MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sự cố Formosa: Vẫn còn nguy cơ ô nhiễm

11-07-2016 - 14:24 PM | Xã hội

Các nhà khoa học cho rằng, khi Formosa hoạt động trở lại, với chất thải của một tổ hợp luyện gang thép, nguy cơ ô nhiễm môi trường rất rõ nếu không có hệ thống giám sát chặt chẽ.

Nguyên nhân sự cố Formosa được các nhà khoa học xác định là do một lượng lớn độc tố phenol, xyanua kết hợp với phức sắt dạng keo gây nên.

Chỉ súc rửa đường ống một lần

Phenol, xyanua, phức sắt dạng keo có từ đâu? Phenol và xyanua được xác định là kết quả quá trình luyện cốc của Formosa. Kết quả phân tích tại hệ thống xử lý nước thải sinh hóa ở nhà máy này cho thấy, hàm lượng phenol dao động từ 600 đến 1.500 mg/l (giới hạn cho phép thải ra là 0,585mg/lít, theo giấy phép xả thải do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp cho Formosa), xyanua từ 50 đến 70 mg/l (giới hạn cho phép thải ra môi trường là 0,585mg/lít). Formosa bắt đầu quá trình luyện cốc từ tháng 11/ 2015 với lưu lượng nước thải là 960m3/ngày.

Sự cố sinh vật biển chết hàng loạt vừa qua xảy ra khi kết hợp đồng thời hai yếu tố, nguồn thải lớn chứa phenol, xyanua kết hợp phức sắt ở dạng keo (Mixel) xả ra môi trường biển. Phức sắt dạng keo hấp phụ phenol, xyanua và các độc chất khác. Các độc chất này được làm giàu tới hàm lượng có thể gây độc cấp tính để hình thành cái gọi là “ổ độc di động”.

Phức sắt dạng keo này được các nhà khoa học xác nhận là kết quả của quá trình súc rửa, thụ động hóa bề mặt kim loại. Theo một chuyên gia xử lý nước thải, quá trình súc rửa đường ống, thụ động hóa bề mặt kim loại sẽ thải ra một lượng sắt khổng lồ, có thể lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn mg/lít trong khi quy chuẩn Việt Nam về nước thải công nghiệp chỉ cho phép hàm lượng sắt tối đa khi thải ra môi trường là 5mg/lít.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia về xử lý nước thải, quá trình súc rửa, thụ động hóa bề mặt kim loại chỉ diễn ra một lần duy nhất trong đời nhà máy, vào thời điểm trước khi nhà máy vận hành. Việc súc rửa đường ống, thụ động hóa bề mặt kim loại đã được Formosa thực hiện vào tháng 3/2016. Việc này sẽ không lặp lại nên nguy cơ về một sự cố tương tự giống sự cố hải sản chết hàng loạt ở Bắc trung bộ vừa qua sẽ không xảy ra. Tuy nhiên, nguy cơ môi trường bị nhiễm độc từ từ mà không biểu hiện ra thành sự cố luôn tồn tại nếu hệ thống giám sát không chặt chẽ.

Cần tăng cường nhiều công cụ giám sát

PGS.TS Trịnh Văn Tuyên, Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường cho biết, phần lớn các hạng mục công nghệ sản xuất thép của Formosa tốt, tuy nhiên công nghệ xử lý nước thải cần có cải tiến và phải được kiểm soát chặt chẽ hơn nữa. Một trong những nguồn gây ô nhiễm chính là nước thải luyện cốc của Formosa. Để khắc phục tình trạng này, Formosa cần cải tạo, thay thế công nghệ dập cốc ướt thành dập cốc khô.

Theo PGS Tuyên, đoàn các nhà khoa học cùng cán bộ quản lý nhà nước về môi trường, trong quá trình thanh tra, kiểm tra đã yêu cầu công ty Formosa cải tiến và hoàn thiện công nghệ xử lý và giám sát chất lượng môi trường. “Ngoài vấn đề yêu cầu Formosa xả thải phải đạt tiêu chuẩn và phải điều chỉnh tiêu chuẩn xả thải, các cơ quan chức năng Việt Nam cần phải giám sát chặt chẽ hơn nữa việc xả thải. Cần xây dựng các bể kiểm tra thử độc tính sinh học của động thực vật đối với nước thải sau xử lý để bảo đảm chất lượng nước xả thải. Có như vậy, môi trường, hệ sinh thái biển mới có thể nhanh chóng phục hồi”, PGS.TS Trịnh Văn Tuyên lưu ý.

Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, nước thải từ sản xuất thép chủ yếu là nước làm mát, chứa nhiều chất độc hại như phenol, xyanua, ammonia, dầu, kim loại nặng (kẽm, chì, cadimi, chrome), và một số chất hữu cơ khác. Riêng nước thải từ quá trình luyện cốc rất độc hại, có chứa phenol, các hợp chất hữu cơ đơn vòng và đa vòng, cyanides, sulfides, ammonia (NH3) và ammonium (NH4+) và một số chất độc hại khác. Cần xử lý để loại bỏ các chất độc hại này trước khi xả nước ra môi trường. Tuy vậy, trong công nghiệp luyện thép, nước làm nguội cốc có thể được lọc và tái sử dụng nên có thể hạn chế mức độ xả thải nước này ra môi trường nếu được quản lý một cách nghiêm ngặt.

Theo một chuyên gia xử lý nước thải, mức độ độc hại của nước thải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu cũng như những hóa chất, phụ gia đầu vào. Quặng sắt nhập về mà chứa thủy ngân, phenol, xyanua cao thì sẽ rất nguy hiểm vì hệ thống xử lý nước thải của nhà máy không thể xử lý hết được. Nếu cho Formosa hoạt động trở lại, Chính phủ cần yêu cầu công ty cung cấp tài liệu về thành phần, kế hoạch sử dụng, thời gian sử dụng và liều lượng sử dụng nguyên liệu, hóa chất, phụ gia để cơ quan môi trường nắm rõ và bố trí lịch theo dõi cũng như lấy mẫu phân tích.

Cũng theo chuyên gia này, chỉ cho phép Formosa xả thải theo một đường duy nhất ra biển. Trước khi ra biển, nước thải này phải chảy tràn qua một bể nuôi cá. Trong trường hợp cá chết nhà máy phải dừng ngay hoạt động xả thải. Cơ quan môi trường cần chọn loại cá chịu được hàm lượng chất độc thấp nhất, đánh dấu cá, bỏ vào một lồng riêng trong bể và nuôi. Có thể đặt camera online theo dõi trực tiếp hoạt động sống của cá. Ngoài ra, định kỳ, lấy mẫu cá phân tích xem có bị nhiễm độc hay không. Với công cụ giám sát như vậy mới có thể yên tâm cho phép Formosa xả thải ra môi trường.

Theo Nguyễn Hoài

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên