MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sự kiện chấn động phố Wall: 1 quỹ đầu tư cháy tài khoản, hàng loạt ngân hàng lừng danh bị liên lụy, tạo ra cơn bán tháo lớn nhất trong lịch sử

29-03-2021 - 16:38 PM | Tài chính quốc tế

Sự kiện chấn động phố Wall: 1 quỹ đầu tư cháy tài khoản, hàng loạt ngân hàng lừng danh bị liên lụy, tạo ra cơn bán tháo lớn nhất trong lịch sử

Quỹ đầu tư Archegos đã sử dụng đòn bẩy quá lớn, mua vào hơn 10% lượng cổ phiếu tại nhiều công ty và ngã quỵ khi các cổ phiếu lao dốc.

Trong 1 năm đầy kịch tính, trên phố Wall lại xuất hiện 1 bí ẩn mới: ai là người đã bền bỉ mua vào và khiến cổ phiếu của ViacomCBS, Discovery cùng một loạt công ty khác liên tiếp tăng điểm bất chấp thị trường đi xuống?

Tờ Wall Street Journal dẫn nguồn tin thân cận cho biết đó chính là Bill Hwang, người từng là quản lý của Tiger Asia. Tuy nhiên điều đó đã kết thúc. Cuối tuần trước, một loạt ông lớn gồm Morgan Stanley, Goldman Sachs và Deutsche Bank đã nhanh chóng bán tháo cổ phiếu của những công ty nói trên nhằm thoát ra khỏi các vị thế tại quỹ đầu tư Archegos Capital Management của Hwang.

Đợt bán tháo lớn chưa từng có trong lịch sử

Tổng cộng số cổ phiếu bị bán ra có giá trị lên tới 30 tỷ USD. Đó cũng là nguyên nhân khiến cổ phiếu ViacomCBS lao dốc 27% trong phiên cuối tuần trước (26/3) cho dù đây là 1 cổ phiếu được ưa chuộng, có giá trị vốn hóa lớn và ngày hôm đó không có tin tức đặc biệt nào về doanh nghiệp. Cổ phiếu hạng A của Discovery cũng giảm 27%, mạnh nhất kể từ tháng 9/2008. Cổ phiếu của IQIYI, 1 công ty giải trí của Trung Quốc niêm yết cổ phiếu tại Mỹ, giảm 13%.

Hàng tỷ USD giá trị vốn hóa của các công ty khác cũng bị thổi bay, khiến nhiều người ngạc nhiên cho rằng đây là vụ bán tháo lớn chưa từng có trong lịch sử cả về tốc độ và quy mô.

Làn sóng bán tháo đã khiến Archegos, quỹ đang quản lý khoảng 10 tỷ USD tài sản cá nhân của Hwang và gia đình ông, đứng trước áp lực rất lớn. Vốn là người rất ít xuất hiện trước truyền thông, lần gần nhất Hwang gây chú ý là vào năm 2012. Khi đó quỹ Tiger Asia do ông lập ra bị buộc tội lừa đảo và chấp nhận trả 44 triệu USD để giàn xếp những cáo buộc từ các nhà chức trách Mỹ. Hwang bị buộc tội giao dịch nội gián cổ phiếu của một số ngân hàng Trung Quốc.

Theo những nguồn tin thân cận với Archegos, quỹ đã sử dụng đòn bẩy rất lớn khi mua bán các cổ phiếu kể trên. Trong một số trường hợp Archegos đã sử dụng hợp đồng hoán đổi (swap), loại giao dịch mà trong đó các ngân hàng phố Wall sẽ đứng giữa làm trung gian môi giới kết nối người mua với người bán, cho phép khách hàng thu lời (hoặc lỗ) trên 1 danh mục cổ phiếu, đổi lại ngân hàng sẽ thu phí.

Vì sử dụng swap, Hwang đã giữ kín được danh tính bất chấp Archegos được cho là có liên quan đến hơn 10% lượng cổ phiếu tại nhiều công ty. Theo luật thì các nhà đầu tư nắm giữ hơn 10% cổ phiếu của 1 công ty sẽ là nội gián và phải tuân theo những quy định khắt khe hơn về công bố thông tin cũng như lợi nhuận.

Vụ việc cũng làm nóng lên cuộc tranh luận về việc liệu có phải các hợp đồng hoán đổi là 1 mối nguy khiến thị trường trở nên mong manh dễ vỡ hơn hay không.

Vì sao nên nỗi?

Nhìn qua thì vụ này gợi nhớ đến "drama" hồi cuối tháng 1, khi đà tăng chóng mặt của cổ phiếu GameStop và một số cổ phiếu meme khác khiến các quỹ đầu cơ cháy túi vì đã bán khống chúng. Tuy nhiên, lần này Hwang đã thất bại vì liên tiếp tăng tỷ lệ đòn bẩy khi thị trường tăng điểm, để rồi cuối cùng chiến lược đó đã vụn vỡ khi một số cổ phiếu lao dốc.

Chiến lược của Hwang bắt đầu chệch choạc từ vài tuần trước, khi một số cổ phiếu mà Archegos nắm giữ khối lượng lớn như Baidu và Farfetch bắt đầu bị bán tháo. Cổ phiếu của Baidu đã tăng mạnh trong tháng 2 nhưng đến giữa tháng 3 thì đã giảm hơn 20% so với đỉnh. Diễn biến của Farfetch cũng tương tự, giảm hơn 15% trong cùng kỳ.

Kể từ đầu năm 2021 cho đến ngày 22/3, cổ phiếu ViacomCBS đã tăng 160%, được củng cố bởi sự kiện ra mắt dịch vụ streaming mới mang tên Paramount+. Gần đây Discovery cũng ra mắt dịch vụ streaming và được giới phân tích cho là sẽ củng cố vững chắc cho giá cổ phiếu.

Tuy nhiên, ViacomCBS vẫn tăng mạnh bất chấp toàn thị trường đỏ lửa trong tuần lễ bắt đầu từ ngày 15/3. Điều này khiến một số trader đồn đoán có 1 nhà đầu tư cố gắng thổi giá cổ phiếu này và đang cố gắng khiến giới bán khống rơi vào cảnh "short squeeze" – tình trạng mà bên bán khống sẽ buộc phải mua lại cổ phiếu để khép lại vị thế nhưng lại khiến giá tiếp tục tăng và thua lỗ nặng hơn.

Tương tự, sự vững chắc của cổ phiếu GSX trước những đợt tấn công dữ dội của giới bán khống và cả cuộc điều tra của Ủy ban chứng khoán Mỹ cũng khiến những quỹ đầu cơ phải bối rối. Hôm 26/3, Goldman và Morgan Stanley đã bán tổng cộng gần 33 triệu cổ phiếu GSX.

Các ngân hàng phố Wall tháo chạy

Một loạt ngân hàng gồm Goldman, Morgan Stanley, Deutsche, Credit Suisse và UBS đã đóng vai trò môi giới cho Archegos, tức họ xử lý các giao dịch, cho Archegos vay tiền và cả cổ phiếu.

Cuối tuần trước, Goldman và Morgan Stanley đã làm việc với Archegos nhằm bán một số cổ phiếu để Archegos có thể tăng lượng tài sản ký quỹ. Quá trình đó tạo ra làn sóng bán tháo một loạt cổ phiếu gồm Tencent Music Entertainment, Baidu và IQUIYI. Tuy nhiên cũng không thể giúp Archegos có đủ tài sản ký quỹ.

Đến sáng thứ 6, nhiều ngân hàng đã quyết định tịch biên số cổ phiếu mà Archegos ký quỹ và bán chúng để cắt lỗ. Một số lo lắng đến nỗi thay vì bán ra từ từ và có tổ chức, họ chọn cách bán càng nhanh càng tốt.

Goldman Sachs bán 100 triệu cổ phiếu Tencent Music với giá 1,8 tỷ USD. Morgan Stanley nối gót bán 36 triệu cổ, thu về khoảng 600 triệu USD.

Hwang là một trong những thành viên của 1 nhóm bí mật gồm các chuyên gia phân tích được đào tạo bởi Julian Robertson, nhân vật tiên phong trong ngành quỹ đàu cơ. Năm 2001, Hwang lập ra Tiger Asia với sự hỗ trợ của Robertson. Có trụ sở tại New York, đây từng là một trong những quỹ đầu cơ lớn nhất tập trung vào thị trường châu Á, ở thời kỳ đỉnh cao quản lý hơn 5 tỷ USD. Tuy nhiên năm 2008 nó trở thành một trong những quỹ thua lỗ nặng do cổ phiếu nhà sản xuất ô tô Đức Volkswagen tăng giá mạnh.

Sau đó Hwang biến Tiger Asia thành công ty quản lý tài sản gia đình và đổi tên thành Archegos. Trên website, Archegos tự miêu tả là 1 quỹ tập trung vào các cổ phiếu niêm yết trên thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc và châu Âu.

Tham khảo Wall Street Journal

Thu Hương

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên