Standard Chartered: RCEP sẽ giúp Việt Nam phục hồi sau đại dịch
Theo báo cáo "Những thách thức và cơ hội cho Việt Nam từ RCEP" của Ngân hàng Standard Chartered, Việt Nam là một trong những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
- 07-05-2022Mức lương hưu tối đa lao động có thể được hưởng là bao nhiêu?
- 07-05-2022Có hai sổ bảo hiểm xã hội, người lao động có cần gộp sổ không?
- 06-05-2022Sẽ nghiên cứu, xây dựng thêm một sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc
Các chuyên gia Standard Chartered cho rằng, RCEP sẽ giúp Việt Nam tăng cường vị thế thương mại và thúc đẩy quá trình phục hồi hậu đại dịch. Một số mặt hàng xuất khẩu được hưởng lợi từ hiệp định RCEP gồm công nghệ thông tin, dệt may, da giày, ô tô, nông nghiệp, viễn thông. Hiệp định này sẽ xây dựng nên một chuỗi cung ứng mới trong khu vực và Việt Nam sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng.
Trước đó, Bộ Công thương Việt Nam đã đưa ra mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 6 - 7%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030.
Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered cho biết: "RECP sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và tiếp cận tốt hơn với các thị trường tiêu dùng lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Hiệp định cũng sẽ giúp các nhà sản xuất tại Việt Nam giảm thiểu chi phí và tiếp cận chuỗi cung ứng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương".
Tuy nhiên, ông Leelahaphan cũng cho rằng, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều sự cạnh tranh hơn ở trong nước và các thị trường xuất khẩu khi là thành viên của RCEP. Sự gia tăng cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu giữa các nước Đông Nam Á sẽ thúc đẩy Việt Nam chuyển sang sản xuất ứng dụng công nghệ cao. RCEP sẽ thúc đẩy quá trình này khi Việt Nam có thể mua các nguyên vật liệu chất lượng cao từ các nước thành viên một cách dễ dàng hơn và tiếp cận tốt hơn với các thị trường để cung cấp các loại hàng hóa có giá trị gia tăng cao.
Các chuyên gia của Standard Chartered dự báo thặng dư cán cân vãng lai và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ tiếp tục là những yếu tố quan trọng hỗ trợ cho VND trong dài hạn. RCEP sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam, hỗ trợ cán cân vãng lai và thu hút thêm dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Ông Divya Devesh, Trưởng nhóm nghiên cứu ngoại hối khu vực ASEAN và Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered, chia sẻ: “Tổng cán cân vãng lai và vốn đầu tư trực tiếp ròng vào Việt Nam đạt mức trung bình 19 tỷ USD/năm trong 9 năm qua. Với kết quả này, chúng tôi kỳ vọng VND sẽ tiếp tục tăng giá trong những năm tới. Chúng tôi dự báo tỷ giá USD - VND sẽ đạt 22.500 đồng vào cuối năm 2022 và 22.000 đồng và cuối năm 2023”.
RCEP là một hiệp định thương mại tự do (FTA) bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Hiệp định được ký kết tại Hà Nội vào ngày 15/11/2020 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 hướng tới mục tiêu hình thành Hiệp định thương mại tự do Đông Á (EAFTA) và khởi đầu cho Đối tác kinh tế toàn diện Đông Á (CEPEA).
Hiệp định thương mại bao gồm các quốc gia có nền kinh tế thu nhập cao, thu nhập trung bình và thu nhập thấp. RCEP được mong đợi là sẽ xóa bỏ 90% thuế quan nhập khẩu giữa các nước thành viên ký kết trong 20 năm tiếp theo và thành lập được một quy tắc chung cho thương mại điện tử, trao đổi hàng hóa, và sở hữu trí tuệ.