MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sử dụng kem trộn trôi nổi trên mạng xã hội: Rước họa vào thân

17-09-2018 - 10:05 AM | Thị trường

Đủ các loại kem trộn với quảng cáo siêu trắng, sạch nám, sạch mụn trứng cá... được bày bán tràn lan trên mạng xã hội, cùng với những lời có cánh, chiêu trò quảng cáo, khuyến mãi đã khiến không ít người bị lừa phỉnh mua dùng do cả tin.

Tuy nhiên, những túi, hộp kem trộn này xuất xứ như thế nào, được sản xuất ra sao lại không phải ai cũng rõ, chỉ sau khi mua dùng nhiều đã người rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”. Hậu quả nhãn tiền đã rõ, nhưng vẫn chưa có một cơ quan quản lý nào tuýt còi những cơ sở sản xuất kem trộn gia công này.

Kem trộn trắng da thần tốc

Theo tìm hiểu của phóng viên, các loại kem trộn được sản xuất theo công thức tự biên tự diễn, đổ rất nhiều loại mỹ phẩm không rõ xuất xứ nguồn gốc vào với nhau, sau đó, dùng máy đánh trứng trộn đều lên đến khi sánh mịn. Trong quá trình làm kem trộn, có chủ cơ sở còn gia giảm thêm một số hóa chất đựng trong túi mà không có nhãn mác, không có chữ... Nhiều chủ cơ sở còn live stream cách thức sản xuất kem trộn lên mạng xã hội.

Hệ lụy nhãn tiền đã rõ khi thời gian gần đây, BV Da liễu Trung ương liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp bị biến chứng nặng: rậm lông, mụn mủ, chảy dịch trên mặt… sau khi dùng các loại kem trộn trị nám má, mụn trứng cá được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội.

Đơn cử như trường hợp của nam sinh H.V.P 16 tuổi (ở Hải Phòng) gặp phải tình trạng mụn trứng cá chi chít trên mặt khi đến tuổi dậy thì - đặc biệt nhiều ở vùng trán và cằm. Bệnh nhân lên mạng tìm hiểu và tin theo quảng cáo của một diễn viên nên đã điều trị mụn trứng cá bằng sản phẩm quảng cáo đó. Sau 2 tuần sử dụng, mặt mụn của nam sinh này gần như không còn, thế nhưng chỉ khi ngừng thuốc thì vùng da mặt lại xuất hiện mụn, càng bôi càng mọc nhiều mụn hơn. Đáng sợ là xuất hiện cả mụn mủ, khiến da mặt ngứa ngáy, khó chịu. Lúc này gia đình mới đưa cậu bé tới bệnh viện chữa trị.

Sử dụng kem trộn trôi nổi trên mạng xã hội: Rước họa vào thân - Ảnh 1.

Các loại kem trộn trôi nổi trên mạng xã hội, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo ThS.BS Hoàng Văn Tâm - Phó Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ điều trị Khoa Điều trị bệnh da nam giới (BV Da liễu Trung ương), bệnh nhân được chẩn đoán bị biến chứng do kem trộn có chứa corticoid. Tại thời điểm nhập viện, da mặt bệnh nhân bị nhiễm khuẩn với chi chít mụn mủ. Bệnh nhân cũng được chẩn đoán bị nghiện corticoid bôi.

“Đặc điểm của các loại kem trộn này là trắng sáng “thần tốc” và giảm mụn trứng cá nhanh chóng khiến người dùng rất thích thú. Tuy nhiên chỉ sau một thời gian dùng thuốc, người bệnh trở thành một “con ma di động” với các đợt bùng phát trứng cá dữ dội và tiếp tục phụ thuộc vào thuốc dẫn đến hội chứng “nghiện corticoid bôi” không khác gì nghiện thuốc phiện”- Bác sĩ Tâm nói.

Tương tự, trường hợp bệnh nhân nữ N.T.B, 20 tuổi, nhân viên tiếp tân ở một khách sạn. Do yêu cầu công việc thường xuyên tiếp xúc với khách nhưng trên mặt chị B. lại rất nhiều mụn trứng cá khiến chị có tâm lý ngại ngùng, kém tự tin.

Thay vì đi đến bác sĩ khám để trị mụn, chị B. đã tự ra hiệu thuốc mua thuốc về bôi và được nhân viên bán cho thuốc dibetalic. Sau một thời gian bôi thấy da láng mịn bất ngờ, chị B. ngừng bôi nhưng chỉ một thời gian ngắn, trên mặt chị B. bùng phát nhiều mụn trứng cá, tình trạng nặng nề hơn lúc đầu. Lúc này bệnh nhân mới đến BV Da liễu Trung ương khám.

Theo bác sĩ Tâm, loại thuốc bệnh nhân đang dùng có chứa corticoid không dùng để điều trị trứng cá mà ngược lại càng gây trứng cá trầm trọng hơn. Thuốc này chỉ có tác dụng trắng da, giảm mụn nhanh chóng nhưng dễ gây các biến chứng teo da, giãn mạch, rậm lông trên mặt… Nếu người bệnh cứ tiếp tục bôi sẽ khiến da bị bào mòn, mỏng tang như tờ giấy.

Kem trộn chứa chất cấm dùng trong mỹ phẩm

Theo các bác sĩ Tâm, trong quá trình thăm khám, các bác sĩ cũng gặp khá nhiều những trường hợp bị nám khắp mặt sau điều trị kem trộn có chất làm trắng hydroquinone và corticoid. Trong đó có những trường hợp sau khi bôi kem trộn có corticoid được một thời gian trên mặt xuất hiện lông dài và rậm, teo da, giãn mạch, mỏng da, rạn da…

“Nhiều người khi đến khám có mang theo sản phẩm là những hộp kem được quảng cáo có công dụng làm trắng da, chữa nám, trị mụn trứng cá... với thành phần trên nhãn là thảo dược. Song với kinh nghiệm điều trị của các bác sĩ và triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải trong suốt thời gian sử dụng thì chắc chắn sản phẩm có chứa chất làm trắng hydroquinone và corticoid.

Đây đều là nhưng chất cấm trong mỹ phẩm. Với corticoid không được sử dụng để điều trị mụn trứng cá và nếu bôi ngoài da phải được bác sĩ chỉ định và theo dõi để tránh những biến chứng nguy hiểm”- bác sĩ Tâm cảnh báo.

Nói về hội chứng nghiện corticoid bôi, ThS. Tâm phân tích đây là tình trạng da trở lên đỏ, sưng nề, xuất hiện mụn mủ… sau khi ngừng sử dụng thuốc. Tình trạng này xuất hiện theo chu kì, giảm khi sử dụng lại thuốc. Thông thường dùng corticoid bôi liên tục trong 2-4 tháng có thể gây ra tình trạng nghiện thuốc. Corticoid bôi càng mạnh thời gian để gây nghiện thuốc càng ngắn, giãn mạch mạnh gây đỏ da, phù nề, gây sẩn mụn mủ.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Tâm, có một thực tế là có đến 50% bệnh nhân nghiện corticoid bôi cho rằng mình không phải là nghiện corticoid, do đó không tuân thủ điều trị hoặc bỏ điều trị. Với người tuân thủ điều trị của bác sĩ thì sau 1 thời gian cơn nghiện sẽ thưa dần và giảm dần về cường độ và cuối cùng khỏi, ngược lại sẽ tái nghiện và bị nặng hơn. Để điều trị vấn đề này rất nan giải, vừa điều trị cơn nghiện cho bệnh nhân, vừa phải động viên tâm lý, ổn định tư tưởng cho họ vì có trường hợp rơi vào trầm cảm, thậm chí tự tử.

Bác sĩ da liễu này cũng khuyến cáo người dân khi có bệnh lý nám má, mụn trứng cá thì nên đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để thăm khám, không tự ý dùng thuốc gây biến chứng nặng nề, ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Theo Thùy Linh

Lao động

Trở lên trên