MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Startup lo sợ lên Shark Tank bị sao chép mô hình, vị cố vấn này nhận định: Copy ở đâu cũng xảy ra, ở Việt Nam thì càng dễ!

20-04-2019 - 20:17 PM | Doanh nghiệp

Vậy nhưng nếu nắm giữ bí quyết riêng, startup vẫn có thể yên tâm lên Shark Tank mà không cần sợ hãi chuyện mô hình bị sao chép.

Tại hội thảo Gọi vốn thành công do Shark Tank Việt Nam tổ chức tại Hà Nội trong ngày 19/4, có một startup mong muốn lên Shark Tank nhưng lại lo ngại vấn đề copy. Theo nhà sáng lập này, startup của anh đã bước vào giai đoạn có sản phẩm, đang nhân rộng mô hình. Anh sợ rằng khi xuất hiện trên Shark Tank, nhiều người thấy mô hình của anh hiệu quả sẽ sao chép theo.

Giải đáp vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Trung, Nhà sáng lập, Chủ tịch Kankyo Việt Nam, người giữ vai trò mentor, cố vấn cho startup trong các mùa Shark Tank trước đây thừa nhận, vấn đề sao chép là một trong nhiều vấn đề khiến các startup đắn đo khi lên Shark Tank. Ông tiết lộ đã có nhiều startup vượt qua vòng tuyển chọn, qua vòng cố vấn hỗ trợ, đến được vòng ghi hình thì quyết định dừng lại vì sợ lộ bí quyết, hoặc sợ người khác copy.

"Câu chuyện bị lộ, bị copy ở đâu cũng sẽ xảy ra, đặc biệt ở Việt Nam thì càng dễ", ông Trung thừa nhận.

Vị cố vấn này lấy ví dụ, sau khi Uber ra đời, rất nhiều mô hình khác cũng xuất hiện như Grab, Lift, Didi Chungxi, Go-Jek hay ở Việt Nam có Be. Đây đều là những mô hình kinh tế chia sẻ nhưng mỗi bên lại có những khác biệt và thành công riêng.

Để tránh câu chuyện bị copy sau khi lên sóng Shark Tank, vị cố vấn này cho biết yếu tố đầu tiên cần xét đến là yếu tố thời điểm, vì yếu tố này thường quyết định tới 42% sự thành bại của startup nói chung.

Nói cụ thể hơn về yếu tố này, ông Trung cho biết nếu là người đi tiên phong trong mảng của mình, startup hoàn hoàn có khả năng chiếm lĩnh thị trường, xây dựng thương hiệu và nếu đủ tự tin thì có thể dẫn đầu. Trường hợp ngược lại, dù tiên phong nhưng không đủ khả năng thì startup vẫn có thể bị đối thủ vượt qua và thất bại ngay.

"Do vậy để quyết định có lên Shark Tank hay không, các startup phải quay lại, nhìn xem đội nhóm của mình đang ở đâu, sản phẩm có điều gì khác biệt hay không. Điều này đảm bảo khi lên sóng, sản phẩm của các bạn tung ra vẫn có khách hàng sử dụng mà không cần lo sợ đối thủ sao chép. Nếu giải quyết được câu chuyện này thì không có vấn đề gì phải e ngại cả", ông Trung khẳng định.

Ngoài ra, một vấn đề nữa ông cũng đề cập là chuyện xuất hiện trên Shark Tank cũng đồng nghĩa startup đang làm truyền thông phổ rộng. Khi chương trình kết thúc, họ sẽ đối mặt với câu chuyện khách hàng biết đến nhiều hơn, số lượng đơn hàng tăng lên theo cấp số nhân. Lúc này nếu startup đã có sản phẩm hoàn thiện, chuẩn bị đủ sản phẩm thì họ hoàn toàn có thể giải quyết.

Còn không, dù nhiều đơn hàng nhưng startup vẫn thất bại như thường.

"Nếu vấn đề thời điểm và vấn đề chuẩn bị đều ok thì chẳng có lý do gì các ban không lên Shark Tank cả. Lên chương trình các bạn có thể có thêm nguồn lực như vốn, đối tác,… để hỗ trợ. Chỉ cần bạn có bí quyết riêng để người khác không bắt chước được hoặc họ chỉ bắt chước được 1 phần, thì dù đối thủ có copy, bạn vẫn có thể đẩy thị trường đi lên. Nói đến thương hiệu khách hàng sẽ nhớ đến các bạn", ông Trung nhắn nhủ các startup.

Theo Hồng Lam

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên