Sự kiện đặc biệt quan trọng của Trung Quốc: Vén màn kế hoạch "để đời" của ông Tập Cận Bình
Các hội nghị thường niên của Quốc hội và Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc vào tháng 3 mang ý nghĩa đặc biệt, khi năm 2021 đánh dấu 100 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc.
- 22-02-2021Chạy ăn cho 1,4 tỷ người, các gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc gia nhập cuộc chiến chống khủng hoảng lương thực rình rập
- 21-02-2021Tại sao Didi của Trung Quốc thành công rực rỡ, trong khi Uber thì vật lộn từng ngày?
- 20-02-2021Đế chế trăm tỷ USD Ant Group bị 'chấn chỉnh', Trung Quốc bùng lên rủi ro vỡ nợ tiêu dùng
Lý do Lưỡng hội năm 2021 đặc biệt quan trọng
Giới tinh hoa Trung Quốc sẽ tập trung về thủ đô Bắc Kinh trong tháng tới để tham dự sự kiện chính trị thường niên lớn nhất của nước này: Lưỡng hội, bao gồm kỳ họp của Quốc hội Trung Quốc và kỳ họp của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân toàn quốc (Chính hiệp).
Lưỡng hội 2021 diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đối mặt với những thách thức đáng kể như tác động của dịch Covid-19 chưa thể dập tắt, cũng như tình thế cạnh tranh Mỹ-Trung tiếp tục diễn ra.
Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), ban lãnh đạo Trung Quốc sẽ thông qua sự kiện Lưỡng hội năm nay để phát đi thông điệp về sự mạnh mẽ và thành công của đất nước, trước thềm kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCSTQ.
Lưỡng hội là sự kiện được mô tả là định hình nghị trình chính trị hàng năm của Trung Quốc. Hai kỳ họp năm nay đồng thời là khởi đầu cho Kế hoạch 5 năm lần thứ 14, với cơ hội để các nhà quyết sách vạch ra những lộ trình dài hạn nhằm định hình di sản của Chủ tịch Tập Cận Bình cùng tương lai của đảng.
Việc Trung Quốc thành công kiểm soát Covid-19 lây lan trong nước và đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo sẽ giúp xây dựng thông điệp chính trị của Lưỡng hội, đặc biệt trong tình huống đối lập với sự chật vật ở nhiều nước phương Tây trong nỗ lực kiềm chế virus SARS-Cov-2, bên cạnh những sự kiện gây rúng động như vụ người biểu tình tấn công vào nhà Quốc hội Mỹ hồi tháng trước. Dù vậy, Trung Quốc vẫn cần khắc phục những vấn đề cả trong và ngoài nước.
SCMP chỉ ra, sự hiện diện của các quan chức cấp cao bị Mỹ tuyên bố cấm vận với những cáo buộc liên quan đến vấn đề Hồng Kông và Tân Cương sẽ cho thấy chính sách trong nước của Bắc Kinh tạo ra những "cảnh báo" ở quốc tế như thế nào.
Những cáo buộc từ Mỹ và phương Tây về sự thiếu sót và không minh bạch của Trung Quốc trong giai đoạn đầu của dịch Covid-19, cùng những vấn đề như Đài Loan, tình hình biển Đông, tranh chấp biên giới với Ấn Độ, đang làm tổn hại hình ảnh quốc tế của Bắc Kinh, và tiềm ẩn đe dọa đối với những dự định kinh tế trong nước.
Trong khi Bắc Kinh kỳ vọng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể mở đường cho quan hệ song phương hòa dịu hơn, thì Washington đang ngày càng tỏ ra lo ngại về thách thức từ Trung Quốc và có thể duy trì sức ép không giảm so với nhiệm kỳ Donald Trump.
Năm 2021 cũng mang ý nghĩa chính trị to lớn với ông Tập Cận Bình khi ông đã hứa hẹn "những cột mốc to lớn" để kỷ niệm ĐCSTQ tròn 100 năm tuổi vào tháng 7 tới.
Chủ tịch Trung Quốc từng phát đi tín hiệu tự tin vào đường hướng của đất nước. Ông Tập nói với các quan chức hồi tháng 1 rằng thế giới đang đối mặt với "thời đại biến động... nhưng thời gian và động lực đang đứng về phía chúng ta".
"Đây là nơi mà chúng ta thể hiện niềm tin và sự kiên cường, cũng như quyết tâm và sự tự tin," ông bổ sung.
Ông Tập Cận Bình cũng cảnh báo rằng Bắc Kinh đứng trước "những thách thức và cơ hội chưa từng thấy", và Bộ Chính trị Trung Quốc phải "tạo ra những điều kiện xã hội thuận lợi" cho dịp kỷ niệm thành lập đảng.
Ban lãnh đạo Trung Quốc cho biết sẽ tăng cường hoạt động gìn giữ trật tự chính trị và xã hội trước thềm lễ kỷ niệm. Bộ trưởng Công an Triệu Khắc Chí yêu cầu các cấp dưới lưu ý đến tất cả thách thức nhằm vào nhà chức trách - bao gồm ở trên mạng Internet.
(Ảnh: AP)
Tầm nhìn 2035 - Tham vọng của ông Tập Cận Bình
Covid-19 vẫn là mối đe dọa đáng kể bất chấp Bắc Kinh đã tuyên bố thắng lợi đẩy lùi dịch bệnh, minh chứng là vụ bùng dịch ở tỉnh Hà Bắc giáp với thủ đô Bắc Kinh vào tháng 1. Vào năm ngoái, Lưỡng hội đã phải hoãn lại đến tháng 5 mới tổ chức do Trung Quốc áp đặt các biện pháp phong tỏa và giãn cách nghiêm ngặt để phòng chống dịch.
Trong vai trò là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới đạt được tăng trưởng dương năm 2020, ban lãnh đạo Trung Quốc sẽ nhắm đến khởi đầu cho giai đoạn phát triển mới, với dấu mốc là bắt đầu Kế hoạch 5 năm tiếp theo.
Theo SCMP, nếu xem chỉ tiêu tăng trưởng GDP của các tỉnh thành riêng lẻ là chỉ dấu đáng tin cậy, thì Trung Quốc có thể kỳ vọng vào sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong năm nay. Hai trong số đầu tàu kinh tế của Trung Quốc là Thượng Hải và tỉnh Quảng Đông đã duy trì mục tiêu tăng trưởng 6%, trong khi tỉnh Hồ Bắc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 đặt chỉ tiêu tăng trưởng 10%.
Cùng với Kế hoạch 5 năm, các nhà hoạch định Trung Quốc được kỳ vọng sẽ hé mở "Tầm nhìn 2035" - một bản phác thảo cho viễn cảnh 15 năm tiếp theo, được cho là có thể sánh với kế hoạch mở đầu thời kỳ cải cách mở cửa dưới thời Đặng Tiểu Bình vào bốn thập kỷ trước.
Hồi tháng 11/2020, ông Tập Cận Bình hé lộ tham vọng của mình trước các quan chức lãnh đạo đảng: "Trung Quốc hoàn toàn có khả năng trở thành một nước có thu nhập cao vào cuối Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (năm 2025), và tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế hay GDP bình quân đầu người vào năm 2035."
Những chính sách công bố tại Lưỡng hội sẽ được quan tâm chặt chẽ để nắm bắt dự định của Bắc Kinh trong hiện thực hóa tầm nhìn của ban lãnh đạo.
(Ảnh: Xinhua)
Trung Quốc với mục tiêu "thịnh vượng chung"
Theo SCMP, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng muốn tập trung nhiều hơn vào mục tiêu xây dựng "thịnh vượng chung" nhằm giảm bớt chênh lệch thu nhập trong xã hội, sau khi Trung Quốc thành công trong công cuộc xóa bỏ hoàn toàn tình trạng "đói nghèo tuyệt đối".
"Thịnh vượng chung không chỉ là một vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chính trị quan trọng có liên quan đến nền tảng quản trị của đảng," ông Tập nói hồi tháng 1.
Thịnh vượng chung từ lâu đã được coi là mục tiêu cuối cùng của Bắc Kinh, song những kế hoạch cụ thể nhằm tái phân phối của cải xã hội vẫn chưa được làm rõ. Lĩnh vực công nghệ cao nhiều khả năng đóng vai trò then chốt trong tương lai phát triển của đất nước, nhưng vẫn gặp rủi ro bởi nhiều nước - đặc biệt là Mỹ - có thể nhận thấy bị đe dọa khi Trung Quốc trở thành một nước tự lực về công nghệ.
Ở thời điểm hiện tại Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào nước ngoài trong một số công nghệ lõi, khiến họ có thể phải lựa chọn tạm thời hạ thấp tham vọng, sau khi những chiến lược quyết liệt trước đây bị Washington phản ứng mạnh.
"Trung Quốc đã học được một số bài học khó khăn, có nhiều bên đang rất nhạy cảm với những gì mà [Trung Quốc] nói ra," theo giáo sư Shi Yinhong - chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học nhân dân Trung Quốc, cố vấn Quốc vụ viện Trung Quốc.
Ông Shi nêu ra những kế hoạch trước đây, ví dụ như chiến lược Made in China 2025 và kế hoạch Một vạn tài năng đã trở thành tâm điểm thu hút sự đối đầu từ Mỹ.
Made in China 2025 là chiến lược thúc đẩy sản xuất công nghệ cao, từ công nghệ 5G, tình báo nhân tạo đến phương tiện bằng điện. Kế hoạch được phát động với nhiều lạc quan vào năm 2015, nhưng đã đột ngột "bốc hơi" khỏi chính sách của Bắc Kinh vào cuối năm 2018 sau khi chính quyền Trump tỏ ra quan ngại rõ rệt về các doanh nghiệp nước ngoài bị Trung Quốc ép chuyển giao công nghệ.
"Khó khăn chủ yếu hiện nay là Trung Quốc cần phải tiếp cận được công nghệ, nhưng đầu tư giữa Trung Quốc và các nước phát triển đã sụt giảm đáng kể," ông Shi nói. "Học được bài học này, Trung Quốc có thể sẽ tỏ ra mơ hồ hơn về các kế hoạch của mình, nhưng vẫn kiên quyết trong thực thi chúng."
(Ảnh: Reuters)
Gu Su, nhà khoa học chính trị tại Đại học Nam Kinh, không cho rằng các nhân tố kể trên có thể tạo ra thay đổi lớn trong Kế hoạch 5 năm, nhưng bổ sung rằng "có kỳ vọng vào quan hệ thân thiện hơn với ông [Joe] Biden".
Trong cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Biden, ông Tập gửi tín hiệu mạnh mẽ về mong muốn của Bắc Kinh trong tái khởi động quan hệ hai nước sau nhiệm kỳ Trump, "nhấn mạnh rằng hợp tác là lựa chọn đúng đắn duy nhất với cả hai phía".
Chính quyền Biden có thể tiếp cận một cách khác biệt với Trung Quốc, nhưng đến nay vẫn thể hiện rất ít dấu hiệu hạ nhiệt sức ép lên Bắc Kinh. Sau cuộc gọi với ông Tập, ông Biden nói trên Twitter rằng ông đã nêu "quan ngại về các hành vi kinh tế, xâm phạm quyền con người và cưỡng ép Đài Loan của Bắc Kinh".
Chính quyền mới ở Mỹ nói muốn tiếp tục hợp tác với các đồng minh truyền thống để xây dựng một "mặt trận chung" đối phó Trung Quốc, và khu vực châu Á-Thái Bình Dương là một ưu tiên, với kế hoạch xây dựng nhóm Bộ tứ (Quad) với Ấn Độ, Nhật Bản, Australia là cột trụ chiến lược.
Doanh nghiệp & Tiếp thị