Sự dứt khoát xuyên suốt của tỷ phú Vượng: Từ đóng cửa Tập đoàn Tài chính Vincom, bán VinMart đến dừng điện thoại VinSmart
13 năm trước, Vingroup đóng cửa dự án tài chính để tập trung toàn lực cho bất động sản; ngay lúc này, mọi nguồn lực của tập đoàn có lẽ để hướng đến mục tiêu làm cho VinFast thành công.
Mùa hè năm 2008, nhân dịp sinh nhật Tập đoàn Vincom (tiền thân của Vingroup), Chủ tịch Phạm Nhật Vượng đã giới thiệu các vị trí lãnh đạo mới của Tập đoàn Tài chính Vincom (VFG). Đó là một chuyên gia người Ấn Độ được ông Vượng mời về. VFG có định hướng hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, công ty quản lý quỹ và công ty chứng khoán.
Nhưng đó cũng là giai đoạn diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ bắt đầu từ nước Mỹ, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Bối cảnh u ám này khiến cho ông Phạm Nhật Vượng quyết định dừng không tham gia mảng tài chính, cho dù đã chuẩn bị sẵn sàng đội ngũ nhân sự chủ chốt.
"Quyết định dừng mảng tài chính diễn ra thần tốc chỉ trong 1 tuần", theo chia sẻ của một cựu lãnh đạo công ty chứng khoán Vincom.
Kể từ thời điểm 2009 đến nay, Vingroup đã mở ra và đóng lại không biết bao nhiêu dự án: VinDS (hệ thống cửa hàng quần áo, giày dép trong trung tâm thương mại Vincom), Vinlink, VinExpress (lĩnh vực logistics), Emigo (công ty thời trang VinFashion), VinPro/Adayroi/VinMart (bán lẻ - thương mại), Vinpearl Air (hàng không)...
Có những dự án đã hoạt động trong nhiều năm, cũng có những dự án dừng lại khi đang còn thai nghén, nhưng cũng có những dự án đang là di sản để lại cho thị trường như chuỗi bán lẻ hiện đại VinMart bán cho Masan Group.
Đến thời điểm hiện tại, Vingroup vừa thông báo sẽ dừng tiếp việc nghiên cứu, sản xuất ti vi và điện thoại di động để tập trung nguồn lực phát triển các sản phẩm điện tử và các tính năng về "Infotainment" cho ô tô VinFast.
Bối cảnh sau 13 năm của Tập đoàn Vingroup đã khác, triển vọng kinh tế vĩ mô đầy lạc quan. Cho dù ảnh hưởng của COVID-19, nhưng Việt Nam nằm trong số các quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh và tăng trưởng kinh tế hồi phục mạnh mẽ. Yếu tố khách quan thuận lợi, vấn đề lúc này nằm ở nội tại của Tập đoàn Vingroup.
Nếu như năm 2008 Chủ tịch Phạm Nhật Vượng nói rằng "cốt lõi của chúng ta là bất động sản" thì lúc này điều đó không còn đúng nữa. Vingroup đang sở hữu VinFast, công ty mục tiêu trở thành một trong những hãng xe điện thông minh và tiện ích nhất thế giới.
Bước ngoặt diễn ra vào năm 2017, Vingroup cho khởi công dự án nhà máy sản xuất ô tô VinFast với tổng mức đầu tư 3,5 tỷ USD. Thời điểm đó, chưa nhiều người hình dung ra cách thức mà tập đoàn này sẽ triển khai với ngành công nghiệp ô tô đòi hỏi hàm lượng kỹ thuật cao vốn không phải thế mạnh sở trường.
Cuối năm 2018, Vingroup tuyên bố định hướng trở thành tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp trong vòng 10 năm, thành lập công ty VinTech, sản xuất điện thoại thông minh Vsmart tung ra thị trường.
Thành quả có được của Vingroup là hơn 17.400 tỷ đồng doanh thu sản xuất công nghiệp năm 2020, tăng trưởng gần gấp đôi so với năm trước đó. Điều này đến từ doanh số bán ô tô 31.500 chiếc, doanh số bán xe máy 45.400 chiếc, doanh số điện thoại gần 2 triệu chiếc.
VinSmart đã cho ra mắt 18 mẫu điện thoại kể từ thời điểm triển khai dự án, trong năm 2020 cho biết đạt top 3 thị phần tại Việt Nam.
Nhưng vấn đề nằm ở việc Vingroup mới chỉ lấp đầy một phần nhỏ công suất sản xuất công nghiệp, điều cũng dễ hiểu với một thương hiệu mới và tham gia vào thị trường cạnh tranh khốc liệt. Một điểm khác đến từ vốn đầu tư lớn ban đầu, khấu hao lớn, nguồn lực đi vay, chi mạnh tay cho bán hàng – quảng bá khiến các dự án đang thua lỗ.
Doanh thu theo lĩnh vực của Tập đoàn Vingroup
Nguồn lực của VinSmart lúc này được dồn cho VinFast nhằm phát triển các tính năng thông minh trên xe ô tô, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Mặt khác, đội ngũ nhân lực "chất xám" làm thêm nhiệm vụ nghiên cứu các giải pháp tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Tham vọng toàn cầu của VinFast vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ trong ngành ô tô, nhất là tại thị trường Mỹ, nơi mọi nhà sản xuất đều muốn hướng đến.
Nhưng mặt khác, việc sản xuất xe điện thân thiện với môi trường đang là xu hướng lớn được các nước phát triển ủng hộ. Đây cũng là lý do mà giá trị của các công ty xe điện đang được thị trường đánh giá rất cao, Tesla của Elon Musk đang là công ty ô tô vốn hóa lớn nhất thế giới (672 tỷ USD).
Câu hỏi được đặt ra lúc này là thế mạnh của VinFast sẽ là gì?
Kế hoạch phát triển VinFast theo các giai đoạn
Bloomberg hồi tháng 4 đưa tin về việc VinFast có kế hoạch IPO tại Mỹ với mức định giá khoảng 50 tỷ USD. Tập đoàn Vingroup cũng nhắc đến việc xem xét các lựa chọn để huy động vốn đầu tư cho VinFast, một trong số đó là SPAC (công ty mua lại có mục đích đặc biệt).
Cho dù huy động theo cách nào, VinFast cũng sẽ phải chứng minh được năng lực sản xuất – bán hàng của mình. Nếu thành công nó sẽ là cú hích quan trọng trong giai đoạn chuyển đổi chiến lược. Và mọi nguồn lực có thể của Vingroup vào lúc này có lẽ để hướng đến mục tiêu làm cho VinFast thành công.
Khối tài sản của Vingroup hiện ở mức 420.000 tỷ đồng, trong đó 1/4 dành cho sản xuất công nghiệp, 30% cho bất động sản, 14% cho khách sạn – giải trí, 13% mảng cho thuê, 5% giáo dục – chăm sóc sức khỏe và 13% tài sản khác.
Cơ cấu này cho thấy tỷ trọng đang giảm dần của mảng bất động sản so với Vingroup của quá khứ và sự vươn lên của mảng công nghiệp. Một trong những chiến lược các tập đoàn lớn trên thế giới lựa chọn để giảm thiểu rủi ro là đa dạng hóa, nhưng trong lúc này, sự tinh giản và tập trung với Vingroup được xem là đúng đắn và cần thiết hơn. Có thể sẽ không ai bất ngờ nếu trong tương lai Vingroup có thể đóng cửa hoặc bán đi thêm một mảng kinh doanh truyền thống.
Dù sao với Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng thì: "Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp". Việc khởi nghiệp với ngành công nghiệp ô tô đã được xem là sự táo bạo mà hiếm ai có thể làm được.
Nhịp sống kinh tế