Sự đoàn kết của EU về trừng phạt Nga đang "sụp đổ"?
Bộ trưởng Kinh tế Đức đưa ra cảnh báo về “sự đoàn kết” của EU khi liên minh đang tìm cách thống nhất về lệnh cấm vận dầu mỏ Nga.
- 30-05-2022Tại sao Hollywood lại là "đội quân giỏi nhất" của Lầu Năm Góc?
- 29-05-2022Ấn Độ: Hoạt động thanh toán kỹ thuật số bùng nổ, người ăn xin nhận được nhiều tiền gấp đôi khi dùng mã QR
- 29-05-2022Mong muốn lạm phát của Nhật Bản cuối cùng được đáp ứng, nhưng đây không phải tin tốt
Ngày 29/5, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết, sự đoàn kết mà EU thể hiện sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine đang bắt đầu “sụp đổ”. Lời cảnh báo này được đưa ra trước hội nghị thượng đỉnh EU để thảo luận về một gói trừng phạt mới đối với Nga và một lệnh cấm vận dầu mỏ.
“Sau khi Nga tấn công Ukraine, chúng tôi đã thấy điều gì có thể xảy ra khi châu Âu thống nhất. Hy vọng EU sẽ tiếp tục giữ được sự đoàn kết trong hội nghị thượng đỉnh ngày 30/5. Nhưng dường như sự đoàn kết đã bắt đầu vỡ vụn”, ông Habeck nói trong một cuộc họp báo.
EU đang tìm kiếm sự đồng thuận về việc áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Nga, khi nhiều nước thành viên lo ngại rằng động thái này sẽ gây nguy hiểm cho nền kinh tế của họ.
Hungary, quốc gia nhập khẩu phần lớn dầu từ Nga, là quốc gia phản đối mạnh mẽ lệnh cấm vận. Nước này đánh giá các lệnh cấm vận dầu mỏ Nga sẽ giống như “dội quả bom nguyên tử xuống nền kinh tế Hungary”. Những quốc gia khác phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ Nga như Séc và Slovakia cũng có những lo ngại tương tự.
Sự phản đối của Hungary đã khiến triển vọng đạt được một thỏa thuận về gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga tại cuộc họp thượng đỉnh dự kiến diễn ra vào ngày 30-31/5 trở nên khó khăn hơn.
Tuần trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đưa ra lời giải thích tại sao EU vẫn tiếp tục mua dầu của Nga.
“Nếu chúng tôi cắt đứt hoàn toàn dầu Nga ngay lập tức, Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể đưa loại dầu ông ấy không bán cho EU ra thị trường thế giới và bán với giá cao hơn. Số tiền đó sẽ tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine”, người đứng đầu EC nói trong một cuộc phỏng vấn với MSNBC.
Các nhà ngoại giao EU đã cố gắng đưa ra một giải pháp thỏa hiệp trong việc đưa ra lệnh trừng phạt, bắt đầu bằng lệnh cấm vận bằng việc cấm vận chuyển dầu của Nga bằng đường biển trong khi vẫn cho phép vận chuyển bằng các đường ống dẫn dầu. Tuy nhiên, nỗ lực này dường như đã thất bại khi các nước EU có thể đồng ý về các hạn chế trong hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra vào ngày 30-31/5.
EU đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt Nga sau khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự quy mô lớn ở Ukraine hồi cuối tháng 2.
Tới nay, EU đã áp 5 gói trừng phạt lên Nga và đang làm việc để thông qua gói trừng phạt thứ 6 bao gồm nội dung chi tiết về lệnh cấm vận nhiên liệu Nga, đặc biệt là dầu mỏ. Theo bà Von der Leyen, “các lệnh trừng phạt đang gây ra tác động mạnh mẽ với nền kinh tế Nga”, song một lệnh cấm vận hoàn toàn sẽ gây ra tổn thất nghiêm trọng cho nền kinh tế châu Âu./.
VOV