MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sốt giá quá cao lại chính là yếu điểm của doanh nghiệp vàng?

17-08-2019 - 13:15 PM | Tài chính - ngân hàng

Tưởng như nghịch lý, nhưng sốt giá cao và kéo dài có thể lại gây bất lợi cho chính các doanh nghiệp kinh doanh vàng hàng đầu của Việt Nam.

Đến thời điểm này mốc giá 42 triệu đồng/lượng đã quen dần trên thị trường. Cơn sốt giá vàng diễn ra bốn tháng qua đang cho thấy sự bền vững, khác với những đợt tăng chóng vánh hoặc ngắn ngủi hơn giai đoạn 2015 - 2018.

Và cho đến lúc này, có một điều chưa thay đổi: giá vàng trong nước vẫn luôn thấp hơn giá thế giới quy đổi, từ 0,3-0,8 triệu đồng/lượng tùy thời điểm trong bốn tháng qua.

Nếu tiếp tục tăng cao hơn nữa, hoặc giá vàng trong nước vênh cao hơn thế giới, thì chính các doanh nghiệp kinh doanh vàng hàng đầu của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng bất lợi.

Ngày 23/12/2017, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Tập đoàn DOJI và Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) có cuộc trò chuyện trực tiếp với hàng nghìn cán bộ nhân viên của hai hệ thống DOJI và TPBank. Đầu tư và kinh doanh vàng là một chủ đề được chia sẻ.

Khi đó, ông Phú nói về chiến lược của DOJI, dịch chuyển mạnh và tập trung nhiều hơn sang mảng nữ trang và chế tác - hướng đi mang tính lâu dài và thích ứng với các xu hướng thay đổi trên thị trường.

Giai đoạn đó, sau năm 2013, giá vàng dần dần vắng đi những cơn sốt và suy giảm. Nhiều năm liền kim loại quý này đã bớt đi sự “lấp lánh” trên thị trường. Và với riêng Việt Nam, cơ chế quản lý cũng đã thay đổi, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng và hoạt động nhập khẩu, tín dụng liên quan bị hạn chế hẳn…

Những năm 2015 - 2018, tại một số thời điểm, vụ chức năng của Ngân hàng Nhà nước cập nhật, quy mô giao dịch vàng miếng trên thị trường Việt Nam đã sụt giảm mạnh, chỉ còn khoảng 50% so với giai đoạn cao điểm những cơn sốt trước đây.

Như vậy, một giai đoạn quy mô giao dịch vàng miếng đã giảm mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành.

Đáng chú ý hơn, theo phân tích của ông Phú tại cuộc trò chuyện trên, biên lợi nhuận ở kinh doanh vàng miếng không lớn, so với sản xuất và chế tác nữ trang.

Với vàng miếng, biên lợi nhuận thường chỉ rất thấp khi xét theo vai trò trung gian mua đi bán lại, và lấy số lượng giao dịch lớn làm lợi. Tất nhiên, hoạt động đầu tư có thể có tỷ suất cao hơn, như quãng sốt giá vừa qua, nhưng cơ hội suốt 5 năm qua không nhiều.

Trong khi đó, biên lợi nhuận ở nữ trang cao hơn và bền vững hơn. Nữ trang có giá trị gia tăng cao, hàm lượng chế tác góp thành sản phẩm thực sự để có thể tạo biên lợi nhuận lớn hơn nhiều.

Cụ thể, tại cuộc trò chuyện trên, ông Đỗ Minh Phú so sánh: kinh doanh vàng miếng có biên lợi nhuận thấp, chỉ khoảng 0,1%, còn vàng nữ trang cho biên lợi nhuận tối thiểu lên tới 10-15%. Và đây là lý do DOJI đã sớm dịch chuyển, đặt trọng tâm ở ngạch cho biên lợi nhuận cao hơn này.

Thị trường cũng thay đổi. Khi đời sống được nâng cao hơn, nhu cầu vàng nữ trang mở rộng và bền vững hơn, người tiêu dùng thêm nhu cầu trang sức thay vì chủ yếu lựa chọn vàng là tài sản tích trữ như trước đây.

Không chỉ DOJI. Các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn của Việt Nam cũng dịch chuyển mạnh mẽ theo hướng trên.

Có thể thấy rõ dịch chuyển đó trong cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn khác là Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ).

Giai đoạn 2010 - 2011, vàng miếng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu PNJ (khoảng 80%) khiến biên lợi nhuận gộp chỉ đạt quanh 4%. Nhưng sau khi dịch chuyển sang vàng trang sức, biên lợi nhuận gộp của PNJ đã liên tục tăng mạnh và lên tới trên 19% trong năm 2018.

Báo cáo cập nhật về PNJ của Công ty Chứng khoán KB Securities ngày 17/5 vừa qua cũng cho thấy, vàng trang sức đã chiếm tới 80% trong cơ cấu doanh thu, trong khi vàng miếng chỉ còn chiếm khoảng 18% năm 2018; vàng trang sức cũng đã chiếm tới 92% trong cơ cấu lợi nhuận gộp và cũng là động lực chính tạo kỷ lục lợi nhuận năm qua.

Như trên, vàng trang sức là sản phẩm tiêu dùng, có hàm lượng chế tác với giá trị gia tăng cao, tạo biên lợi nhuận cao hơn hẳn vàng miếng. Nhưng, cơ sở của giá thành vẫn có trọng số chính là vàng nguyên liệu.

Theo đó, giá vàng lên cơn sốt càng đẩy cao giá thành sản phẩm vàng nữ trang, mà điều này tỷ lệ nghịch với sức cầu, qua đó có thể ảnh hưởng đến doanh số và lợi nhuận, khi xem xét vàng nữ trang là một sản phẩm tiêu dùng hơn là đầu tư như ở vàng miếng.

Với dịch chuyển mạnh những năm qua, cũng như tỷ trọng vàng nữ trang gia tăng và thậm chí chi phối trong cơ cấu doanh thu cùng lợi nhuận, giá tăng đến mức quá cao mà có thể hạn chế sức cầu tiêu dùng cũng chính là yếu điểm, hoặc tạo một phần bất lợi cho chính doanh nghiệp trong ngành.

Theo Minh Đức

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên