MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

SSI Research: Ngành phân bón kém lạc quan trong năm 2021

12-01-2021 - 16:35 PM | Thị trường

SSI Research: Ngành phân bón kém lạc quan trong năm 2021

Giá khí tăng và cạnh tranh với phân bón nhập khẩu khiến triển vọng doanh nghiệp phân bón kém khả quan năm 2021.Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau đều đặt kế hoạch kinh doanh 2021 giảm mạnh so với thực hiện 2020.

Triển vọng 2021 kém lạc quan

Mặc dù dịch bệnh bùng phát khiến các lĩnh vực kinh doanh bị ảnh hưởng tiêu cực, ngành phân bón hưởng lợi nhờ giá khí - nguyên liệu đầu vào giảm giúp nhiều doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng vượt kỳ vọng trong khi doanh thu vẫn giảm.

Riêng doanh nghiệp sản xuất urê như Đạm Phú Mỹ ( HoSE:DPM ) và Đạm Cà Mau ( HoSE:DCM ) còn tận dụng được khó khăn thương mại trong thời kỳ dịch Covid-19 để đẩy mạnh sản lượng bù đắp mức giảm của nhập khẩu.

Theo Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), trong thời kỳ dịch bệnh, khó khăn về thương mại, urê trong nước được ưu tiên sử dụng thay vì các loại phân bón nhập khẩu. Với công suất thiết kế là 2,7 triệu tấn, Việt Nam tự chủ được về urê. Các loại phân bón khác như DAP, NPK, Kali sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu nên vẫn phải nhập khẩu.

SSI Research: Ngành phân bón kém lạc quan trong năm 2021 - Ảnh 1.

Sang đến năm 2021, SSI Research ước tính sản lượng phân bón có thể tăng khoảng 2% -3%, tương đương mức tăng trước dịch Covid-19 do tiêu thụ phân bón cao và tiềm năng tăng trưởng của đất nông nghiệp hạn chế.

Tuy nhiên, khi rủi ro liên quan đến dịch bệnh giảm xuống (ít nhất là ở Việt Nam), khó khăn thương mại có khả năng sẽ giảm dần. Theo đó, cạnh tranh từ urê nhập khẩu có thể sẽ tăng lên trong năm 2021 do nhập khẩu từ Trung Quốc dự kiến tăng lên và sản lượng tiêu thụ của các công ty sản xuất urê trong nước có thể trở về mức bình thường trước đại dịch.

Mặt khác, trong năm 2020, giá urê giảm 15% nhưng vẫn thấp hơn mức giảm 33% của giá khí giúp tỷ suất lợi nhuận của các công ty sản xuất urê cải thiện. Sang đến năm 2021, SSI Research nhận định giá bán bình quân ước tính tăng cùng với xu hướng tăng của giá khí. Đồng thời, cạnh tranh gay gắt do nhập khẩu dự kiến tăng. Do đó, giá bán bình quân tăng sẽ không đủ bù đắp được chi phí nguyên liệu khí tăng, khiến tỷ suất lợi nhuận giảm.

Từ các yếu tố trên, SSI Research đánh giá ngành phân bón năm 2021 kém khả quan. Song còn một yếu tố có thể giúp ngành phân bón có triển vọng sáng hơn là các công ty sản xuất phân bón tiếp tục đề xuất thay đổi quy định về thuế VAT từ "không chịu thuế" sang "chịu thuế VAT 5%". Nếu điều này được chấp thuận, các công ty sản xuất phân bón sẽ có thể được khấu trừ thuế đầu vào, do đó lợi nhuận cũng tăng lên.

Kế hoạch 2021 đi lùi

Cả 2 doanh nghiệp đầu ngành Đạm Phú Mỹ ( HoSE: DPM ) và Đạm Cà Mau ( HoSE: DCM ) đều đặt ra kế hoạch kinh doanh giảm mạnh so với con số ước thực hiện của năm 2020.

Cụ thể, Đạm Phú Mỹ đề ra chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm nay là 437 tỷ đồng, giảm 48% so với ước thực hiện 2020. Năm vừa qua nhờ hưởng lợi giá khí giảm và tận dụng các nhà máy phân bón Trung Quốc giảm sản xuất vì dịch bệnh, Đạm Phú Mỹ đẩy mạnh sản lượng phân bón sản xuất đạt 868.000 tấn, vượt 11% kế hoạch năm và sản lượng tiêu thụ ước đạt 807.000 tấn, vượt 3% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 840 tỷ đồng, vượt 64% kế hoạch năm.

Trong 9 tháng, doanh nghiệp ghi nhận 718 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, riêng quý IV đạt 122 tỷ đồng lãi trước thuế, giảm 58% so với cùng kỳ năm trước.

SSI Research: Ngành phân bón kém lạc quan trong năm 2021 - Ảnh 2.

Đơn vị: tỷ đồng


Tương tự, Đạm Cà Mau cũng vượt kế hoạch từ 5-7% các chỉ tiêu về sản xuất, tiêu thụ phân ure và doanh thu năm 2020. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 657 tỷ đồng, vượt 29% kế hoạch và tăng 42%. Riêng quý IV, Đạm Cà Mau ước lợi nhuận đạt 163 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.

Đề ra kế hoạch cho năm 2021, ban lãnh đạo Đạm Cà Mau đưa ra con số lãi trước thuế 210 tỷ đồng, giảm đến 68% so với ước thực hiện năm trước.

Đầu năm 2020, Đạm Cà Mau cũng từng đưa ra con số kế hoạch lợi nhuận gây sốc là 52 tỷ đồng, giảm đến 89% so với thực hiện năm 2019 và tiến hành điều chỉnh vào cuối năm.

SSI Research: Ngành phân bón kém lạc quan trong năm 2021 - Ảnh 3.

Đơn vị: tỷ đồng


Tuy nhiên, việc đưa ra con số kế hoạch thấp năm 2020 là do từ đầu năm 2019, doanh nghiệp không còn hưởng cơ chế giá khí đảm bảo lợi nhuận/vốn chủ sở hữu đạt 12% như các năm trước và bắt đầu chịu giá khí thị trường làm tăng chi phí mua khí, giảm biên lợi nhuận. Thay đổi này đã khiến lợi nhuận Đạm Cà Mau năm 2019 giảm đến 34% so với năm 2018.

SSI Research cho biết năm 2020, doanh nghiệp đã chốt được công thức giá khí đầu vào với PVN. Theo đó, 90% sản lượng khí tính theo công thức 46% giá FO hàng tháng cộng cước vận chuyển, trong khi 10% sản lượng khí còn lại là 12,7% giá dầu Brent cộng cước vận chuyển. Cước vận chuyển cố định ở mức 1,09 USD/mmbtu.

Theo Ngọc Điểm

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên