Sự cố tuyến Metro số 1: Yêu cầu rà soát toàn bộ nhân sự tư vấn NJPT
Đơn vị tư vấn tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) là liên danh NJPT vừa được chủ đầu tư yêu cầu rà soát, thống kê danh sách nhân sự, kể cả những người đã nghỉ việc liên quan sự cố rơi gối cao su tại dầm cầu cạn hồi tháng 10-2020.
- 12-11-2020Yêu cầu cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan sự cố tại tuyến Metro số 1
- 11-11-2020Metro số 1 có nguy cơ mất an toàn vì gặp sự cố lệch đầu dầm gây hư hỏng đoạn đường ray
- 13-10-2020Có gì bên trong đoàn tàu metro số 1 của TPHCM?
Thời điểm rà soát là từ khi gói thầu được phê duyệt bản vẽ thi công, phê duyệt vật liệu thép, nhân sự nghiệm thu vật liệu, giám sát thi công hiện trường đến thời điểm hiện nay, để thu hồi tất cả chi phí mà Ban Quản lý đường sắt đô thị - chủ đầu tư (MAUR) đã chi trả cho những nhân sự nêu trên. Việc rà soát, thống kê được MAUR yêu cầu phải thực hiện trước ngày 29-1.
Yêu cầu này được MAUR đưa ra sau khi tổ công tác tiến hành kiểm tra vật liệu thép sử dụng cho tất cả gối cầu thuộc gói thầu CP2 (đoạn trên cao và depot) của dự án Metro số 1 bị cho là không đúng quy định theo hợp đồng đã ký.
Các kỹ sư kiểm tra vị trí gối cao su bị rơi trên tuyến metro số 1
Cụ thể, quá trình kiểm tra cho thấy có sự khác biệt giữa trọng lượng của các gối cao su. Theo hồ sơ nhà thầu đệ trình cho chủ đầu tư, trọng lượng các gối cao su là 126,1kg nhưng trên thực tế lắp tại công trình, một số gối cao su kiểm tra ngẫu nhiên thì trọng lượng là 117kg, chênh lệch 9,1kg. Sự chênh lệch này khiến chủ đầu tư đặt nghi vấn về chất lượng thực tế của tất cả các gối cao su được lắp tại công trình và yêu cầu tổng thầu phải rà soát chất lượng tất cả các gối cao su.
Tư vấn NJPT với vai trò đại diện chủ đầu tư trong sự cố này bị cho rằng "chưa làm tròn trách nhiệm" khi duyệt vật liệu sai quy định hợp đồng, tắc trách trong quá trình giám sát thi công và nghiệm thu vật liệu gối cầu.
Trước đó, Tổng thầu gói CP2 là liên danh SCC (Sumitomo – Cienco 6) bị cho là dùng vật liệu thép cho gối cầu trên tuyến khác tiêu chuẩn so với hợp đồng ký kết, dù tổng thầu giải thích với Hội đồng khoa học rằng khối lượng gối cao su trong bản vẽ chỉ là danh định, tức khối lượng thực tế có thể thấp hơn yêu cầu trên thiết kế được duyệt vì có sai số trong quá trình sản xuất, chế tạo. Tuy nhiên, MAUR không đồng thuận giải thích của tổng thầu.
Vị trí gối cao su rơi tại dầm cầu cạn VD14
Như đã thông tin, ngày 30-10-2020, qua kiểm tra hiện trường, chủ đầu tư đã phát hiện một gối cao su sử dụng cho dầm cầu cạn tại vị trí trụ thuộc phân đoạn cầu cạn VD14 bị mất ổn định, rơi khỏi đá kê gối (dầm cầu này đã thi công vào năm 2016).
Sự cố này làm hư hỏng thanh ray đã lắp đặt bên trên, đồng thời các thanh ray bị nhổ khỏi các bulông liên kết với hệ đỡ bên dưới và gây hư hỏng, nứt vỡ bê tông đệm ray tại vị trí VD14. Lập tức, chủ đầu tư đã yêu cầu tổng thầu phải tìm rõ và đánh giá nguyên nhân vụ việc, tổng kiểm tra các gối cao su tương tự.
Người lao động