Startup bị 4/5 Shark chê không rõ ràng về tài chính và mới có 2 khách hàng, nhưng Shark Linh tuyên bố: ‘Tiền không thành vấn đề, chị sẽ đầu tư 23 tỷ’
“Những người tham gia ban đầu bỏ ra 280.000 USD mà nắm tới 30% cổ phần. Anh tin những cổ đông này vẫn sẽ hạnh phúc nếu bán ngược lại cổ phần cho Shark Linh. Em muốn tất cả cổ đông hạnh phúc thì số lượng cổ đông phải ít thôi. Em không thể làm cho quá nhiều người hạnh phúc được”, Shark Hưng khuyên nhủ.
- 23-12-2017‘Bí kíp’ gọi vốn 7 tỷ đồng của Tictag: 3/5 Sharks lắc đầu, Startup này vẫn mạnh dạn thương thuyết, đưa điều kiện ràng buộc các cá mập đầu tư
- 22-12-2017'Suýt chết' vì tai nạn ô tô, 2 chàng trai nghĩ ra ý tưởng kinh doanh siêu đơn giản, sau show Shark Tank họ trở thành triệu phú
- 20-12-2017Shark Thái Vân Linh: Các startup đừng chỉ nghĩ đến tiền, các bạn nên biết 'lùi' khi tôi muốn tỷ lệ cổ phần cao hơn một chút
Startup bị bị 4/5 “cá mập” chê và kết thúc bất ngờ với 23 tỷ đồng
Tập 7 của Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ lên sóng với thương vụ thành công lớn nhất từ trước đến nay của chương trình với 23 tỷ đồng, tương đương 1 triệu USD. Đây cùng là lần đầu tiên xuất hiện chuyện hy hữu khi một startup bị 4/5 cá mập chê nhưng kết thúc đầy bất ngờ khi nhận được quyết định đầu tư lên tới 23 tỷ đồng.
Gcalls là nhà cung cấp phần mềm quản lý giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng tạo lập hệ thống tổng đài chỉ trong vòng 5 phút, bao gồm hạ tầng call center, phần mền quản lý cuộc gọi và giải pháp tích hợp với các CRM giúp doanh nghiêp quản lý khách hàng.
Gcalls nhắm đến thị trường tích hợp và ứng dụng nội dung số Đông Nam Á có trị giá lên tới 38 tỷ USD. Gcalls Việt Nam đã hoạt động được 2 năm, nguồn thu đến từ các thuê bao với mức phí là 157.000 đồng/thuê bao và doanh thu 6 tháng gần nhất là 150.000 USD (tương đương với 3,3 tỷ VND).
Đến với chương trình, Gcalls muốn gọi vốn 1 tỷ 249 triệu đồng cho 1% cổ phần.
Tấn Phúc – CEO và Xuân Bằng – Giám đốc hoạt động - cho hay công ty đã huy động được 280.000 USD tiền vốn để bước đầu hoạt động. 70% cổ phần là của hai nhà sáng lập . 30% còn lại thuộc về các cổ đông khác, trong đó đáng chú ý nhất là Telstra - Tập đoàn viễn thông lớn nhất nước Úc.
“Em đang cần số vốn 23 tỷ để đánh khu vực Đông Nam Á trong vòng 2 năm tới. 70% số vốn sẽ được sử dụng cho hoạt động tích hợp và xây dựng nền tảng hạ tầng ở địa phương. 30% còn lại sử dụng cho việc bán hàng và marketing. Chiến lược rút lui là sau 7 năm nữa, tụi em có thể IPO được”, Phúc chia sẻ.
Khi được hỏi số lượng khách hàng, Phúc thú thật trước giờ chỉ có 2 nhà sáng lập là Sales, đội ngũ bán hàng mới được sử dụng từ tháng 3/2017 và mới chỉ có 2 khách hàng.
Còn lơ mơ về bài toán tài chính, không trình bày rõ được mô hình kinh doanh, 4/5 Shark từ chối đầu tư
“Trong 180.000 USD đã chi từ vốn góp, doanh thu thu được thế nào?”, Shark Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch HĐQT Sunhouse – chất vấn về bài toán tài chính .
Bằng chia sẻ rằng các khoản chi của công ty vào khoảng 240 triệu đồng/tháng, bao gồm chi phí lương và một số chi phí hạ tầng.
“Vậy tiền mặt tụi em còn 100.000 USD?”, Shark Phú hỏi.
Bằng ậm từ. Phúc chen vào: “Hơn chứ. Có doanh thu nữa mà”.
“Để tạo ra doanh số 500 triệu đồng/tháng, chi phí lên bao nhiêu?”, Shark Phú tiếp tục chất vấn.
“Anh hỏi lại câu hỏi giùm em để em bình tĩnh trả lời”, Phúc mất bình tĩnh.
“Doanh số được 500 triệu đồng/tháng. Đấy là doanh thu thu về từng tháng?”
“Dòng tiền không về đều hàng tháng mà mỗi lần tích hợp xong tụi em mới lấy được tập khách hàng bên đó, lúc ấy mới bùng giá trị lên”, Phúc trả lời.
“Chia trung bình đi. Cộng dồn 1 năm tới doanh thu là bao nhiêu, đã ai tính bức tranh đó chưa?”.
Trước các câu hỏi dồn dập từ Shark Phú, 2 bạn trẻ im lặng.
“Hay hôm nay mình bỏ qua vì 2 bạn này không phải dân tài chính”, Shark Thái Vân Linh - Giám đốc vận hành & chiến lược Quỹ đầu tư VinaCapital – giải vây.
Với bức tranh tài chính không rõ ràng, Shark Phú, Shark Trần Anh Vương – CEO CTCP SAM Holdings và Shark Trương Lý Hoàng Phi – Giám đốc BSSC đều từ chối đầu tư.
Shark Phạm Thanh Hưng – Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group kiêm Chủ tịch HĐQT CEN Invest – cũng lắc đầu: “Background của tôi có cả kỹ thuật, cả quản trị kinh doanh. Tôi cũng rất cố gắng để hiểu mô hình kinh doanh của các bạn và yếu tố công nghệ của các bạn là gì, nhưng quả thật tôi không hiểu. Hoặc các bạn chưa có cách để trình bày được cho một nhà đầu tư hiểu về mô hình kinh doanh của các bạn”.
Khi 4/5 Shark đã lắc: đầu, nhà đầu tư thường xuyên từ chối nhất của Shark Tank - bà Thái Vân Linh lại điềm tĩnh tuyên bố “Chị rất thích mô hình này và sẽ đầu tư cho các em 23 tỷ đồng đổi lấy 45% cổ phần”.
Các “cá mập” khác còn chưa hết bất ngờ thì CEO Tấn Phúc xin từ chối số tiền đầu tư này do quá xa so với dự định ban đầu, nên đề nghị mức 500 ngàn USD với 20% cổ phần.
“Tiền không thành vấn đề. 500.000 USD, 1 triệu USD không khác gì nhau. Vấn đề ở đây là phần trăm cổ phần. 500.000 USD cho 20% cổ phần thì số 20% đó quá thấp. Khi chị đầu tư vào chị sẽ phải bỏ ra rất nhiều công sức. Về tài chính, em không biết. Với tiếp thị, khi em phải làm những trình bày powerpoint, người hỗ trợ em trong thời gian em chưa có người là ai? Đó là chị”.
“Người viết script cho các bạn gọi điện thoại, trong thời gian em không có. Người đó là ai? Là chị. Công sức rất nhiều, chị không thể lấy ít hơn 45%”, Shark Linh quả quyết.
“Mục tiêu của em với Bằng là muốn các cổ đông hạnh phúc”, Phúc trải lòng.
“Những người tham gia ban đầu bỏ ra 280.000 USD mà nắm tới 30% cổ phần. Anh tin những cổ đông này vẫn sẽ hạnh phúc nếu bán ngược lại cổ phần cho Shark Linh. Em muốn tất cả cổ đông hạnh phúc thì số lượng cổ đông phải ít thôi. Em không thể làm cho quá nhiều người hạnh phúc được”, Shark Hưng khuyên nhủ.
Sau một hồi cân nhắc, 2 nhà sáng lập chấp nhận đề nghị đầu tư của Shark Linh. Với deal này, Gcalls trở thành Startup gọi vốn khủng với 23 tỷ đồng, đổi lại 45% cổ phần.
Chia sẻ lý do hứng thú với Gcalls, Shark Linh cho biết: “Các công ty công nghệ toàn cầu đều muốn đánh chiếm vào thị trường Châu Á vì đây là thị trường tăng trưởng mạnh nhất trong 30 năm tới. Chị nghĩ nếu mình bắt đầu sớm và chiếm Châu Á trước thì khi các công ty lớn vào thị trường, chị có một vài option cho họ lựa chọn: Hoặc phải tự xây, hoặc phải mua lại. Đó là giải pháp rút lui chị nghĩ là nên theo chứ không nên theo IPO”.
Gcalls từng đoạt giải Ý tưởng sáng tạo nhất tại Startup Wheel và Giải nhất AngelHack tại Việt Nam, giành vé sang Thung lũng Silicon trình bày với các nhà đầu tư ở Mỹ. Đáng kể hơn, Gcalls còn là một trong 8 doanh nghiệp công nghệ trẻ được Tổng thống Obama mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh doanh nhân toàn cầu 2016 tại Thung lũng Silicon.
Tổng quan về thương vụ gọi vốn của Gcalls
- Mô tả: Gcalls là nhà cung cấp phần mềm quản lý giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng tạo lập hệ thống tổng đài chỉ trong vòng 5 phút, bao gồm hạ tầng call center, phần mền quản lý cuộc gọi và giải pháp tích hợp với các CRM giúp doanh nghiêp quản lý khách hàng.
- Lĩnh vực: Công nghệ
- Đã hoạt động được 2 năm. Doanh thu 6 tháng gần nhất là 150.000 USD
- Gọi đầu tư: 1 tỷ 249 triệu đồng cho 1% cổ phần
Kết quả: gọi vốn thành công từ Shark Thái Vân Linh với 23 tỷ đồng, đổi lại 45% cổ phần
Trí Thức Trẻ