MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Startup giúp doanh nghiệp "giữ khách" từng khiến Shark Phú và Shark Hưng giành giật, đặt mục tiêu IPO vào năm 2025 giờ ra sao?

27-08-2023 - 16:20 PM | Doanh nghiệp

Trước khi tham gia Shark Tank, CNV Holdings vốn đã được NextPay của Shark Bình rót 11 tỷ đồng lấy 30% cổ phần. Trên sóng truyền hình, startup này tiếp tục khiến 2 "cá mập" khác tranh giành, thậm chí Shark Hưng phải 2 lần hạ tỷ lệ cổ phần mới thắng deal.

Startup giúp doanh nghiệp "giữ khách" từng khiến Shark Phú và Shark Hưng giành giật, đặt mục tiêu IPO vào năm 2025 giờ ra sao? - Ảnh 1.

Hai đại diện của CNV Holdings trên sóng Shark Tank Việt Nam hồi năm 2021.

CNV Holdings được thành lập năm 2009 với hoạt động chính ban đầu là nhận làm phần mềm cho các doanh nghiệp. Từ năm 2020, với sự ra đời của nền tảng CNV Loyalty, công ty chuyển hướng tập trung phát triển giải pháp về mobile app cho doanh nghiệp, cùng với website và mini app trên đa kênh là Facebook, Zalo, MoMo và Tiki.

Mục đích CNV hướng đến là giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận hành, chuyển đổi số, tối ưu quy trình và tự động hóa dịch vụ chăm sóc khách hàng, từ đó gia tăng doanh số thông qua khách hàng trung thành.

Tham gia Shark Tank Việt Nam mùa 4 hồi năm 2021, CNV kêu gọi số vốn 250.000 USD cho 5% cổ phần, tương đương định giá Post Money là 5 triệu USD và Pre-Money ở mức 4,75 triệu USD. Startup này nhắm mốc nâng định giá lên 100 triệu USD khi IPO vào năm 2025.

Hai "cá mập" tranh giành quyết liệt

Tại thời điểm đó, hai đại diện của CNV cho biết đã có hơn 500 thương hiệu sử dụng dịch vụ của họ. Sau khi triển khai các giải pháp từ tháng 3/2020, đến tháng 12 cùng năm, CNV đạt doanh thu 2 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng bất chấp Covid-19. Trong 4 tháng đầu năm 2021, doanh thu của CNV đạt gần 7 tỷ, đã vượt qua điểm hòa vốn với lợi nhuận khoảng 16%, tương đương hơn 1 tỷ.

Bên cạnh đó, Founder & CEO Phú Nguyễn của CNV tiết lộ vào tháng 9/2020, startup của anh đã được rót 11 tỷ đồng, tương đương 30% cổ phần. Nhà đầu tư ở đây chính là NextPay – công ty thuộc hệ sinh thái NextTech của Shark Nguyễn Hòa Bình. Để đảm bảo tính khách quan, Shark Bình rút khỏi cuộc đàm phán trên truyền hình.

Hai “vị cá mập” quyết liệt tham gia đàm phán thương vụ với CNV là Shark Nguyễn Xuân Phú và Shark Phạm Thanh Hưng.

" Anh trả em 2 tỷ đổi lấy 5% cổ phần. Số tiền còn lại ở dạng trái phiếu chuyển đổi, kèm theo một số điều kiện chuyển đổi nếu em đạt được, và giá chuyển đổi được ưu đãi ít nhất 30% tại thời điểm đó ", Shark Phú đề nghị. Còn Shark Hưng đề nghị đầu tư thẳng 250.000 USD cho 15% cổ phần.

Sau khi nghe hai “cá mập” nỗ lực thuyết phục, startup đề nghị 250.000 USD cho 7% cổ phần, khiến Shark Hưng đưa ra con số mới là 250.000 USD cho 12,5% cổ phần (tức là định giá công ty 2 triệu USD, gấp đôi so với trước đó mấy tháng).

Shark Phú cũng “không chịu thua” mà tiếp tục đưa ra các luận điểm, khiến CNV đề nghị vị “cá mập” này điều chỉnh ưu đãi trái phiếu chuyển đổi là thấp hơn nhà đầu tư vòng tiếp theo 20% và được đồng ý. Shark Hưng cuối cùng đưa ra đề nghị 250.000 USD cho 10% cổ phần và được CNV lựa chọn.

Startup giúp doanh nghiệp "giữ khách" từng khiến Shark Phú và Shark Hưng giành giật, đặt mục tiêu IPO vào năm 2025 giờ ra sao? - Ảnh 2.

Định hướng tập trung vào hệ sinh thái Zalo, đặt mục tiêu triển khai 10.000 mini app cho các doanh nghiệp

CNV hiện có 2 văn phòng ở TP. HCM và Hà Nội với quy mô nhân sự khoảng 100 người. Chia sẻ với truyền thông hồi cuối tháng 7, ông Đỗ Đăng Khoa - CMO của CNV Loyalty cho biết nền tảng này đã phục vụ hơn 2.000 doanh nghiệp thuộc hơn 10 ngành hàng tại thị trường Việt Nam trong vòng 3 năm.

Ông cũng chỉ ra khác biệt lớn nhất của CNV Loyalty là nền tảng khởi tạo mini app trên Zalo, giúp doanh nghiệp sở hữu một ứng dụng nhỏ mang thương hiệu riêng ngay trên Zalo với đầy đủ các giải pháp chăm sóc khách hàng, bán hàng và đặt lịch, quản trị dữ liệu, thúc đẩy doanh số bằng hình thức game, biến khách hàng thành cộng tác viên, cùng hơn 100 tính năng cho từng ngành hàng.

Một trong những giải pháp CNV đang tập trung phát triển từ năm 2021 đến hiện tại là chăm sóc khách hàng trên hệ sinh thái của Zalo. Đến năm 2025, mục tiêu của CNV là triển khai được 10.000 mini app cho các doanh nghiệp Việt Nam trên Zalo, luôn giữ vị thế đơn vị tiên phong trong cung cấp giải pháp marketing và chăm sóc khách hàng sau bán ”, ông Khoa trình bày.

Trong một phiên livestream hôm 16/8, vị CMO này lý giải rằng sau khi triển khai các giải pháp trên nhiều nền tảng, CNV nhận thấy Zalo – với lợi thế sở hữu hàng chục triệu người dùng – đang là kênh đạt hiệu quả tốt, hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp và đóng góp lớn vào tăng trưởng.

Ngoài ra, theo chia sẻ trên Facebook của Founder & CEO Phú Nguyễn, CNV giờ đây không chỉ cung cấp nền tảng để xây dựng mini app trên Zalo cho doanh nghiệp, mà còn mở rộng sang lĩnh vực công, giáo dục, y tế.

Theo Minh Anh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên