MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sự mở rộng của BRICS và ý nghĩa đối với đồng đô la Mỹ

18-08-2023 - 20:00 PM | Tài chính quốc tế

Ảnh minh họa: SOPA

Ảnh minh họa: SOPA

BRICS mở rộng với quy mô nào đều có thể tác động tới tốc độ mà khối này áp dụng các hệ thống thương mại và tài chính bên ngoài phạm vi đồng đô la Mỹ (USD).

Nhóm BRICS gồm các nền kinh tế lớn mới nổi (Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi và Nga) sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 vào cuối tháng này. Có lẽ vấn đề quan trọng và gây tranh cãi nhất mà các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ thảo luận là việc mở rộng BRICS bằng cách bổ sung các thành viên mới.

Nhóm BRICS chiếm hơn 40% dân số thế giới và khoảng 26% GDP toàn cầu, đồng thời tạo ra một diễn đàn thay thế cho các quốc gia ngoài các kênh ngoại giao vốn bị các cường quốc phương Tây truyền thống chi phối. Ảnh hưởng và sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của BRICS đang thu hút nhiều nước.

Hơn 40 quốc gia, ví dụ như Saudi Arabia, Iran, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Argentina, Indonesia, Ai Cập và Ethiopia, đã bày tỏ quan tâm đến việc gia nhập BRICS.

Theo nhận định của các nhà phân tích tài chính và kinh tế thuộc Tập đoàn ING (Hà Lan) ngày 17/8, BRICS mở rộng với quy mô nào đều có thể tác động tới tốc độ mà khối này áp dụng các hệ thống thương mại và tài chính bên ngoài phạm vi đồng đô la Mỹ (USD).

Các chuyên gia trên cho rằng tỷ trọng của đồng USD trong dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương đã sụt giảm, nhưng đồng đô la Mỹ vẫn được sử dụng nhiều trong thương mại, tài sản tư nhân, phát hành nợ và nói chung trên thị trường ngoại hối toàn cầu.

Trong số những "đối thủ thách thức" tiềm năng đối với USD, đồng euro dường như đang xếp thứ 2, nhưng chỉ phố biến ở châu Âu. Nhìn vào BRICS, việc Trung Quốc tăng cường các kênh hoán đổi đồng nhân dân tệ (NDT) dường như đã giúp tăng cường sử dụng đồng tiền này trong thương mại và dự trữ quốc tế. Quá trình phi đô la hóa của Nga cũng đã giúp NDT tăng thêm giá trị, nhưng việc kiểm soát vốn của Trung Quốc và phát hành "trái phiếu gấu trúc" ở mức thấp vẫn là một trở ngại.

Việc sử dụng ngày càng nhiều loại tiền tệ thay thế dường như không đe dọa đến đồng USD mà ngược lại làm gia tăng sự cạnh tranh giữa các đồng tiền trong khu vực trong bối cảnh dòng chảy thương mại và vốn bị phân mảnh. Trước mắt, không có loại tiền tệ nào thách thức được vị thế thống trị của đồng đô la Mỹ với tư cách là loại tiền tệ được lựa chọn hàng đầu.

Do đó, các chuyên gia ING đánh giá hiện tại họ chưa thấy bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào cho thấy đồng đô la Mỹ đang trên đà suy giảm. Tuy nhiên, USD vẫn đang phải đối mặt với những thách thức xuất phát từ cả kinh tế và địa chính trị.

Đặc biệt, cuộc xung đột ở Ukraine và việc đóng băng dự trữ ngoại hối của Nga vào năm 2022 đã thúc đẩy nhiều cuộc thảo luận về việc "vũ khí hóa" đồng USD; sự chia rẽ của các khối địa chính trị và cuối cùng là sự suy giảm "không thể tránh khỏi" trong việc sử dụng đồng đô la Mỹ - hay còn gọi là "phi USD hóa" trong thương mại toàn cầu.

Tóm lại, bất chấp những dư luận về việc mở rộng BRICS và khả năng ra đời một loại tiền tệ mới có thể thách thức sự thống trị của đồng USD, các chuyên gia của ING không cho rằng "đồng bạc xanh" có nguy cơ mất đi vị thế là đồng tiền chính toàn cầu ngay lập tức.

Theo Công Thuận

Báo Tin Tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên