Startup đấu giá tranh online muốn bán tranh hàng triệu USD như Tiki, Lazada, Shark Bình nhận định "cứ giương cao ngọn cờ chuyển đổi số cho đúng trend chứ đã chuyển đổi số đâu"
Quan điểm của Shark Hưng, mô hình đấu giá online này là fake tech, tức là tech hỗ trợ cho kinh doanh chứ không phải nền tảng hoàn toàn dựa vào tech.
Startup cuối cùng xuất hiện tại Shark Tank tập 15 là Nguyễn Đô Sơn, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Say mê. Anh đến gọi vốn cho PI Online với con số là 3 tỷ đồng cho 20% cổ phần.
Theo đại diện của Pi, thị trường mỹ thuật trực tuyến Việt Nam năm 2019 đạt khoảng 50 triệu USD. Bức tranh "Cô Phương" của danh hoạ Mai Trung Thứ được một công ty Hong Kong đấu giá với mức giá 3,1 triệu USD.
PI Online là sàn thương mại điện tử dành riêng cho nghệ thuật, hoạt động trên cả 2 nền tảng website và ứng dụng di động. Các sản phẩm của PI Online hướng tới mở rộng và nâng cấp thị trường mỹ thuật với các tiêu chí như chứng nhận bản quyền tác phẩm, sàn giao dịch bán và cho thuê tác phẩm nghệ thuật, sàn đấu giá các tác phẩm nghệ thuật và tra cứu thông tin, lịch sử giao dịch các tác phẩm nghệ thuật.
Tác phẩm "Chân dung cháu Hiền - con nhà văn Kim Lân" của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái được sáng tác năm 1974 có giá thị trường 20.000 USD
PI Online có 2 nguồn doanh thu chính là kinh doanh trực tiếp các tác phẩm nghệ thuật và phần trăm doanh thu từ sàn thương mại điện tử. PI Online có vốn điều lệ đóng là 3 tỷ đồng, doanh thu năm 2019 đạt 7,3 tỷ đồng, năm 2020 là 8 tỷ. Dự kiến doanh thu năm 2021 đạt 10 tỷ đồng, năm 2022 đạt 30 tỷ đồng – khi pionline.vn đi vào hoạt động chính thức.
"Với 3 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật và là đối tác duy nhất của Drouot – sàn đấu giá trực tuyến hàng đầu châu Âu tại Việt Nam, chúng tôi hy vọng rằng PI Online sẽ giúp cho thị trường mỹ thuật ngày một phát triển", Đô Sơn kỳ vọng.
Đô Sơn tiết lộ, trước đây công ty anh có sàn đấu giá truyền thống, đã tổ chức được hơn 20 phiên, trong đó có 3 phiên quốc tế. Phí đấu giá người mua chịu 25%, người gửi 10% trên giá trị gõ búa.
Lý giải về việc chuyển đổi số trong việc bán đấu giá, đại diện PI Online cho biết chuyển đổi số là xu hướng của thế giới. Những tác phẩm gần như giá trị nhất, lớn nhất khi đấu giá các nhà sưu tập không xuất hiện, tất cả đều bán trực tuyến. Năm 2020, dù dịch Covid-19 diễn ra các nhà đấu giá thế giới tổ chức đấu giá trực tuyến thì doanh thu vẫn không đổi, thậm chí còn tăng.
Trả lời câu hỏi của Shark Liên về căn cứ xác nhận tranh giả, tranh thật, Đô Sơn tự hào chia sẻ đã bán qua tay hơn 1.000 tác phẩm mà chưa mắc lỗi này. Anh cho biết mình có quy trình 3 bước để đưa một tác phẩm ra trước công chúng và quy trình 4 bước để xác định, thẩm định một tác phẩm nghệ thuật. Quy trình 3 bước gồm bước 1 là ước định giá trị, xác định tính thương mại của tác phẩm. Bước thứ 2 là thẩm định tác phẩm. Bước thứ 3 là niêm yết công khai ra công chúng. Quy trình thẩm định 4 bước bao gồm: Phân tích trực quan dựa trên logic vật liệu, logic bút pháp, logic về tác phẩm tranh giai đoạn; xác định nguồn gốc của tác phẩm; phân tích chuyên môn, bút pháp thông qua các chuyên gia và người thấu hiểu về họa sĩ; ứng dụng các phương pháp khoa học cực tím, phân tích quang phổ, phân tích dưới kính hiển vi.
Shark Hưng đưa ra nhận xét: "Tôi cảm giác việc phân tích này có lẽ để miễn trừ trách nhiệm của sàn đấu giá chứ chưa chắc đã là bạn có đủ thẩm quyền hoặc đủ năng lực, đủ độ tin cậy để ra phán quyết".
"Thực ra nhà đấu giá chỉ dựa trên uy tín của mình cung cấp những thông tin xác thực nhất chứ không khẳng định. Tất cả các nhà đấu giá trên thế giới đều không khẳng định. Người mua phải tự chịu trách nhiệm với số tiền mua và đầu tư của mình dựa trên thông tin mà chúng tôi cung cấp", Đô Sơn cho hay.
Shark Hưng tiếp tục đặt ra câu hỏi về lợi thế của đấu giá online với mô hình kinh doanh, Đô Sơn cho biết tháng 5/2020, PI Online chính thức trở thành đối tác của Drouot tại thị trường Việt Nam. Việc ấy sẽ giúp giới thiệu các hiện vật, các tác phẩm nghệ thuật Việt Nam ra thế giới. Đây cũng là cách giúp những nhà sưu tập có thể tiếp cận nghệ thuật Việt Nam tốt hơn. Kể từ tháng 5/2020 đến nay, PI đã tổ chức được 3 phiên đấu giá qua các nền tảng đấu giá trực tuyến của quốc tế.
Shark Phú đặt ra câu hỏi về lý do gọi vốn của startup, doanh số, lợi nhuận dự kiến trong tương lai.
Đô Sơn cho hay, mình cần vốn để educate thị trường, tạo thói quen cho người dùng. Về bức tranh tài chính, đến hết năm 2020, PI đang lỗ lũy kế gần 2 tỷ đồng. Con số này đang giảm dần theo từng năm. Năm 2018 lỗ 1,4 tỷ, năm 2019 là 400 triệu, năm 2020 còn gần 200 triệu. PI Online đã có website hoạt động chính thức, app (ứng dụng) đã đưa lên các kho ứng dụng trực tuyến. Anh kỳ vọng nhận được sự đồng hành của các Shark để đưa thị trường mỹ thuật Việt Nam ngày một phát triển bền vững.
Vì không phù hợp khẩu vị, Shark Liên, Shark Phú lần lượt từ chối đầu tư.
Shark Louis nhận định thị trường hơi nhỏ và hỏi startup về tương lai phát triển. Đô Sơn cho biết doanh thu giao dịch trực tuyến của Việt Nam năm 2019 là 50 triệu USD. Anh tin tưởng nếu như PI Online trở thành sàn giao dịch trực tuyến hàng đầu Việt Nam, một phiên giao dịch trực tuyến có thể đạt được mức doanh thu đạt khoảng 1 – 2 triệu USD một phiên. Với 3 phiên đấu giá mỗi năm và phần trăm commission (hoa hồng) khoảng 30 – 35%, Đô Sơn cho rằng đây không phải là một thị trường nhỏ mà một thị trường ngách. Tuy nhiên sản phẩm cá biệt, dành cho các nhà đầu tư có năng lực về tài chính.
Tuy nhiên, vì đây không thuộc lĩnh vực và cảm thấy không đủ thuyết phục nên Shark Louis từ chối đầu tư.
Đồng tình quan điểm với Đô Sơn, Shark Hưng cho rằng đây là lĩnh vực khá đặc thù.
"Nếu chuyển sang đấu giá online khác biệt gì với offline thì tôi không thấy khác biệt gì lắm vì công việc đó vẫn phụ thuộc vào chuyên môn của cá nhân bạn. Cái online không làm business model (mô hình kinh doanh) của bạn bùng nổ mà tôi đầu tư thì thích những cái gì bùng nổ. Quan điểm của tôi, mô hình đấu giá online này là fake tech, tức là tech hỗ trợ cho kinh doanh chứ không phải nền tảng hoàn toàn dựa vào tech để các bạn không phải đụng tay vào", Shark Hưng nhận định.
"Tôi xin cắt ngang Shark Hưng, vấn đề đấu giá chỉ là 1 trong 4 vấn đề của PI Online, sàn thương mại điện tử bán và cho thuê tác phẩm hướng đến hoạ sĩ, các nhà sưu tập có thể đăng bán như Tiki, Lazada..", Đô Sơn trả lời Shark Hưng.
"Bạn thu phí niêm yết hay thu phần trăm nó khác, tôi đã mở rất nhiều sàn BĐS online nên tôi hiểu phí niêm yết và hoa hồng nó khác nhau như thế nào, việc bạn có độc quyền trong giao dịch đó hay không, giao dịch đó có được thực hiện trong quãng thời gian các bạn niêm yết hay không, chi phí quảng cáo kéo khách vào là chi phí bạn phải bỏ ra, nếu ăn theo commision (hoa hồng) nếu không bán được là bạn hoàn toàn chi phí ném đá ao bèo. Nếu thu phí niêm yết nhỏ nhưng chắc, câu chuyện nó khác. Đây gọi là nền tảng thương mại điện tử thì không đúng, nên tôi từ chối đầu tư", Shark Hưng từ chối đầu tư.
Shark Bình cho biết Shark đã tìm kiếm ứng dụng trên Appstore nhưng chưa tìm thấy. Đô Sơn lý giải: "App (ứng dụng) bản Android có rồi. Thực ra thì tháng 8 bên em mới launching (ra mắt) thực tế còn mới đưa tạm lên để phục vụ vấn đề kiểm thử".
Shark Bình tiếp tục chỉ ra những điểm yếu khác của startup: trên web không có các phiên đấu giá nào sắp diễn ra, phần đấu giá online cũng chưa có phiên nào đang diễn ra, sản phẩm bán online nhưng ảnh rất nhỏ. Shark Bình góp ý: "Bạn gặp một lỗi khi đi pitching, kêu gọi vốn lại chưa chuẩn bị kỹ sản phẩm... Mình cứ giương cao ngọn cờ chuyển đổi số cho đúng trend (xu hướng) nhưng thực ra mình đã chuyển đổi số đâu. Khi nhà đầu tư vào kiểm tra ngay thực tế thì lại thấy nó đang không chạy, rất là fail (lỗi)".
Đáp lại, Đô Sơn cho hay: "Thực ra dự án này chúng tôi mới chuyển đổi số. Còn trước đây chúng tôi bán theo hình thức gallery (phòng trưng bày) và phiên đấu giá trực tuyến".
"Như vậy bạn sẽ phải sửa lại thông điệp. Khi mình làm cho nhà đầu tư hiểu lầm, người ta nghĩ là mình đã là một sàn thương mại điện tử đấu giá rất phát triển rồi nhưng khi vào kiểm tra thực tế lại không đúng như vậy. Đây là một cái rất là kị khi mà chúng ta đi kêu gọi vốn. Khi nào chúng ta thực sự làm rồi, thực sự ra kết quả rồi thì hãy nói là chuyển đổi số. Chúng ta phải nói chuẩn chỉnh", Shark Bình nói.
Chính vì những lý do như vậy, Shark Bình quyết định không đầu tư, khép lại màn gọi vốn của Shark Tank tập 15.