Sự 'chật vật' của châu Âu trong ứng phó chính sách của Trump
Trong mối quan hệ với châu Âu, Tổng thống Donald Trump đã phơi bày một thực tế phũ phàng: dùng sức mạnh có thể không đúng nhưng nhìn chung sẽ chiến thắng.
Tiến sĩ Robin Nibless trở thành Giám đốc Viện Quan hệ quốc tế Hoàng gia Anh Chatham House vào tháng 1/2007. Ông từng là Phó Chủ tịch điều hành, Giám đốc hoạt động của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) giai đoạn 2001 - 2006.
Trong hai năm cuối ở CSIS, Nibless còn là Giám đốc Chương trình châu Âu CSIS và Sáng kiến Đổi mới quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương.
Ông là diễn giả thường xuất hiện tại các sự kiện trên thế giới, có bằng cử nhân xã hội (BA), thạc sĩ triết học (MPhil) và tiến sĩ triết học (DPhil) Đại học Oxford.
Dưới đây là nội dung bài bình luận của ông Nibless đăng trên website Chatham House ngày 3/6:
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Thủ tướng Anh Theresa May tại cuộc họp báo chung ngày 4/6 ở London. Ảnh: AP.
Chuyến công du châu Âu của Tổng thống Mỹ Donald Trump kéo dài từ ngày 3 đến 6/6 với 3 chặng dừng là Anh, Ireland và Pháp phần nào phản ánh được tình trạng hiện tại của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Tình hình khác hẳn so với tháng 7/2018, khi chuyến thăm Anh của ông chủ Nhà Trắng vấp phải sự công kích từ giới phê bình, sự phản đối từ người biểu tình. Trump giờ đã nhào nặn nên một chính phủ gần với thế giới quan của ông hơn.
Trump hành động thẳng tay, không chút do dự về hai ưu tiên trong chính sách đối ngoại - Iran và Trung Quốc. Trump lúc này khó tác động quốc hội Mỹ hơn, bởi phe Dân chủ giành quyền kiểm soát Hạ viện từ cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11/2018.
Tuy nhiên, với việc công tố viên đặc biệt Robert Mueller không thể tung ra “đòn chí mạng” như phe đối lập mong muốn, cùng nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ, Trump đang có nhiều cơ hội để chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Trong cùng giai đoạn, châu Âu lại suy yếu thay vì mạnh lên. Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) cho thấy chủ nghĩa dân túy kiểu Trump đang trỗi dậy ở bờ kia Đại Tây Dương. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, chuẩn mực trong phản đối Trump, đã mất đi sự hào nhoáng của ông. Thời gian lãnh đạo Đức của Thủ tướng Angela Merkel đang dần kết thúc. Bà Theresa May từ chức thủ tướng Anh vì không thể thực hiện Brexit theo kế hoạch.
Trên trường quốc tế, Pháp, Đức và Anh đều không thể đi đầu trong ứng phó tình trạng Mỹ tái áp lệnh trừng phạt lên công ty châu Âu - những bên muốn thực hiện lời kêu gọi từ chính phủ nước họ, duy trì quan hệ thương mại với Iran theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Châu Âu cũng bất lực nhìn khi Mỹ tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc. Cảnh tượng ARM cùng các công ty châu Âu khác phải dừng làm ăn với Huawei vì gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc bị đưa vào danh sách đen của Mỹ đã khuếch đại tầm ảnh hưởng cho chiến lược địa kinh tế của Mỹ.
Ảnh: Daily Express.
Ngày nay, châu Âu không còn ảnh hưởng và không có tiếng nói đối trọng các chính sách đối ngoại của Mỹ, được nhiều người tin là đi ngược lại lợi ích châu Âu. Châu Âu và các công ty của họ lại đang bị buộc phải tham gia những chính sách đó. Họ đang bị bắt nạt. Điều đó đang diễn ra.
Tổng thống Trump đã hé lộ một thực tế tàn nhẫn rằng sức mạnh có thể không đúng nhưng nói chung sẽ thắng. Châu Âu không thể cứng rắn đáp trả, trừ khi họ có đủ nguồn lực và uy tín.
Về an ninh, châu Âu đang thiếu cả nguồn lực lẫn ý chí chính trị để thể hiện sự tự chủ chiến lược. Về kinh tế, tình hình còn phức tạp hơn.
So với Mỹ, châu Âu dễ bị tác động hơn từ sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc và thế giới bởi xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong GDP. Tuy nhiên, họ vẫn có thế mạnh trong hai lĩnh vực. Thứ nhất là thiết lập các quy tắc buộc những công ty đa quốc gia, bao gồm cả của Mỹ, phải tuân thủ trong nhiều lĩnh vực chính trị then chốt, từ bảo vệ dữ liệu cho tới chống tham nhũng, bảo vệ nhân quyền.
Thứ hai là trong đàm phán thương mại quốc tế, lĩnh vực Liên minh châu Âu (EU) duy trì quan điểm cởi mở, song song với nỗ lực hung hăng của Trump nhằm giành lợi thế đơn phương trước các đối tác thương mại quan trọng. Các công ty và nông dân Mỹ nhận ra thỏa thuận thương mại giữa EU và Nhật Bản gần đây đã làm giảm sức cạnh tranh của họ về giá khi xuất khẩu hàng vào hai thị trường trên.
Trong khi điều này an ủi phần nào các lãnh đạo châu Âu khi gặp Tổng thống Trump tại Normandy, bà May chưa chắc đã cảm thấy tương tự. Anh bị phân tâm bởi quy trình bất tận trong đàm phán rời EU. Nếu, hoặc khi, rời đi thành công, Anh sẽ mất đi tiếng nói trong những lĩnh vực mà châu Âu đồng thuận nhất - thiết lập các quy tắc quốc tế và hoàn tất những thỏa thuận thương mại quy mô lớn.
Thay vào đó, các nhà lập chính sách Anh sẽ phải đối phó với một chính quyền Mỹ ngày càng kiên quyết và vì lợi ích riêng, muốn London giúp điều chỉnh cán cân xuyên Đại Tây Dương theo hướng có lợi hơn nữa cho Washington.
Thủ tướng Anh kế tiếp sẽ đứng giữa thực tế rằng Anh là một bên uy tín thấp trong quá trình rời EU dài bất tận và mong muốn vẫn giữ vai trò trong cơ quan chính trị EU để thể hiện phần nào quá khứ tự bảo đảm can trường của London.
Mắc kẹt giữa ngã tư đường, chuyến thăm của Tổng thống Trump chính là thời khắc để các nhà lập pháp Anh thực hiện lời khuyên của ông David Cameroon từ ngày 11/9/2006, thể hiện Anh sẽ là “đồng minh vững chắc nhưng không dễ bị khuất phục” của Mỹ.
Người đồng hành