MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Startup sếp đi nghỉ mát, nhân viên lên Shark Tank VN gọi vốn hộ 5 triệu USD, tuyên bố Oracle vào Việt Nam phải mang 1 tỷ USD ra mới nói chuyện giờ ra sao?

21-02-2023 - 20:25 PM | Doanh nghiệp

Startup sếp đi nghỉ mát, nhân viên lên Shark Tank VN gọi vốn hộ 5 triệu USD, tuyên bố Oracle vào Việt Nam phải mang 1 tỷ USD ra mới nói chuyện giờ ra sao?

“Em đã nói mà các Shark không tin”, Khiêm Trần – anh chàng lên Shark Tank Việt Nam gọi vốn hộ vì sếp bận đi nghỉ mát ở FLC Quy Nhơn – biên status trên mạng xã hội, share video khi Smartlog kỷ niệm 5 năm thành lập. Sau 1 năm lên sóng Shark Tank Việt Nam, Smartlog có số nhân sự và khách hàng đều tăng gấp đôi. Khách hàng của doanh nghiệp này cũng ghi danh thêm Viettel, Thaco, Casper, cùng một số tập đoàn lớn trên thế giới, được nhiều đơn vị vinh danh.

“Em đến đây để gọi vốn 116 tỷ đồng cho 20% cổ phần công ty”, Khiêm Trần tuyên bố khi bước lên Shark Tank Việt Nam gọi vốn năm 2018.

“Em vừa nói em gọi bao nhiêu vốn?”, Shark Phú không tin vào tai mình hỏi lại.

“116 tỷ, là tổng lượng vốn các Shark tham gia đầu tư trong mùa trước”, Khiêm đáp lời.

Startup sếp đi nghỉ mát, nhân viên lên Shark Tank VN gọi vốn hộ 5 triệu USD, tuyên bố Oracle vào Việt Nam phải mang 1 tỷ USD ra mới nói chuyện giờ ra sao? - Ảnh 1.
Startup sếp đi nghỉ mát, nhân viên lên Shark Tank VN gọi vốn hộ 5 triệu USD, tuyên bố Oracle vào Việt Nam phải mang 1 tỷ USD ra mới nói chuyện giờ ra sao? - Ảnh 2.

Smartlog ra đời năm 2015. Theo Khiêm, startup này không bán phần mềm mà cho thuê phần mềm. Hiện công ty sống bằng hai nguồn là tư vấn cho doanh nghiệp nâng cao hiệu quả vận hành logistics và cung cấp nền tảng ứng dụng cho doanh nghiệp vận hành dễ dàng hơn, số hóa hoạt động vận hành bằng logistics.

Với số tiền gọi vốn là 116 tỷ đồng (khoảng 5 triệu USD thời điểm đó) tương đương giá trị doanh nghiệp ở mức 27 triệu USD, theo tính toán của Shark Dzung. Trong khi đó, doanh thu năm cuối năm 2017 của Smartlog ở mức 0,18 triệu USD, lợi nhuận đang âm.

Anh cũng tự tin khẳng định thị trường Việt Nam hiển nhiên trong tay Smartlog rồi, không có gì phải lo nữa. Còn câu chuyện ở thị trường khu vực Đông Nam Á, Khiêm cho rằng Smartlog phải “bung mạnh” là để cạnh tranh “sòng phẳng” với “ông lớn” Oracle - một trong những hãng phần mềm, có hệ quản trị cơ sở dữ liệu phổ biến trên thế giới. “Oracel muốn gặp thì phải mang 1 tỷ USD ra nói chuyện”, Khiêm thách thức.

Trong quá trình gọi vốn, Khiêm tiết lộ CEO Smartlog là Kurt Bình, do bận “nghỉ mát ở FLC Quy Nhơn” nên không lên gọi vốn.

“CEO đang nghỉ mát còn em là trợ lý lên gọi vốn? Em gọi được vốn thì anh ấy cho em cái gì?”, các cá mập chất vấn.

“Em không lên gọi vốn. Em lên để thế giới biết Việt Nam có Smartlog”, Khiêm cho biết. Slide thuyết trình của Khiêm bên cạnh chart về thị trường logistics, còn có hình ảnh của những người nổi tiếng ở Việt Nam, một trong số đó là doanh nhân Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Vingroup.

Công ty bung mạnh, cho ra nhiều sản phẩm số, được nhiều đơn vị vinh danh

Chia sẻ với chương trình Sau bể cá mập hồi tháng 7/2019, một năm sau khi xuất hiện trên Shark Tank Việt Nam, Khiêm cho biết đội ngũ Smartlog đã tăng gấp đôi so với năm trước, tệp khách hàng cũng tăng hơn gấp đôi. Từ vị trí giám đốc điều hành, như giới thiệu trong phần thuyết trình về Smartlog, Khiêm chuyển sang tập trung vào marketing và triển khai các dự án tư vấn, giảm bớt ảnh hưởng trong công ty.

“10 năm trước, không ai nghĩ doanh nghiệp Việt Nam có thể tạo ra những sản phẩm phần mềm logistics có thể cạnh tranh với các công ty toàn cầu tại Việt Nam, nhưng giờ thì chúng ta cạnh tranh sòng phẳng. Và tôi không chỉ cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp Việt Nam mà cung cấp cho cả những doanh nghiệp toàn cầu tại thị trường Việt Nam”, Kurt Bình - CEO Smartlog trình bày trước Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông tại sự kiện Make In Viet Nam năm 2021.

Về phía doanh nghiệp Smartlog cũng cho ra nhiều sản phẩm phần mềm như AI về Logistics, Sàn vận tải STX, Giải pháp nền tảng tối ưu container rỗng, Sàn giao dịch Container..., với các doanh nghiệp như Thaco, Viettel, Casper, Kids Plaza, Saint - Gobaint... Trong đó, sản phẩm Sàn vận tải STX nhận được giải Sao Khuê năm 2019, Giải pháp quản lý kho hàng SWM nhận giải thưởng Sao Khuê 2020.

Năm 2020, doanh nghiệp này lọt Top 10 doanh nghiệp Việt cung cấp giải pháp công nghệ thông tin cho thành phố thông minh do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) bầu chọn.

Tháng 12 năm ngoái, Smartlog cũng được vinh danh Top 10 sản phẩm xuất sắc về kinh tế số tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam lần thứ IV (Make in Viet Nam) do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, và giành giải Đồng cho hạng mục này. Sản phẩm của Smartlog được vinh danh là Giải pháp nền tảng quản trị và kinh doanh vận tải SLX.

Startup sếp đi nghỉ mát, nhân viên lên Shark Tank VN gọi vốn hộ 5 triệu USD, tuyên bố Oracle vào Việt Nam phải mang 1 tỷ USD ra mới nói chuyện giờ ra sao? - Ảnh 3.

Đại diện Smartlo nhận Giải thưởng tại sự kiện.

Tính đến cuối năm 2020, Smartlog đã có 15.000 xe với 1 triệu m2 kho hàng.

Khiêm Trần - anh chàng “người giời” đã làm nên tên tuổi Smartlog (theo cả nghĩa tích cực lẫn tiêu cực) năm nào từng chia sẻ về kinh nghiệm làm việc của mình trên Shark Tank: “Em đi làm 14 năm, 2 năm hoặc 6 tháng đổi việc 1 lần. Em làm P&G, CLB hàng Việt Nam chất lượng cao… Có một sứ mệnh mà em vẫn chưa tìm được đam mê, mà cứ không thỏa mãn là lại xoay. Cho tới khi về Smartlog, em xác định mục tiêu cuộc đời mình là em sẽ sống chết với Smartlog”.

“Em làm ở Smartlog bao lâu rồi?”, Shark Linh hỏi khi Khiêm lên gọi vốn hồi năm 2018.

“6 tháng”, Khiêm đáp.

Khiêm rời Smartlog vào tháng 9/2019, hơn 1 năm sau khi lên Shark Tank Việt Nam gọi vốn. Anh chàng sau đó về các đơn vị khác như X85, Liangbang Foods. Anh cũng tham dự một số sự kiện với chức danh Trưởng phòng Marketing Công ty TK Solution. Theo cập nhật trên trang cá nhân hồi tháng 9/2022, anh cho biết đã gia nhập U&I Logistics.

Theo Bình An

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên