Startup muốn được Shark Việt đầu tư cũng phải “đủ duyên”
Sửa thành: Sau 13 tập phát sóng, Shark Nguyễn Thanh Việt – Chủ tịch HĐTV tổ hợp y tế Phương Đông đã đầu tư cho 7 startup với khoảng với khoảng 188,3 tỷ được cam kết rót vốn tại Shark Tank Việt Nam mùa 3.
Sau Shark Tank mùa 3, các startup được ông cam kết rót vốn đầu tư hiện ra sao? Đâu là startup khiến ông ấn tượng nhất?
Trong 7 startup mà tôi đã đầu tư mùa này, hiện có startup chúng tôi đã ký kết đầu tư, có startup đang trong quá trình thẩm định và mỗi dự án thì đều có những điểm thu hút riêng. Trong đó, tôi ấn tượng đặc biệt với Triip.
Trong quá trình thẩm định, Intracom đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chuyên nghiệp của Triip về hồ sơ, thủ tục, kế hoạch kinh doanh và lộ trình phát triển. Đội ngũ của Triip không chỉ có tâm huyết mà còn toát ra một năng lượng tích cực, mỗi người đều dám từ bỏ lợi ích cá nhân để nỗ lực hết mình vì sự phát triển bền vững của ngành du lịch trong tương lai. Nhờ đó, đội ngũ của Triip đã tạo ra và lan tỏa được những dự án du lịch xanh, kết nối và phát huy tối đa ưu thế của du lịch bản địa và được nhiều quốc gia ghi nhận. Họ cũng có ước mơ và khát vọng đủ lớn để dấn thân đón đầu xu hướng công nghệ Blockchain trong tương lai. Vì vậy quá trình từ thẩm định doanh nghiệp đến ký kết đầu tư của Intracom và Triip diễn ra rất nhanh chỉ trong 30 ngày.
Tôi mong rằng các startup khác cũng có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để có thể nhanh chóng nhất tìm được tiếng nói chung với nhà đầu tư và nhận được vốn sớm để nắm bắt cơ hội phát triển của mình.
Shark Việt và startup Hồ Hải – Nhà đồng sáng lập Triip
Đã có starup nào sau khi xuống tiền đầu tư mà khiến ông lại cảm thấy hối hận? Hoặc có startup nào khiến ông cảm thấy hối hận khi không quyết định đầu tư, bởi có nhiều startup sau khi bị các "cá mập" từ chối rót vốn vẫn phát triển thành công và bùng nổ mạnh mẽ?
Tôi không bao giờ nghĩ là mình sẽ hối hận vì đầu tư hay không đầu tư cho một startup, bởi nếu không đầu tư là do chúng tôi chưa đủ duyên với nhau nên chưa tìm thấy sự đồng điệu để đi đến quyết định đồng hành và hợp tác lâu dài. Đầu tư không nhất thiết phải bằng tiền, đầu tư những lời khuyên để giúp startup phát triển hơn, khắc phục được nhược điểm cũng là một cách mà nhà đầu tư có thể giúp startup.
Tất nhiên, nếu sau khi họ gọi vốn mà bị các nhà đầu tư từ chối, nhưng họ vẫn phát triển thành công và bùng nổ mạnh mẽ thì tôi và các nhà đầu tư khác cũng mừng cho họ, vì họ đã thực hiện được mơ ước của mình và cùng chúng tôi mang lại những giá trị nhất định cho cộng đồng.
Nếu như ở mùa 2, các startup ông đầu tư chủ yếu nằm trong hệ sinh thái của Intracom như bệnh viện, bất động sản nhưng mùa thứ 3, ông lại mở rộng đầu tư ở các lĩnh vực như du lịch, chế tạo, thực phẩm và ngành nghề truyền thống. Phải chăng, tham vọng của ông là mở rộng đầu tư ở tất cả các lĩnh vực trên hay chỉ đơn thuần là hỗ trợ vốn cho các startup?
Là một doanh nhân, một nhà đầu tư, tôi luôn sẵn sàng bỏ tiền đầu tư cho các dự án mà tôi nhận thấy có khả năng phát triển và mang lại giá trị. Năm trước, do chưa sắp xếp được thời gian nên tôi chỉ xuất hiện tại Shark Tank trong 4 tập với vai trò là nhà đầu tư khách mời và đã đầu tư một vài dự án, còn năm nay, tôi ngồi ghế nóng xuyên suốt một mùa. Càng làm việc nhiều với các startup tôi càng thấy được tâm huyết, khát khao của các bạn trong việc phát triển các dự án vì cộng đồng. Vì vậy, tôi quyết định không giới hạn lĩnh vực đầu tư, lĩnh vực nào xã hội thiếu, con người cần thì tôi sẽ tham gia đầu tư.
Mặc dù vậy, trong quá trình thực tế thẩm định doanh nghiệp, chúng tôi cũng phát hiện ra startup còn rất nhiều thiếu sót. Do đó, chúng tôi không chỉ đơn thuần là đầu tư vốn để giúp startup phát triển mà còn hỗ trợ startup rất nhiều vấn đề từ hồ sơ, thủ tục đến định hướng kinh doanh. Một người làm thì lâu nhưng nhiều người làm thì chóng, nếu chúng tôi thẩm định dự án của startup khả thi, có tiềm năng và trong khả năng tôi có thể giúp đỡ được thì tôi sẽ đầu tư để họ nắm bắt cơ hội kinh doanh, đẩy nhanh những dự án khả thi ra thị trường.
Ở thời điểm hiện tại, tiềm năng thị trường cho các lĩnh vực như chế tạo, công nghệ du lịch, thực phẩm không còn mới mẻ, liệu ông có đang quá mạo hiểm với những đồn vốn của mình bỏ ra?
Đầu tư kinh doanh ở bất cứ lĩnh vực nào cũng là mạo hiểm, nhưng tôi nghĩ chỉ cần là lĩnh vực xã hội thiếu, con người cần thì sẽ có cơ hội phát triển, cái chính là chiến lược mình đầu tư cho nó như thế nào. Nếu mạo hiểm mà thành công, giúp được cho nhiều người có công ăn việc làm, giúp ích cho xã hội, cho môi trường, con người thì tôi vẫn sẵn sàng đầu tư. Còn nếu thất bại thì nó cũng chỉ là một rủi ro kinh doanh mà mình phải chấp nhận.
Với tôi, kinh doanh không chỉ là chăm chăm để kiếm tiền đầy túi, doanh nhân doanh nghiệp dựa vào cộng đồng mà phát triển thì phải có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Bởi vậy, nếu khoản đầu tư của tôi giúp được một người hay nhiều người thành công đối với tôi cũng là hạnh phúc rồi.
Shark Việt cam kết đầu tư 5 tỷ đồng cho Dalat Foodie – startup thực phẩm hữu cơ khởi nghiệp với sứ mệnh vì tương lai trẻ em khỏe mạnh
Trong quá trình tham gia hỗ trợ các startup, chắc chắn ko thể tránh khỏi những bất đồng quan điểm với các founder, ông giải quyết tình huống đó thế nào?
Nguồn gốc của sự phát triển xuất phát từ tháo gỡ mâu thuẫn, do đó giải quyết được xung đột và bất đồng quan điểm chính là cơ hội để chúng ta khắc phục được sai lầm và phát triển thành công.
Khi giữa nhà đầu tư và startup xuất hiện mâu thuẫn chúng tôi thường ngồi lại với nhau để xem xét lại vấn đề và tìm cách giải quyết. Việc nhỏ mà không thể ngồi với nhau giải quyết thì sao có thể đi đường dài với nhau. Khi tìm ra vấn đề rồi thì chúng tôi sẽ xem xét cách giải quyết phù hợp nhất để cùng nhau đi đến thống nhất. Dù có đi cùng nhau hay không thì tôi và các start up vẫn luôn giữ mối quan hệ tốt và dõi theo nhau trong suốt những chặng đường về sau.
Xin cảm ơn ông!