Sự thật bất ngờ đằng sau câu chuyện ‘Cứ 5 người trẻ thì 1 người thất nghiệp’ ở Trung Quốc
Tại sao chỉ số này lại thống kê cả người dưới 18 tuổi? Tỷ lệ này là cao hay thấp so với các nền kinh tế khác? Đây có phải điều bình thường ở Trung Quốc?
Theo tờ SCMP, chỉ số thất nghiệp của giới trẻ (Youth Unemployment Rate) nhằm để thống kê những thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 16-24 có khả năng lao động và sẵn sàng làm việc tại Trung Quốc. Đây là một trong những chỉ số quan trọng để chính quyền Bắc Kinh đo lường sự ổn định của xã hội cũng như tăng trưởng kinh tế.
Báo cáo chính thức cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ tại Trung Quốc đã tăng lên mức cao lỷ lục 20,4% tính đến tháng 4/2023, sau khi đạt mức 19,6% vào tháng 3 trước đó.
Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc tại sao lại tính toán cả lao động trẻ dưới 18 tuổi vào chỉ số này.
Trên thực tế, chỉ số này tính toán cả những học sinh mới tốt nghiệp cấp 2 hoặc trường nghề trong độ tuổi 15-18 tuổi, sau đó mới là các sinh viên tốt nghiệp ở độ tuổi 22.
Chế độ giáo dục bắt buộc 9 năm ở Trung Quốc yêu cầu trẻ em từ 6 tuổi trở lên học tập miễn phí trên toàn quốc ở các trường tiểu học và trung học cơ sở. Thế nhưng trường cấp 3 và đại học thì không bắt buộc. Bởi vậy nhiều gia đình nghèo hoặc không có điều kiện sẽ cho con đi học trường nghề hoặc đi làm luôn sau khi tốt nghiệp cấp 2.
Có phải vấn đề mới?
Trên thực tế, câu chuyện tỷ lệ thất nghiệp cao của giới trẻ Trung Quốc không phải vấn đề mới và con số trên cũng không quá gây sốc cho người địa phương.
Thậm chí tỷ lệ thất nghiệp của lao động nói chung tại thành thị Trung Quốc còn đang giảm mạnh.
Trung Quốc bắt đầu công bố tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ từ năm 2018 với mức 11,2%. Chỉ số này đạt đỉnh lần trước là vào tháng 7/2022 với 19,9%. Mức trung bình trong cả năm 2022 là 17%.
Thông thường, tỷ lệ này tại Trung Quốc cao vọt từ đầu năm cho đến tháng 7 khi hàng loạt học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường tìm việc làm.
So sánh với nền kinh tế khác
Mặc dù không phải vấn đề mới và không bất ngờ với người Trung Quốc nhưng tỷ lệ này lại khá cao so với các nền kinh tế khác. Tuy nhiên nhiều nền kinh tế cũng có mức thất nghiệp trong giới trẻ cao tương đương chẳng kém gì Trung Quốc.
Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp giới trẻ ở mức 20,1% trong tháng 3, còn Thụy Điển là 21,6%. Con số này là 22,3% tại Italy trong tháng 3/2023 còn Hy Lạp là 24,2%.
Thậm chí tại Tây Ban Nha, tỷ lệ này lên mức kỷ lục 31,6% trong giai đoạn tháng 8-9/2022 trước khi giảm xuống còn trên 29% hiện nay.
Ở chiều ngược lại, chỉ số này tại Việt Nam hay Thái Lan đều dưới 8%. Trong khi đó tỷ lệ thất nghiệp giới trẻ tại Mỹ, cũng áp dụng cho người 15-24 tuổi là bình quân 8,1% cho năm 2022, giảm so với mức 9,57% của năm 2021 và 14,85% của năm 2020.
Tính đến tháng 4/2023, tỷ lệ này là 6,5% tại Mỹ, mức thấp nhất kể từ năm 1953 và thấp hơn so với 7,5% của tháng 3 trước đó. Mức cao kỷ lục của Mỹ là vào tháng 4/2020 với 27,4% bạn trẻ thất nghiệp.
Các nền kinh tế khác như Hong Kong, Đức, Hàn Quốc hay Nhật Bản có mức thất nghiệp giới trẻ bình quân chỉ khoảng dưới 7%.
Tỷ lệ này là 5,8% trong tháng 3 tại Hong Kong, còn Đức là 5,6% cùng kỳ. Hàn Quốc là 6,5% trong tháng 4, mức giảm so với 7,2% của tháng 3 trước đó. Nhật Bản thì giảm từ 5,2% tháng 2 xuống 4,7% tháng 3/2023.
Tại sao lại cao?
Báo cáo của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho thấy tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ thường cao hơn 2-3 lần so với người trưởng thành trên 25 tuổi. Ví dụ tại Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp chung tại khu vực thành thị vào khoảng 5,2% trong tháng 4/2023 nhưng nếu chỉ tính người trong độ tuổi 25-59 thì con số này là 4,2%.
Việc lao động trẻ thiếu kinh nghiệm không kiếm được việc làm so với những người trưởng thành là điều dễ hiểu. Đặc biệt trong thời điểm hiện nay khi 11,58 triệu sinh viên sắp tốt nghiệp ra trường nhưng nhiều ngành như bất động sản, giáo dục, tài chính ngân hàng, công nghệ lại bị siết chặt quản lý hoặc chịu ảnh hưởng từ đại dịch, xung đột thương mại khiến nhu cầu tuyển dụng thấp.
Tệ hơn, việc chính quyền Bắc Kinh siết chặt quản lý khiến rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, các startup gặp khó khăn và không thể tuyển thêm lao động.
Một yếu tố nữa khiến tỷ lệ thất nghiệp giới trẻ tăng cao tại Trung Quốc là lượng sinh viên đại học đã tăng 10 lần trong 20 năm qua dẫn đến tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”. Bằng chứng rõ ràng nhất là nhiều nhà máy vẫn thiếu lao động và không tuyển được người, trong khi nhiều vùng nông thôn cũng thiếu nhân lực nhưng chẳng bạn trẻ nào chịu về quê “cày ruộng”.
*Nguồn: SCMP
Nhịp sống thị trường