MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sự khác biệt giữa ngân hàng nội - ngoại và liên doanh

15-04-2017 - 21:16 PM | Tài chính - ngân hàng

Trong khi các ngân hàng nội đua nhau tăng trưởng tín dụng thì các ngân hàng ngoại lại không mặn mà cho vay và họ kiểm soát rất chặt nợ xấu.

Sau quá trình tái cấu trúc hiện nay hệ thống ngân hàng Việt đã được thanh lọc, giảm số lượng còn 31 ngân hàng thương mại cổ phần, 4 ngân hàng 100% vốn do Nhà nước làm chủ sở hữu, 2 ngân hàng chính sách (NH chính sách và NH phát triển Việt Nam).

Điều đáng nói là thời gian qua, khi các ngân hàng nội phải đối mặt với áp lực tái cơ cấu, giảm số lượng ngân hàng thì các ngân hàng ngoại lại gia tăng sự hiện diện.

Tính đến nay, Việt Nam có 7 ngân hàng 100% vốn nước ngoài được thành lập bao gồm ANZ Việt Nam, Hong Leong Việt Nam, HSBC Việt Nam, Shinhan Việt Nam, Standard Chartered Việt Nam; Public Bank Berhad và mới đây NHNN đã chấp thuận về nguyên tắc việc ngân hàng Woori thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.

Ngoài 7 gương mặt "ngoại" kể trên, còn 2 ngân hàng liên doanh là Indovina Bank và Ngân hàng Việt Nga cùng hơn 50 chi nhánh, văn phòng đại diện ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia trong ngành nhận định, khi có sự thâm nhập của ngân hàng nước ngoài nhiều hơn sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh, tăng cường hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng thương mại Việt Nam cũng như chất lượng dịch vụ.

Phong cách ngân hàng ngoại: Thận trọng cho vay, đẩy mạnh dịch vụ bán lẻ

Do có mạng lưới hoạt động rộng rãi cùng nhiều kinh nghiệm hoạt động trên thị trường quốc tế, các ngân hàng ngoại khi đổ bộ vào Việt Nam nhanh chóng mở rộng sang mảng dịch vụ tiêu dùng, bán lẻ.

Với quy mô hơn 90 triệu dân, thu nhập trung bình thấp thì hoạt động ngân hàng bán lẻ được đánh giá là mảnh đất màu mỡ đối với ngân hàng ngoại.

Trong khi các ngân hàng nội đua nhau tăng trưởng tín dụng, thì các ngân hàng ngoại lại không mặn mà cho vay, thậm chí ANZ lại thu hẹp hoạt động tín dụng của mình.

Tại thời điểm cuối năm 2016, cho vay khách hàng đạt 14,1 nghìn tỷ đồng, giảm 13,4%. Tiền gửi của khách hàng đạt 32,6 nghìn tỷ đồng, giảm 8%. Quy mô tổng tài sản của ngân hàng đạt 39 nghìn tỷ, giảm hơn 15% so với thời điểm đầu năm.

Chính vì không chạy theo xu thế tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ như các ngân hàng Việt đã khiến thu nhập lãi thuần của ANZ bị sụt giảm, chỉ còn 1.230 tỷ đồng, giảm 8% so với năm 2015. Nhưng bù lại, họ có lợi thế về hoạt động dịch vụ, các hoạt động kinh doanh khác mang lại lãi thuần khá tốt trong khi đó lại cắt gọt chi phí hoạt động để gia tăng lợi nhuận.

Điểm khác biệt thứ hai, các ngân hàng ngoại kiểm soát chất lượng nợ khá tốt. Tổng số nợ xấu của ngân hàng ANZ tính đến thời điểm cuối năm 2016 là 156 tỷ đồng, chiếm 1,09% trên tổng dư nợ cho vay, giảm so với thời điểm đầu năm là 1,15%.

Tương tự, nợ xấu của HSBC Việt Nam cũng được kiểm soát ở mức khá tốt. Tổng số nợ xấu cuối năm 2016 là 428 tỷ đồng, chiếm 0,84%, giảm so với tỷ lệ năm trước là 1,06%.

Ngân hàng liên doanh "na ná" chiến lược kinh doanh ngân hàng nội

Lấy 1 ví dụ là Indovina Bank. Tính đến cuối năm 2016, tổng tài sản của Indovina Bank đạt 1,7 tỷ USD, tương đương 37,9 nghìn tỷ đồng, tăng gần 40% so với thời điểm đầu năm.

Tương tự như các ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam, Indovina đẩy mạnh cho vay và thu nhập lãi thuần đóng góp vị trí quan trọng trong cơ cấu doanh thu.

Cụ thể, cho vay khách hàng của Indovina Bank đạt 18,7 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 30%. Tiền gửi của khách hàng đạt 22,1 nghìn tỷ đồng, tăng 16%. Trong năm 2016, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 958 tỷ đồng, tăng 31,5% so với năm trước.

Đẩy mạnh cho vay và nợ xấu tại Indovina Bank cũng ở mức khá cao tương đương với tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của các ngân hàng Việt. Tổng số nợ xấu của ngân hàng đến thời điểm cuối năm 2016 đạt 415 tỷ đồng, chiếm 2,21%, đã giảm so với tỷ lệ nợ xấu gần 4% tại thời điểm đầu năm.

Ngân hàng nội và liên doanh thu nhập chỉ bằng 1/4 ngân hàng ngoại

Phía ngân hàng Ngân hàng TNHH MTV ANZ Việt Nam cho biết, tổng số nhân viên bình quân năm 2016 là 568 người, thu nhập bình quân khoảng 70 triệu đồng/tháng (trong đó lương là 67 triệu đồng/tháng), tăng 1 triệu đồng so với năm 2015. Đây là mức lương "chưa từng thấy" tại các ngân hàng thương mại khác. So với các ngân hàng lớn tại Việt Nam như Vietcombank, VietinBank hay BIDV, con số trên đã gấp 3-4 lần thu nhập. Còn so với các ngân hàng nhỏ thì mức thu nhập này gấp 5-6 lần.

Trong khi đó, nếu so với thu nhập của nhân viên ngân hàng liên doanh Indovina Bank thì mức lương của ANZ cũng gấp 4 lần.

Tính đến cuối năm 2016, tổng số nhân viên của Indovina Bank là 731 người, giảm 45 người so với năm trước. Tiền lương bình quân của mỗi nhân viên ngân hàng trong năm qua là 167 triệu đồng, tương đương 13,9 triệu đồng/tháng. Thu nhập bình quân là 213 triệu đồng/người/năm, tương đương 17,75 triệu đồng/tháng, giảm 400 nghìn đồng/tháng so với năm trước.

Xét về năng suất lao động, HSBC Việt Nam đã cho thấy nhân viên của họ làm việc hiệu quả nhất trong hệ thống. Lợi nhuận sau thuế năm 2016 của ngân hàng tăng 54% so với kết quả năm trước, đạt 1.440 tỷ đồng. Tổng số nhân viên của HSBC Việt Nam khoảng 1.300 nhân viên. Như vậy, bình quân một nhân viên HSBC tạo ra 1,1 tỷ đồng.

Trước đó, ANZ Việt Nam cho biết lợi nhuận sau thuế đạt 452 tỷ đồng, tăng 51% so với năm ngoái. Đây là ngân hàng có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, với quy mô nhân sự 568 nhân viên, tính ra bình quân mỗi nhân viên ANZ làm ra 795 triệu đồng cho ngân hàng này trong năm 2016.

Trong khi đó, so với một số ngân hàng lớn của Việt Nam như Vietcombank, trong năm 2016 năng suất lao động của mỗi nhân viên cả năm là hơn 430 triệu đồng; nhân viên VietinBank là gần 300 triệu đồng; nhân viên Techcombank là 404 triệu đồng hay nhân viên của ACB có năng suất lao động cả năm là 135 triệu đồng,.. thì rõ ràng nhân viên các ngân hàng ngoại đang vượt trội hơn hẳn về năng suất lao động.

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên