Startup cho thuê căn hộ "lãng mạn" lên Shark Tank gọi vốn: Shark Bình chê doanh thu 100 triệu đồng/tháng "chẳng bõ", nhưng vẫn chốt kèo
Shark Bình kỳ vọng dù chỉ đầu tư vui vui, mỗi tháng Shark muốn nhận vài trăm triệu để đủ tiền trà nước, đánh golf, còn nếu chỉ lãi vãi chục triệu thì "chẳng bõ dính răng".
- 26-06-2022CEO 1995 gọi vốn triệu đô từ Shark Tank nói về Mercedes GLC sau 5 năm và 52.000 km: ‘Đi làm ăn được, chạy phượt cũng phê’
- 20-06-2022Kỹ sư mở tiệm sửa xe thu 4 tỷ đồng/năm lên Shark Tank gọi vốn: "Tôi muốn cả thế giới biết Việt Nam là ai!"
- 01-06-2022Shark Hưng và hội "cá mập" trước thềm Shark Tank mùa 5: Shark không phải là người thừa tiền để ném vào đấy các bạn muốn dùng gì thì dùng
Tập 4 Shark Tank Việt Nam mùa thứ 5 ghi nhận sự xuất hiện của công ty cổ phần Pathland, được đồng sáng lập bởi Vũ Đình Thìn và Nguyễn Phương Anh. Lĩnh vực kinh doanh của Pathland là cho thuê căn hộ trải nghiệm với thương hiệu Langmandi, bên cạnh đó còn tư vấn thiết kế, bán nội thất thiết kế thủ công với thương hiệu A.M Home.
Startup đến chương trình để huy động số vốn là 3 tỷ đồng cho 15% cổ phần công ty.
Theo Nguyễn Phương Anh, khi đi du lịch hay đi công tác, yếu tố đầu tiên mọi người lựa chọn sẽ là tiện ích, tiện nghi, cũng như vị trí của căn hộ lưu trú. Nhưng Langmandi mang đến thêm một trải nghiệm khác ngoài việc đáp ứng tất cả những yếu tố đó, chính là một không gian nghệ thuật hơn, ấm áp, gần gũi hơn, đúng với tinh thần "Hãy lãng mạn đi".
Vũ Đình Thìn nói thêm rằng mô hình của họ không quá mới nhưng tương đồng với cách Starbucks phát triển: "Starbucks không phải tiên phong về cà phê. Starbucks làm về trải nghiệm, đưa sự lãng mạn vào trong cách pha chế cà phê".
Startup đang hoạt động theo hai hình thức: một là tự đứng ra thuê căn hộ rồi kinh doanh, hai là hình thức nhượng quyền. Họ đang có 45 cơ sở, trong đó 28 cơ sở là căn hộ nhượng quyền.
Startup bán phòng qua ba nền tảng chính, một là website có tích hợp thanh toán, hai là fanpage trên Facebook, ba là các kênh OTA (online travel agent – đại lý du lịch trực tuyến) như Airbnb, Booking, Agoda.
Hiện tại 45 cơ sở của Langmandi đều ở Hoàn Kiếm (Hà Nội) và đều xung quanh Bờ Hồ, với tỷ lệ lấp đầy của dự án trong tháng 5 là 70%, tháng 4 là 85%. Giai đoạn trước dịch, chi phí thuê căn hộ sẽ dao động từ 499.000 – 699.000 đồng/đêm với căn 1 phòng ngủ, nếu cao cấp hơn và hai phòng ngủ sẽ là 899.000 – 1.299.000 đồng/đêm. Startup chia sẻ thêm rằng giá phòng sau dịch sẽ cao hơn một chút.
Về bài toán kinh doanh, các nhà sáng lập tiết lộ tỷ suất lợi nhuận đến hiện tại là 25% so với doanh thu, tương đương từ 12 – 14 ngày có khách thuê là một căn hộ đã có thể hoàn vốn.
Shark Bình bất ngờ đổi gu, là "cá mập" duy nhất trong bể chốt kèo
Khi Shark Phú hỏi về bức tranh doanh thu trước dịch và sau dịch, startup cho biết năm 2021 doanh thu cho thuê căn hộ trải nghiệm là 2,8 tỷ đồng và tỷ suất lợi nhuận là 15%. Tư vấn thiết kế và bán nội thất thiết kế thủ công là 3,1 tỷ đồng và tỷ suất lợi nhuận là 25%.
Shark Phú cảm thấy doanh số quá nhỏ và cũng khác ngành nghề nên ông quyết định không đầu tư. Shark Liên và Shark Hùng Anh thừa nhận đây không phải lĩnh vực của mình nên lần lượt rút lui khỏi thương vụ này.
Trong khi đó, Shark Hưng cho biết mình đã đầu tư vào Luxstay nên để tránh những xung đột không cần thiết, Shark sẽ không đầu tư vào dự án này. Tuy nhiên "cá mập" đến từ Cengroup đánh giá mô hình có khả năng phát triển được.
Shark Bình là người cuối cùng trao đổi với startup. Theo Shark Bình, quy mô 45 cơ sở của startup đang quá nhỏ.
"45 phòng đem lại lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/tháng. Shark đầu tư vào may ra gặp tình huống tốt thì được chia vài chục triệu, chẳng bõ dính răng. Đầu tư cái gì vui vui thì anh muốn mỗi tháng lấy tiền trà nước, đánh golf cũng phải được vài trăm triệu/tháng", Chủ tịch Nexttech nhìn nhận.
Đáp lại startup cho rằng điều này hoàn toàn khả thi. Bởi startup có thể gia tăng quy mô nhanh chóng, chỉ cần 15 ngày là có thể hoàn thành một căn hộ và mô hình đã sẵn sàng mở rộng ra nhiều thành phố khác. Họ tiết lộ gần đây nhất, đang có dự án làm cùng đối tác ngoài Côn Đảo với diện tích lên tới 38 hecta.
Cuối cùng, Shark Bình cân nhắc và đưa ra mức đề nghị đầu tư là 10 tỷ đồng, cho tối đa 40% cổ phần. Tỷ lệ cổ phần hoán đổi có thể thấp hơn tùy thuộc vào quá trình thẩm định. Thế nhưng Shark cũng đưa ra một số điều kiện như startup sẽ phát triển lên 500 phòng, đồng thời phải cam kết mức tỷ suất lợi nhuận.
Sau một hồi tính toán, Pathland đồng ý với đề nghị đầu tư của Shark Bình. Thương vụ khép lại bằng cái bắt tay của Shark Bình và hai nhà đồng sáng lập.
Nhịp Sống Kinh Tế