Sốt xình xịch với vắc xin Covid-19 của Nga: Chuyên gia Việt nói gì?
Ngày 11/8, Nga công bố đăng ký vắc xin Covid-19 đầu tiên trên thế giới. Thông tin được coi là tín hiệu tích cực giữa đại dịch Covid-19.
- 12-08-2020Nga, Mỹ có thể dẫn đầu về việc tạo ra vắc xin nhưng quốc gia châu Á này mới là hy vọng tốt nhất của cả thế giới trong cuộc chiến chống Covid-19
- 12-08-2020Đã có 20 quốc gia đặt mua hơn 1 tỷ liều vắc xin phòng Covid-19 của Nga
- 11-08-2020Nga trở thành nước đầu tiên đăng ký vắc xin chống Covid-19, Tổng thống Putin tiết lộ con gái đã được tiêm
Chúng tôi có cuộc trao đổi với thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái – Trung tâm Bệnh nhiệt đới lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội về vấn đề này.
Hôm nay giới truyền thông xôn xao thông tin Nga đã cho đăng ký vắcxin Covid-19 đầu tiên trên thế giới. Điều này khiến cộng đồng hết sức quan tâm bởi chỉ có vắc xin mới là chìa khoá vàng khống chế đại dịch. Xin anh cho biết quan điểm của mình về vắc xin Covid-19 hiện nay?
Thạc sĩ Nguyễn Quốc Thái: Hiện tại chưa có thuốc kháng vi rút SARS-CoV-2 thực sự hiệu quả nên dường như mọi người đang trông chờ vắc xin Covid-19 như là biện pháp quan trọng để kiểm soát căn bệnh này. Mặc dù khoa học công nghệ hiện nay rất phát triển, rút ngắn rất nhiều công đoạn trong quá trình phát triển vắc xin nhưng con người vẫn chưa hoàn toàn làm chủ được quá trình này.
Trong cuộc đua vắc xin Covid-19 có hàng trăm ứng cử viên vắc xin với hàng chục loại đã bắt đầu thử nghiệm trên người và cho đến nay chúng ta vẫn chưa có kết quả công bố nào thực sự thuyết phục về hiệu quả và tính an toàn của vắc xin Covid-19 để có thể khuyến nghị cộng đồng sử dụng. Vắc xin mà Nga công bố hôm qua cũng vậy.
Muốn lưu hành được trên thị trường và được các nước công nhận sử dụng, nhà sản xuất vắc xin phải chứng minh được một cách khoa học tính hiệu quả cũng như tính an toàn của vắc xin.
Trước đó, nhiều người cũng bày tỏ quan điểm phải mất 1 năm nữa may ra mới có vắc xin Covid-19, biểu đồ chung cho các quốc gia chạy đua vắc xin đang ở ngưỡng nào thưa bác sĩ?
Thạc sĩ Nguyễn Quốc Thái: Cuộc đua vắc xin COVID-19 trên thế giới đang trong giai đoạn tăng tốc. Trong số hàng chục vắc xin đã bắt đầu thử trên người, hiện nay có 6 vắc xin đã bước vào thử nghiệm giai đoạn III, tức là giai đoạn thử nghiệm trên một số lượng lớn đối tượng con người để xem vắc xin có thể ngăn ngừa sự xuất hiện của dịch bệnh COVID-19 hay không. Trong số 6 vắc xin này thì 3 vắc xin từ các công ty Trung Quốc, còn lại là từ Đại học Oxford/Astra Zeneca (Thụy Điển-Anh), BioNTech/Fosun Pharma/Pfizer (Đức,Trung Quốc, Mỹ) và Moderna/NIAID (Viện Dị ứng và bệnh Nhiễm trùng Hoa Kỳ). Hy vọng các thử nghiệm giai đoạn III này sớm thành công để chúng ta có thể đẩy lùi đại dịch nguy hiểm này.
Vắc xin quy trình từ nghiên cứu tới sản xuất hàng loạt cần qua những chu trình như thế nào?
Thạc sĩ Nguyễn Quốc Thái: Có nhiều loại vắc xin như vắc xin vi rút sống giảm độc lực, vắc xin vi rút bất hoạt, vắc xin tái tổ hợp, vắc xin ARN… Khi đã xác định được thành phần chủ lực của vắc xin trong phòng thí nghiệm, vắc xin sẽ được thử trên động vật (ví dụ như chuột) để đánh giá hiệu quả gây đáp ứng miễn dịch cũng như tính an toàn.
Sau khi thử thành công trên động vật, vắc xin sẽ được thử trên người (thử nghiệm lâm sàng) trải qua giai đoạn I (thử nghiệm sơ bộ trên một số ít người), giai đoạn II (mở rộng thử nghiệm trên đối tượng người ở các độ tuổi và tình trạng sức khỏe khác nhau) và giai đoạn III (thử nghiệm trên hàng ngàn người để đánh giá hiệu quả ngăn ngừa sự xuất hiện bệnh và tính an toàn). Nếu thử nghiệm giai đoạn III thành công, vắc xin sẽ được cấp phép, sản xuất hàng loạt và lưu hành trên thị trường. Nhiều vắc xin còn tiếp tục thử nghiệm giai đoạn IV nghiên cứu theo dõi sau khi vắc xin đã được công nhận và cấp phép.
Trước sự biến đổi liên tục của chủng virus Sars Cov-2, liệu vắc xin có thực sự hiệu quả cho đại dịch này?
Thạc sĩ Nguyễn Quốc Thái: Mặc dù vi rút SARS-CoV-2 liên tục có những thay đổi, nó vẫn có những đặc điểm khẳng định để trên cơ sở đó các nhà khoa học nghiên cứu chế tạo thuốc kháng vi rút và vắc xin.
Chúng ta có quyền hy vọng trong một tương lai không xa sẽ có thuốc kháng vi rút SARS-CoV-2 cũng như vắc xin Covid-19. Đây sẽ là những công cụ hữu hiệu giúp đẩy lùi đại dịch nguy hiểm này.
Trao đổi với chúng tôi, GS Nguyễn Văn Tuấn – Chuyên gia về dịch tễ, Viện Garvan, Úc cho biết vắc xin mà Nga công bố đó vắc xin do Viện nghiên cứu dịch tễ học và sinh học Gamaleya nghiên cứu và bào chế. Các dữ liệu nghiên cứu vắc xin này chưa được công bố trong bất cứ tập san khoa học nào.
Theo đó, vắc xin này được bào chế dựa trên dòng tế bào họ cấy được vào năm 1973. Dòng tế bào làm cơ sở cho nghiên cứu vắc xin của Nga được lấy từ các bào thai bị huỷ, và do đó gây quan ngại ở những nhóm đấu tranh vì quyền con người.
Về thử nghiệm lâm sàng, hiện vắc xin này đã được thử nghiệm trên 38 tình nguyện viên. Theo mô tả của nhóm nghiên cứu thì đây là thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I và II. Theo thông tin trên clinicaltrials.gov, thì nghiên cứu này sẽ hoàn tất vào giữa tháng 8, 2020.
GS Tuấn cho rằng khi Nga tuyên bố đây là vắc xin đầu tiên trên thế giới được phê chuẩn để dùng đại trà thì gây ra nhiều tranh cãi. Và GS Tuấn khẳng định đó không phải là vắc xin đầu tiên trên thế giới, vì trong thực tế có ít nhất 8 vắc xin đang được nghiên cứu trong giai đoạn I, II và III. Hiện nay, vì nghiên cứu chưa xong và kết quả chưa được công bố nên không ai biết hiệu quả và an toàn của vắc xin ra sao.
Infonet