Sử dụng hàng nghìn m2 “đất vàng” sát Hồ Tây, cổ phần của doanh nghiệp này vẫn “ế”
Phiên đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) ra công chúng của một doanh nghiệp nhà nước vừa diễn ra, kết quả là chỉ bán được 115.000 trong tổng số 525.000 cổ phần chào bán.
Đó là phiên đấu giá của Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam, sau đợt IPO doanh nghiệp này chỉ thu về gần 1,2 tỷ đồng.
Dự kiến sau cổ phần hóa, Nhà nước sẽ nắm giữ 20%, bán cho cán bộ nhân viên 4,5% và 65% bán cho Tổng Công ty Vận tải thủy (Vivaso) với giá chào bán thấp nhất: 10.200 đồng/cp.
Kết quả này khiến nhiều người bất ngờ, bởi lẽ Hãng phim truyện VN là đơn vị nhà nước đang quản lý và sử dụng tới 1,4ha đất, đặc biệt trong đó có gần 5.450m2 tại số 4 Thụy Khuê, thuộc quận Tây Hồ (Hà Nội), được cho là “đất kim cương” mà bất cứ nhà phát triển dự án BĐS nào cũng phải thèm muốn, giá trị thị trường được cho là lên tới cả ngàn tỷ đồng.
Ngoài ra, hãng phim này còn đang sử dụng khu đất hơn 900m2 tại ngõ 151 Hoàng Hoa Thám, Quận Ba Đình, Hà Nội làm khu chứa đạo cụ, đoàn xe; khu đất gần 6.400m2 tại Đông Anh làm nơi để vật liệu nổ, đạo cụ, trường quay phim và hơn 1,2 ngàn m2 tại Quận 1 làm chi nhánh tại TP.HCM.
Tuy nhiên, việc chào bán cổ phần ra công chúng lại không được giới đầu tư quan tâm, không thèm nhòm ngó tới.
Tìm hiểu sâu hơn, chúng tôi được biết toàn bộ đất đai mà hãng phim này đang quản lý và sử dụng trong vài chục năm qua không được tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Điều đó có nghĩa, giá trị cổ phần mà hãng phim chào bán không được tính vào giá trị của các lô đất.
Theo bản cáo bạch, Hãng phim truyện Việt Nam đang làm thủ tục để được tiếp tục sử dụng các khu đất này sau khi hết hạn thuê. Khu đất số 4 Thụy Khuê được hãng phim này sử dụng dưới hình thức thuê của nhà nước. Khu đất này vẫn thuộc thành phố Hà Nội và hãng phim chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như một số đơn vị khác.
Trong khi đó, nhiều năm qua, hãng phim này kinh doanh không hiệu quả, gặp rất nhiều khó khăn trong việc sản xuất phim. Hàng năm, hãng phim chỉ sản xuất khoảng 2 bộ phim mà chủ yếu là nhà nước đặt hàng.
Theo tài liệu công bố, tính đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp 30/09/2014, hàng phim này lỗ luỹ kế gần 40 tỷ đồng và nợ 5,7 tỷ đồng tiền thuê đất.
Việc cổ phần hóa ở hãng phim truyện Việt Nam không đạt kết quả như mong đợi, cổ phần bán ra bị “ế”, số tiền thu về từ bán đấu giá lại ít trong khi kinh doanh thua lỗ, bết bát nên nhiều chuyên gia tài chính lo ngại cho tương lai của hãng phim này. Cổ đông chiến lược của hãng phim sau cổ phần hóa lại là một đơn vị ngoài ngành là Vivaso, lại không có chuyên môn trong lĩnh vực kinh doanh phim.
Ngoài ra, một số chuyên gia tài chính còn lo ngại và tiềm ẩn của vấn đề thất thoát tài sản của nhà nước vẫn thường xảy ra ở nhiều DN nhà nước khi cổ phần hóa, nhiều đại gia sở hữu đất vàng với giá rẻ bất ngờ do không tính giá trị đất hoặc lợi thế thuê đất trong quá trình cổ phần hóa.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng đất thuê thì không thể định giá để đưa vào giá trị tài sản DN, nên khó có cơ sở khẳng định việc thất thoát tài sản nhà nước khi cổ phần hóa, nhưng tiềm ẩn nguy cơ là có. Hơn nữa, vì doanh nghiệp cổ phần hóa đang sử dụng đất là đất thuê nhà nước, nên “ông chủ” mới có muốn làm gì ở mảnh đất vàng thì cũng phải dựa trên phương án sử dụng đất được nhà nước phê duyệt.