Startup Việt trước cơ hội trở thành những đế chế tỷ đô
Tự tin với công nghệ và giải pháp hiệu quả trước “võ đài” thế giới, startup Việt đủ “tầm” bắt tay những đối tác và nhà đầu tư quốc tế.
- 26-10-2019Nhà sáng lập xúc xích Đức Việt: Cất bằng tiến sĩ toán học vào tủ vì gia đình đói, 4 lần chuyển nghề trước khi xây công ty bán được 32 triệu USD
- 26-10-2019Doanh thu bán lẻ TMĐT Việt Nam dự kiến đạt 10 tỷ USD năm 2020 khiến "ông lớn" Alibaba không thể không "để mắt"
- 25-10-2019Thận trọng và kỳ vọng khi mở cửa tài chính, viễn thông với EVFTA
Startup Việt phải có tầm nhìn quốc tế
Cuối tháng 9 vừa qua, tại sự kiện Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - Techfest Vietnam 2019, lần đầu tiên diễn ra tại Mỹ, cái tên Abivin vRoute đã gây ấn tượng mạnh với đại diện quỹ đầu tư lớn như 500 startups, Pegasus Tech Venture, Highland Capital, Andreessen Horowitz, Sequoia, Dragon Fly…
Abivin vRoute, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực logistics do Công ty CP Abivin Việt Nam thiết kế. Đây cũng là sản phẩm giúp Abivin vượt qua ứng cử của hơn 40 quốc gia trên thế giới, trở thành quán quân của Cuộc thi Startup World Cup 2019 giành 1 triệu USD tiền đầu tư hồi tháng 5 vừa qua. Chia sẻ về yếu tố thành công của Abivin, ông Phạm Nam Long, người sáng lập Abivin nhận định: “Việc chúng ta có tầm nhìn quốc tế ngay từ đầu sẽ giúp cho startup với sản phẩm sáng tạo có được năng lực cạnh tranh quốc tế cao”.
Được đánh giá cao về công nghệ đột phá và giải pháp tối ưu, Abivin vRoute là ứng dụng tích hợp thuật toán tối ưu lộ trình cao cấp, có thể thỏa mãn hơn 20 điều kiện khác nhau trong quá trình giao hàng như: Xác định giờ đóng mở cửa khác nhau của các cửa hàng, các loại xe khác nhau, tận dụng tối đa trọng lượng/thể tích của các xe hay điều kiện giao thông khác nhau... Thuật toán thông minh hỗ trợ thỏa mãn các đặc điểm như đường nhỏ, nhiều ngõ ngách, nhiều thay đổi, hạn chế; giao hàng bằng nhiều loại phương tiện khác nhau như xe máy , xe tải hoặc bán tải, thời gian đóng mở cửa hàng thất thường… ; giúp tiết kiệm 30-40% chi phí nhân lực và nhiên liệu trong ngành logistics.
Thế nhưng nhớ về giai đoạn đầu khởi nghiệp 2014-2015, ông Phạm Nam Long bật mí, đã có lúc Abivin lâm cảnh không thể tìm được đối tác, nhiều thành viên của công ty vì thế cũng “nản” và ra đi.
Tới nay, hàng loạt khách hàng có tên tuổi trong và ngoài nước đã bắt tay với Abivin. “Trước mắt, Abivin sẽ tập trung hướng đến khu vực ASEAN với các thị trường tiềm năng như: Myanmar, Malaysia, Thái Lan và một số nước trong khu vực Đông Á như: Hàn Quốc, Nhật Bản… Qua đó, Abivin muốn chứng minh rằng, một startup Việt Nam hoàn toàn có thể đứng trong hàng ngũ với các doanh nghiệp công nghệ thành công của thế giới”, ông Nam Long cho hay.
“Nhà đầu tư nước ngoài không tin tôi là một startup Việt”
Techfest Vietnam 2019 đang thực hiện chiến lược kết nối với thế giới theo chỉ đạo của Chính phủ, bắt đầu tại các quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu như Mỹ (tháng 9), Singapore và Hàn Quốc (tháng 11). Thông qua chuỗi sự kiện quy mô và hấp dẫn, chương trình tạo sân chơi để startup kêu gọi nguồn vốn đầu tư quốc tế, giúp Việt Nam giới thiệu và quảng bá hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, cũng như thu hút lực lượng chuyên gia chất lượng cao về đất nước.
Ngoài Abivin, EcomEasy Asia cũng là một trong những đại diện Startup Việt tham gia trình bày mô hình kinh doanh tại Techfest Vietnam 2019. Theo đó, EcomEasy Asia cung cấp giải pháp bán hàng trên kênh thương mại điện tử, phạm vi cung cấp dịch vụ trải dài từ việc đưa hàng hóa lên các sàn thương mại điện tử cho đến việc cung cấp các kênh quảng cáo và hỗ trợ dịch vụ hậu cần quản lý kho bãi, giao nhận với các đối tác vận chuyển và kho vận uy tín. Chưa đầy 2 năm ra mắt, startup này đã kết nối với hàng chục nghìn các nhà bán hàng, cộng tác viên bán hàng trên mạng xã hội để phát triển kênh bán hàng trực tuyến.
Mỗi lần nhắc lại, cảm xúc tự hào là một startup Việt trên đất Mỹ vẫn còn tràn ngập trong Nguyễn Trần Bích Ngọc, CEO EcomEasy Asia. “Thực tế, ngành ecommerce enabler (cung cấp hệ thống cổng vào cho thương mại điện tử) trên thế giới cũng còn rất mới mẻ. Do đó, sau khi nghe chúng tôi trình bày dự án, nhà đầu tư nước ngoài không tin tôi là một startup Việt, bởi họ nghĩ rằng đây là mô hình mới ứng dụng tại châu Âu, không ai nghĩ nó đã được triển khai tại Việt Nam”.
Để thuyết phục người nghe, bà Ngọc dẫn chứng những phi vụ hợp tác với các khách hàng lớn như: Facebook, Google… “Khi nghe về những đối tác của chúng tôi, các nhà đầu tư thêm ngạc nhiên đặt câu hỏi, tại sao một startup Việt nhỏ bé lại có thể tiếp cận được với những ông lớn trên thế giới? Giải pháp đơn giản, linh hoạt, giảm thiểu chi phí, thay vì việc áp dụng quy trình có sẵn như các doanh nghiệp ecommerce enabler tại Mỹ đang áp dụng, chính là câu trả lời của tôi”, Bích Ngọc tự tin chia sẻ.
Rời vị trí Giám đốc Đối tác chiến lược của Lazada, Bích Ngọc đã cùng Bình Nguyễn, cựu CEO Cốc Cốc lập ra EcomEasy Asia, với mục tiêu tạo một cổng vào của thương mại điện tử giúp các thương hiệu dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng. “Tôi quyết định khởi nghiệp ở Việt Nam để minh chứng một điều tiềm năng và cơ hội cho startup trên chính đất mẹ còn rất nhiều. Chính những nước phát triển như Mỹ, startup chịu sức cạnh tranh lớn, bạn cũng có thể bị ăn cắp ý tưởng, giải pháp một cách nhanh chóng”, vị CEO nữ nói. Tuy nhiên, cũng như nhiều startup khác, Bích Ngọc cho rằng, việc tiếp cận vốn đầu tư vẫn còn rất nhiều rào cản khó khăn: “Startup Việt thường phải đi lòng vòng, mất nhiều thời gian mới tiếp cận được quỹ đầu tư. Đáng nói những quỹ đầu tư lớn tại nước ngoài lại thường không dành sự ưu tiên cho các startup tại nước đang phát triển như Việt Nam. Và tôi muốn thay đổi suy nghĩ ấy, muốn nâng cao chất lượng startup Việt xứng tầm chuẩn quốc tế”.
Hoàn toàn có thể trở thành doanh nghiệp tỷ đô, nếu…
Theo dõi bước đi startup Việt từ sân chơi trong nước tới “võ đài” quốc tế, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường - Doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ KH&CN (NATEC) cho hay: “Không chỉ có phong cách tự tin, Startup Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao về mặt ý tưởng và giải pháp đột phá”. Tuy nhiên, ông Quất cũng thừa nhận, đây chỉ là những kết quả ban đầu về năng lực sáng tạo, vấn đề liệu startup có đi tới thành công hay không khi phát triển ở môi trường không có nhiều nguồn vốn và chuyên gia “đỡ đầu”? “Sau khi nghe ý tưởng, giải pháp của startup Việt, nhiều nhà đầu tư cùng chung nhận định, nếu được phát triển ở môi trường tốt, họ chắc chắn sẽ trở thành những doanh nghiệp triệu đô, tỷ đô trong tương lai”, ông Quất nói.
Cũng theo ông Quất, từ sự kiện Techfest Vietnam 2019 tại Mỹ vừa qua, có rất nhiều điều cần nhìn nhận và đáng phải suy nghĩ về môi trường đầu tư khởi nghiệp.
“Dù biết đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo mang tính chất đầy rủi ro nhưng từ lâu, hoạt động này đã trở thành văn hóa cộng đồng tại Mỹ, khi được mặc định là khoản đầu tư cho thế hệ tương lai. Bằng cách đặt đề bài, gợi ý đầu ra cho sản phẩm, đã chứng tỏ sự vào cuộc giang tay hỗ trợ nhiệt tình từ những ông chủ doanh nghiệp mang tính thực chất chứ không phải để đánh bóng, quảng cáo thương hiệu. Tiêu chí lựa chọn đầu tư dự án cũng rất rõ ràng. Ngoài yếu tố về công nghệ, con người, các startup đều phải chứng tỏ khả năng phát triển quy mô thị trường bằng cách trả lời các câu hỏi: Ai trả tiền; Bằng cách nào để được trả tiền; Tại sao; Có bao nhiêu người trả tiền cho bạn…?”, ông Quất nhận định.
Chia sẻ một tin vui cho các startup Việt Nam, ông Quất cho biết, Bộ KH&CN vừa ký kết hợp tác với Ai20x (Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp tại Mỹ) và Pegasus Tech Venture (đơn vị tổ chức Startup World Cup). Theo đó, Techfest Vietnam chính thức trở thành đối tác vùng của Startup World Cup. Mặt khác, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (NATEC), Bộ KH&CN cũng đã thống nhất với Ai20X về việc giới thiệu 5-10 startup mỗi năm sang ươm tạo tại Thung lũng Silicon, cũng như giúp startup Việt được hưởng các ưu đãi dịch vụ và gói hỗ trợ từ đơn vị này.
Báo Giao thông