Sự “kiêu ngạo” của Huawei: Coi khách hàng là trung tâm, thà đóng cửa thay vì làm những việc không nên làm
“Tôi mãi yêu quê hương, đất nước và luôn luôn ủng hộ Đảng Cộng sản Trung Quốc nhưng tôi thà đóng cửa chứ không bao giờ làm bất cứ điều gì gây tổn hại cho bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới”.
Ông Nhậm Chính Phi đã tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn bàn tròn với truyền thông quốc tế chỉ vài tháng sau khi con gái Mạnh Vãn Châu bị tạm giữ ở Canada theo yêu cầu của phía Mỹ.
Nhìn vào Huawei hiện tại, ít ai có thể ngờ Tập đoàn Viễn thông và Thiết bị mạng hàng đầu thế giới từng chỉ là một công ty tư nhân nhỏ bé, với nguồn vốn điều lệ ban đầu vỏn vẹn 21.000 nhân dân tệ (khoảng 3.300 USD) và được dẫn dắt bởi một người bị coi là hết thời, giữa bối cảnh lịch sử đầy rẫy khó khăn.
Thế nhưng, doanh nghiệp yếu thế của Nhậm Chính Phi vẫn hiên ngang chung hàng với 3 ông lớn cùng thời trong lĩnh vực, tạo nên "Tứ trụ viễn thông" dù không hề được Chính phủ Trung Quốc nâng đỡ, liên tiếp từ chối các nhà đầu tư bên ngoài để giữ quyền chủ động. Đó cũng là lý do nhiều người cho rằng Huawei "kiêu ngạo", nhờ may mắn mà có thành công.
Khước từ hỗ trợ từ chính phủ, nói không với các nhà đầu tư, để 100% công ty cho nhân viên
Ở thời điểm hiện tại, Huawei có 200.000 nhân viên trên khắp toàn cầu. Phân nửa trong số đó đang tham gia vào các Trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D), đồng thời là những cổ đông nắm giữ phần lớn cổ phiếu công ty. Huawei giữ vững mô hình sở hữu 100% bởi nhân viên, giữ quyền chủ động trong mọi hoạt động.
Chính đường lối có phần đặc biệt này khiến Huawei mang tiếng kiêu ngạo khi nói "không" với những con số khổng lồ từ các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước nhằm mua lại cổ phần. Bên cạnh đó, Huawei cũng khẳng định không nhận hỗ trợ từ Chính phủ Trung Quốc và cũng không chịu áp lực gì từ Chính phủ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Huawei có lẽ cũng không phủ nhận sự "kiêu ngạo" này. Tuy nhiên, cái gốc của nó bắt nguồn từ việc đảm bảo quyền và lợi ích của khách hàng, không đi ngược lại những triết lý kinh doanh mà nhà sáng lập và những người một đời gắn bó với Huawei gây dựng lên.
Trong hai thập kỷ qua, Huawei đã có nhiều cơ hội để gắn kết với các nhà đầu tư mạo hiểm nhưng nhà sáng lập Nhậm Chính Phi chọn cách xa lánh họ. Thị trường vốn có thể nhanh chóng vỗ béo các công ty và doanh nhân nhưng đó chỉ là những khoảnh khắc lóe sáng. Thậm chí, sự phát triển đó khiến nhiều doanh nghiệp ảo tưởng vào chính mình. Huawei tin tưởng yếu tố cơ bản cho sự thành công bền vững của mình là khách hàng chứ không phải là công nghệ hay vốn. Đây là giá trị cốt lõi của công ty.
Để công ty có thể thành công, Huawei đặt hy vọng rằng nhân viên sẽ làm việc nhiều hơn, bỏ ra nhiều công sức hơn. Lao động nhiều hơn, làm việc vất vả hơn, chất lượng và thái độ phục vụ tốt hơn đối với khách hàng là con đường Huawei chọn đi để có thể đạt được sự chấp nhận của khách hàng.
Bên cạnh đó, có một yếu tố khác khiến Huawei trở nên đặc biệt. Là gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc nhưng người ta ít nhắc tới ông Nhậm Chính Phi trong vai trò một tỷ phú USD như Jack Ma. Không nhiều người biết rằng trước những năm 2000, ông Nhậm còn chưa có nhà để ở. Gia đình ông sống trong một ngôi nhà đi thuê rộng hơn 30 m2, cả ngày bị mặt trời chiếu rọi nhưng không có điều hòa. Dồn hết tiền vào đầu tư để phát triển tương lai là cách mà ông Nhậm đã chọn để có một Huawei như ngày nay.
"Một số quốc gia đã quyết định không mua sản phẩm của chúng tôi, chúng tôi sẽ làm tốt công việc ở các quốc gia sẵn sàng mua thiết bị của mình. Chúng tôi sẽ thuyết phục và khiến khách hàng tin tưởng chúng tôi bằng những sản phẩm mạng tuyệt vời, đây cũng là một cuộc thi đấu hòa bình về phương diện kỹ thuật, tôi nghĩ điều này là rất công bằng", ông Nhậm nhấn mạnh.
