, xanh lục và xanh lam. Tuy nhiên, nhược điểm của OLED là cho độ sáng thấp khi phải truyền ánh sáng trắng qua một lớp lọc.
QD-OLED thay đổi điều này bằng cách phát ra ánh sáng xanh dương thông qua các chấm lượng tử để chuyển một số màu xanh lam thành màu đỏ và xanh lục mà không cần đến bộ lọc màu. Điều này giúp cho hiệu quả sử dụng năng lượng ánh sáng tốt hơn vì TV không bị mất đi bất kỳ ánh sáng nào để cho qua các bộ lọc màu. Nhờ vậy, TV QD-OLED sẽ có độ sáng cao hơn so với các thế hệ OLED trước, giúp cho ra màu sắc tốt hơn, nhất là với các nội dung HDR.
Ngoài ra, QD-OLED còn có thể duy trì khả năng tái tạo màu sắc chấm lượng tử sống động ngay cả ở mức độ sáng cao nhất, trong khi WRGB OLED đôi khi có thể xảy ra một số hiện tượng khử bão hòa khi đẩy đến độ sáng tối đa.
Trong buổi giới thiệu, Sony tuyên bố QD-OLED “tăng độ sáng màu lên đến 200% so với TV thông thường”. Góc nhìn rộng vốn đã tốt trên OLED nay thậm chí còn tốt hơn trên QD-OLED vì khuếch tán nhiều ánh sáng hơn mà không cần đến bất kỳ bộ lọc màu nào.
Tuy nhiên, QD-OLED không loại bỏ được nhược điểm lưu ảnh (burn-in), song hy vọng rằng những tấm nền này có thể cho tuổi thọ sử dụng lâu hơn so với các TV OLED hiện có vì các điểm ảnh không cần hoạt động hết công suất. Được biết, Samsung Display đang sử dụng ba lớp vật liệu OLED màu xanh lam cho mỗi điểm ảnh và điều này giúp kéo dài tuổi thọ của màn hình.
Bravia XR A95K được Sony hoàn thiện tỉ mỉ với phần giá đỡ đa năng, giúp TV có thể đặt được ở bất kỳ vị trí nào người dùng muốn, cũng như có thể nâng màn hình lên một khoảng đủ để bố trí soundbar mà không làm cản trở tầm nhìn. Sản phẩm còn có khả năng quản lý cáp thông minh giúp tối ưu không gian và gọn gàng hơn.
TV được trang bị 4 cổng HDMI, với 2 cổng hỗ trợ HDMI 2.1. Sony cho biết sản phẩm sẽ hỗ trợ khả năng chơi game 4K 120Hz, tự động kích hoạt HDR và giảm độ trễ khi kết nối cùng máy chơi game PS5.
Google TV tiếp tục là lựa chọn phần mềm của Sony trong năm 2022 với các công nghệ độc quyền như XR OLED Contrast Pro, XR Triluminos Max Acoustic Surface Audio Plus. Giá bán và ngày phát hành cụ thể cho mẫu TV sẽ được Sony công bố trong vài tháng tới.
Trước đó, nhiều đồn đoán cho rằng Samsung sẽ công bố TV QD-OLED 4K tại CES 2022, nhưng cho đến nay gã khổng lồ Hàn Quốc vẫn chưa có động tĩnh gì. Điều này đồng nghĩa với việc Sony đang dẫn trước và trở thành tâm điểm trong lĩnh vực công nghệ TV.