MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sốt giá, cây khóm có thật sự lên ngôi?

21-09-2016 - 21:42 PM | Thị trường

Cây khóm (dứa) tại huyện Tân Phước, Tiền Giang đang vào mùa thu hoạch rộ. Giá bán tại ruộng dao động từ 11.000 - 12.000 đồng/kg.

Với giá này, người trồng có thể thu nhập 120 triệu đồng/ha. Lý do tăng giá là do Tân Phước bị xâm nhập mặn trước đó, ảnh hưởng đến sản lượng khóm. Về lâu dài, cây khóm Việt có thật sự lên ngôi, câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.

Ùn ùn trồng khóm

Do cây tràm và bạch đàn hiệu quả thấp nên hiện nay nông dân vùng Đồng Tháp Mười, thuộc huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang đã ồ ạt phá bỏ diện tích rừng này để chuyển sang trồng cây khóm và thanh long ruột đỏ với hy vọng có lợi nhuận cao.

Đáng quan tâm là tại khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười và khu vùng đệm ở xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước có gần 400 ha rừng tràm, bạch đàn nhưng hiện nay, nông dân vùng này đã phá bỏ hơn 80 ha đất rừng để trồng khóm. Ông Dương Quốc Giang - Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang - cho biết, cây khóm đang cho hiệu quả kinh tế cao nên người dân trong vùng đệm đã tự phát lên liếp để trồng loại cây này.

“Khu vực vùng đệm có 82 ha đất đã được người dân lên liếp trồng khóm. Khi nhà nước quy hoạch đất thuộc vùng đệm thì việc sản xuất của người dân sẽ không có chính sách nào hỗ trợ. Người dân tự phát trồng khóm, xã chỉ nắm tình hình và báo lên cấp trên mà không ngăn chặn được”, ông Giang cho biết.

Nguyên nhân làm giá khóm tăng vọt là do sau khi hạn mặn, năng suất khóm giảm, nhiều diện tích khóm bị lão hóa, nông dân phải phá bỏ trồng lại, giờ chưa đến giai đoạn cho trái nên dẫn đến sản lượng thấp. Trong khi đó, thương lái, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ồ ạt đến thu mua để phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu nên “cầu vượt cung”.

Tại Tiền Giang, quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu khóm toàn huyện Tân Phước hiện có gần 16.000 ha, dẫn đầu diện tích trong khu vực ĐBSCL. Đây là loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao ở vùng Đồng Tháp Mười.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Chủ tịch UBND xã Tân Lập II, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang - chia sẻ, khi giá khóm đạt 11.000 đồng/kg thì người dân thu lợi nhuận khá, mỗi năm có từ 150-200 triệu đồng/ha.

Tại Bạc Liêu, khóm được trồng nhiều tại huyện Hồng Dân. Cà Mau trồng nhiều tại huyện Thới Bình. Tuy nhiên, những năm gần đây, cây khóm thiếu đầu ra nên người dân ít mặn mà với loại cây trồng này. Dẫu vậy, theo TS Trần Hoàng Uyên - Viện Quy hoạch thị trường - Bộ NN&PTNT, cây khóm thích hợp với vùng đất phèn nên cần được quy hoạch để phát triển. TS Uyên đặt vấn đề: “Tại sao chúng ta phải trồng lúa tại khu vực đất nhiễm phèn, trong khi cây khóm rất dễ trồng ở vùng đất này và có thể cho thu nhập cao nếu được đầu tư một cách hợp lý”.

Thận trọng với dịch bệnh

Cây khóm thường bị rệp sáp tấn công. Rệp sáp thường tiết ra một chất thải hơi dính như mật ong. Có nhiều loại kiến sống kết hợp với rệp. Kiến ăn các chất mật do rệp tiết ra, đổi lại kiến làm tổ cho rệp và tha đi phát tán khắp nơi. Nhờ các tổ do kiến tạo ra, rệp được bảo vệ khá chắc chắn, ít bị ảnh hưởng của các điều kiện khí hậu thời tiết. Vì vậy, muốn tiêu diệt rệp sáp có hiệu quả, cần phòng trừ cả các loại kiến và phải tiến hành ngay từ đầu.

Ngoài ra, còn loại sâu cánh cứng, sâu non cắn rễ thành vết thương làm cho rễ hoạt động kém, không cung cấp đủ nước và khoáng chất cho cây. Đặc biệt, tấn công bộ rễ còn có loại nấm Thielaviopsis paradoxa, loại nấm này xâm nhập và gây ra bệnh thối đen thân chồi, làm cho vườn cây khóm tàn lụi nhanh. Các loại bệnh khác cũng tấn công cây khóm như bệnh thối nõn, bệnh tuột lá.

Cách bón phân cho cây khóm chưa được nhiều người trồng chú ý. Theo các trung tâm khuyến nông ở Long An, Tiền Giang và Bạc Liêu, cần phải bón lót cho khóm khi trồng vụ đầu hoặc sau mỗi vụ thu hoạch, việc này có tính chất quyết định đến sự sinh trưởng và năng suất cây trồng. Phân dùng chủ yếu là hữu cơ, nên chọn loại hữu cơ sinh học có thương hiệu.

Cách bón phân tốt nhất là xới 2 hàng cách gốc 14-20cm, rải phân đều rồi lấp đất lại. Có thể dùng thìa (vá) xúc phân đổ vào nách lá già sát gốc. Rải phân xong nên tưới nước để phân ngấm xuống gốc.

Khóm được bán cho các nhà máy chế biến ở Tiền Giang, Long An, ngoài ra còn bán lẻ cho người tiêu dùng trong nước.

Theo tính toán của người trồng, nếu giá khóm ổn định ở mức 10.000 đồng/kg, trồng khóm vẫn lãi gấp nhiều lần so với trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích. Cây khóm một thời là cứu cánh cho vùng đất phèn Tân Phước. Nếu có chiến lượt phù hợp, người trồng khóm sẽ có lãi rất cao.

Phát triển cây khóm ngoài đê bao tiềm ẩn nhiều rủi ro​

Khóm là loại cây ăn quả vùng nhiệt đới, được đưa vào hệ thống trồng trọt của loài người cách đây hàng trăm năm và ngày nay phát triển khá rộng rãi ở các nước vùng nhiệt đới. Khóm rất dễ trồng, có khả năng thích nghi rất rộng, trồng được trên nhiều loại đất khác nhau. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích khóm theo quy hoạch của các năm tới tăng trên 20.000 hecta, tập trung ở các vùng Tân Phước, Tiền Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau và một số tỉnh khác. Năm nay, do hạn hán, nhiều vùng mất mùa, một số nơi năng suất thấp do khóm bị già cỗi nên giá tăng khá cao, người trồng khóm có nhiều lợi nhuận và đã xảy ra tình trạng nông dân chặt bỏ rừng tràm để chuyển qua trồng khóm một cách tự phát. Chính điều này sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho bà con nông dân về sau này.

Muốn khóm phát triển tốt, cho năng suất cao và hạn chế rủi ro thì vùng trồng khóm phải đảm bảo các cơ sở hạ tầng nhất định, như phải có ô đê bao chắc chắn, có trạm bơm để chống lũ đồng thời áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác...Nhưng khi bà con trồng tự phát, đa số vùng đất lại nằm trên ‘’rốn lũ, rốn phèn’’ nằm ngoài ô đê bao chống lũ và khi lũ về cánh đồng khóm sẽ bị nhấn chìm trong nước làm thiệt hại rất lớn cho bà con. Thực tế trong những năm vừa qua đã xảy ra tình trạng này, nhiều bà con nông dân đã trắng tay. Đó là chưa nói đến việc trồng một cách ồ ạt sẽ dẫn đến tình trạng cung lớn hơn cầu mà khóm thì không thể để lâu như lúa gạo nên dễ bị rớt giá.

Trước thực trạng này, dù không khuyến khích nhưng để giảm thiệt hại cho bà con, nhiều địa phương khuyến cáo nên thận trọng việc phát triển cây khóm nằm ngoài ô đê bao và nên tuân thủ theo quy luật của triều cường để giảm thiệt hại do lũ gây ra. Những vùng khóm sản xuất tập trung, nằm trong ô đê bao, cơ sở hạ tầng đảm bảo thì tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật hỗ trợ nông dân trồng các loại giống có chất lượng tốt, theo tiêu chuẩn VietGap, xử lý cho cây ra trái nghịch vụ để tăng hiệu quả cho nông dân.

Từ việc nông dân tự phát chuyển đổi cây trồng một cách ồ ạt vì lợi nhuận trước mắt, mới thấy rằng việc liên kết các tiểu vùng sản xuất tập trung để nâng cao giá trị cho nông sản và lợi ích lâu dài cho nông dân là một việc làm cần thiết phải sớm triển khai.

Lê Quốc Phong

Theo Hoàng Huy

Lao động

Trở lên trên