Sự thật bên trong những ngôi nhà lầu, nhà giàu giữa rốn lũ Quảng Bình
"Có lần mình đưa đoàn cứu trợ vào, nhưng họ đi ra ngay. Họ nói nhà giàu, nhà lầu vậy thì thôi không hỗ trợ, nhường cho nhà khác, nhưng…".
- 21-10-2020Người Sài Gòn trắng đêm gói 5.000 bánh chưng, bánh tét gửi bà con vùng lũ, tiếp sức cho “khúc ruột” miền Trung
- 21-10-2020Sáng chế áo phao, bè nổi tái chế làm từ chai nhựa hot trở lại mùa mưa lũ: Giải pháp nhanh, ít tốn kém cho bà con miền Trung
- 21-10-2020Cán bộ, nhân viên Viettel quyên góp 10 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào miền Trung
Có người thắc mắc: Vì sao lại trao quà cho nhà lầu, nhà giàu?
Quốc lộ 1A đoạn ngã ba Cam Liên (huyện Lệ Thuỷ , tỉnh Quảng Bình ) một ngày sau đỉnh lũ lịch sử ken đặc người. Xe tải đỗ thành hàng dài trên đường. Ô tô, ca nô, ghe máy, xuồng chèo tay và hàng trăm người mặc áo phao, ai nấy đều tất bật.
Họ thay nhau vận chuyển hàng cứu trợ trên thùng những chiếc ô tô từ miền Nam, miền Bắc xuống ghe, xuồng. Từ xuồng, ghe, ca nô... hàng hoá cứu trợ sẽ được vận chuyển đến tận tay người dân vùng rốn lũ để giúp họ vượt qua "cơn lũ lịch sử xưa nay chưa từng thấy".
"Lụt lịch sử, chưa từng thấy. Mức nước năm nay hơn lụt lịch sử ở Lệ Thuỷ năm 2010 là 1,7m", ông Mai Văn Hoàn, Phó chủ tịch thị trấn Kiến Giang, cho biết.
Ông Mai Văn Hoàn, Phó chủ tịch UBND thị trấn Kiến Giang (huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình), chèo thuyền chở từng phần quà hỗ trợ đến người dân vùng rốn lũ.
24 tuổi, anh Trần Văn Giới (quê Bắc Ninh) lần đầu tiên không qua tivi mà chứng kiến tận mắt một trận lũ ở miền Trung. Chàng trai miền quan họ liên tục thốt lên: "Nước bao phủ hết, miền Trung cực quá, thương bà con quá".
Giới cùng 9 người bạn khác đại diện cho công ty TNHH Bắc Vĩnh, xuất phát từ Bắc Ninh lúc 21h ngày 20/10 cùng 2 chuyến xe hàng hoá cứu trợ. Xe chạy xuyên đêm đến Cam Liên khi trời vừa tảng sáng.
Cả nhóm không một phút nghỉ ngơi mà lập tức đưa nước sạch, mỳ tôm, lương khô, bánh mỳ…xuống xe, đưa đến ghe. Ghe đầy, Giới may mắn ngồi lên chiếc ghe do chính tay vị Phó chủ tịch thị trấn Kiến Giang cầm chèo.
Người dân vùng rốn lũ nhận phần quà hỗ trợ từ tay anh Giới.
Ông Hoàn đưa Giới cùng ghe thực phẩm cứu trợ đến từng nhà - những căn nhà ngập sâu trong nước lũ.
Có chủ nhà vì dầm mình trong nước, 2 tay run run, nhưng vẫn cố vươn qua bờ rào nhận từ tay Giới phần quà nhỏ. Người khác may hơn, khi nước rút, tất bật dọn nhà. Họ xin từ chối suất quà của Giới... để nhường cho ai khó hơn.
"Nhà cô nước rút, có gạo nấu ăn rồi. Có nước suối cho cô mấy chai để tụi con nít uống", người phụ nữ Giới không kịp biết tên, vừa từ chối suất quà, vừa xin mấy chai nước.
Chiếc xuồng ông Hoàn chèo qua vài căn nhà thấp, nhỏ, bé... rồi bất ngờ dựng lại ở ngôi nhà 3 tầng to đùng, bề thế. Ông Hoàn xách vội 3 phần quà, lội nước mang vào trao cho người bên trong.
Anh Lợi dọn dẹp căn nhà to đẹp của mình sau khi nước lũ rút.
"Nhìn đã biết nhà này giàu", Giới nói nhỏ, thầm thì. Vậy nhưng vị Phó chủ tịch thị trấn vẫn nghe thấy. Ông vẫn điềm nhiên tiếp tục trao quà rồi dặn dò gì đó rất kỹ với người chủ. Chiếc ghe do ông chèo lại ghé tiếp một căn nhà khác, to và đẹp không kém.
"Hai bạn xuống ghe vào nhà nhé. Nhà này to, đẹp và cũng là nơi trú ẩn của 4 gia đình, hơn 20 người cả già lẫn trẻ. Họ là hàng xóm, nhà nhỏ, nửa đêm chạy qua trú ẩn trong mấy ngày mưa lụt.
Mình đưa đoàn cứu trợ vào. Họ đi ra ngay. Họ nói nhà giàu, nhà lầu vậy thì thôi không hỗ trợ, nhường cho nhà khác, nhưng khi biết rồi, họ còn giúp thêm", ông Hoàn kể.
Nghĩa xóm làng - sau những bức tường trong nước lũ
Anh Lợi, chủ căn nhà to đẹp nằm trên con đường Lý Thường Kiệt (thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thuỷ), đang dọn dẹp - bỗng cười to khi được hỏi có thấy bất tiện khi nhiều người lạ cùng đến ở nhà mình.
"Người lạ đâu? Bà con làng xóm cả. Nhà mình rộng rãi, có đến 3 tầng thì bà con đến tá túc qua cơn hoạn nạn chứ phiền phức chi", anh Lợi đáp.
Người già, trẻ em, phụ nữ có con nhỏ tá túc qua những ngày mưa lũ trên tầng 3 căn nhà của vợ chồng anh Lợi.
Đêm 19/10, mưa to gió lớn ầm ầm. Anh Lợi cùng vợ đang yên ấm trong chăn thì nghe thoảng qua tiếng gào gọi kêu cứu. Hai vợ chồng cùng nghe ngóng rồi phát hiện ra tiếng kêu từ nhà người hàng xóm Trần Thị Đọt. Mưa lớn, nước lũ lên nhanh chưa từng thấy. Anh Lợi bất chấp hiểm nguy chèo ghe men theo đường đến ứng cứu.
Bà Đọt đang loay hoay dọn nhà thì bị chiếc bàn ngã đè lên chân không đứng nổi. Nước lũ lên cao từng phút, đến nửa đêm đã ngang thắt lưng. Bà Đọt kêu cứu giữa đêm mưa gió.
Anh Lợi đẩy cửa đi vào, sơ cứu rồi đưa bà Đọt cùng người nhà lên ghe.
Chiếc ghe chạy thẳng về nhà anh Lợi. Anh bảo vợ bố trí cho mọi người chỗ nghỉ, rồi lại lao ra biển nước. Đêm đó, anh Lợi chở hơn hai chục con người, rồi bố trí nệm, chiếu, phòng ngủ cho bà con tránh cơn hoạn nạn.
"Nước lên nhanh quá..., sợ phát hoảng. Tới khi tui kêu cứu khản giọng, thì nghe ra nhà khác cũng kêu cứu. Năm nay nước khiếp quá, vượt quá dự liệu nên chỉ kịp chạy thoát thân, nhà cửa, tài sản bỏ hết... lấy chi ăn. May mà nhà chú Lợi ở đây chứ không thì ở đâu, ăn gì. Hai chữ cảm ơn nói ra không nổi mà đó là cái tình", bà Đọt tâm sự.
Chiếc tủ lạnh, tài sản nhà anh Lợi vẫn còn trôi nổi ở phòng khách vì nước lũ.
Mới 3h chiều, chị Nguyễn Thị Thanh Tú, vợ anh Lợi, đã tất bật chuẩn bị bữa tối cho "đại gia đình" gần 25 người. Tủ lạnh nhà chị Tú trôi nổi ở giữa phòng khách vì lụt, bếp điện bị ngập nguyên 1 ngày cũng đã hỏng. Nhà chỉ còn chiếc bếp dầu vẫn đỏ lửa.
"Người lớn thì ăn uống không ngại, chỉ lo cho mấy đứa nhỏ và các bác lớn tuổi. Thức ăn, gạo nhà em có chuẩn bị sẵn, hôm qua cũng được hỗ trợ 1 túi nên không lo. Vậy nhưng mấy hôm nay thì hết sữa cho tụi nhỏ, chưa biết cách nào mua được.
Mùa lụt bão, thêm người thì chỉ thêm cái bát, đôi đũa. Nhà mình vững chắc thì đón bà con tới ở chứ chuyện không có chi to tát. Ở Lệ Thuỷ này, nhà nào to với cao thì mỗi khi lụt về, bà con đến ở trú đông lắm, chẳng phải riêng nhà này đâu", chị Tú nói, cười hiền lành.
Hàng hoá cứu trợ được đưa đến vùng rốn lũ huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình.
Tổ quốc