Nhìn lại khởi điểm sự "kiêu ngạo" của Huawei
Trở lại những năm 80 của thế kỷ 19, Trung Quốc lúc này đang rục rịch tiến hành một cuộc đại cải cách trên toàn bộ nền kinh tế và cấu trúc xã hội. Trào lưu đào thải đi kèm là điều khó tránh khỏi, và Nhậm Chính Phi - một cựu kỹ sư quân sự 44 tuổi vừa trải qua 3 năm thất bại trong giới doanh nhân cũng bị ruồng bỏ không thương tiếc.
Thương nhân vốn không được coi là nghề nghiệp có vị thế trong nước và lịch sử Trung Quốc cũng đã chỉ ra cách tồn tại duy nhất cho những thương nhân là phải phụ thuộc vào chính trị. Giữa thời điểm cải cách hỗn loạn, Nhậm Chính Phi và nhiều chủ doanh nghiệp có tư tưởng đổi mới đã bị đẩy lên một con thuyền trôi dạt. Lối thoát của họ chỉ có một - thử nghiệm và xây dựng những điều không tưởng, bất chấp trở ngại khó khăn.
Năm 1987, tại một tòa nhà cư dân xập xệ ở đặc khu kinh tế Thâm Quyến, Nhậm Chính Phi đã lát những viên gạch nền móng đầu tiên cho Công ty TNHH Kỹ thuật Hoa Vĩ (tức Huawei theo cách phiên âm tiếng Anh) và bắt đầu kinh doanh các loại thiết bị viễn thông. Bản thân Nhậm Chính Phi bị coi là "gã Đôn Kihôtê ảo tưởng", mang trong mình một giấc mơ phi thực tế dù tỉ lệ thắng gần như bằng 0: thiếu vốn, thiếu nhân lực và công nghệ, chưa kể đến sự cạnh tranh nghiêng hẳn về phía các nhà sản xuất thiết bị viễn thông phương Tây.
Cuộc đại cải cách của Nhà nước Trung Quốc bắt đầu cho thấy những chuyển biến tích cực trên khía cạnh kinh tế nhưng viễn thông vẫn bị tụt lại phía sau. Mở cửa thị trường viễn thông cho các công ty nước ngoài nhưng Trung Quốc lợi bất cập hại, cụ thể ở những bất cập về giá và dịch vụ.
Điều này đã tạo nên bàn đạp cho sự bùng nổ của hơn 400 nhà sản sản xuất viễn thông nội địa, phần lớn có trụ sở tại Thâm Quyến. Trong số 4 cái tên nổi bật gồm Great Dragon, Datang, ZTE và Huawei, chỉ doanh nghiệp của Nhậm Chính Phi là không hề có sự hậu thuẫn từ Chính phủ.
Là một phần trong "Tứ trụ viễn thông Trung Quốc", Huawei bước vào cuộc chiến thương trường khắc nghiệt với những "người khổng lồ phương Tây", tiêu biểu như Ericsson hay 3Com. Chỉ kẻ phù hợp nhất mới có thể sống và Huawei không chỉ đánh bại cả "đầu sỏ" Ericsson mà còn các doanh nghiệp còn lại trong "Tứ trụ", trở thành gã khổng lồ công nghệ - viễn thông Trung Quốc.
Vật lộn trong giai đoạn khó khăn mà những người lạc quan nhất cũng chưa nhìn ra "cửa" thắng, Huawei phải "kiêu ngạo" để có thể tồn. Tuy nhiên, những thành tựu mà công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc đạt được 3 thập kỷ tiếp theo góp phần khẳng định ông Nhậm và đường lối của doanh nghiệp đã đúng.
Tính đến đầu năm 2010, khoảng 80% trong số 50 công ty viễn thông hàng đầu thế giới đã bắt tay làm đối tác với Huawei. Theo China Business New, trong năm 2020, Huawei cán mốc 136 tỷ USD doanh thu, tỷ lệ tăng trưởng đạt 11.2% so với năm trước đó, trong khi đó lợi nhuận tăng 10.4% lên 9.9 tỷ USD. Hệ thống chi nhánh và văn phòng đại diện của Huawei có mặt tại hơn 170 quốc gia, với khoảng 200.000 nhân viên đang, và phục vụ 3 tỷ khách hàng trên toàn thế giới.
Nói về triết lý kinh doanh của Huawei trong một cuộc trao đổi với truyền thông quốc tế, ông Nhậm Chính Phi khẳng định: "Tôi mãi yêu quê hương, đất nước và luôn luôn ủng hộ Đảng Cộng sản Trung Quốc nhưng tôi thà đóng cửa chứ không bao giờ làm bất cứ điều gì gây tổn hại cho bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới".