Sự thật chuyện đũa gỗ, thớt gỗ bị nấm mốc có chất gây ung thư kịch độc, ăn vào sẽ bị ung thư gan
Trong khi nhiều người cho rằng đũa gỗ, thớt gỗ bị nấm mốc có chất gây ung thư Aflatoxin, ăn phải dễ bị ung thư gan thì nhiều người khác lại cho rằng thông tin này tào lao. Sự thật phía sau câu chuyện đầy tranh cãi này là gì?
- 25-08-2021Thớt gỗ, thớt nhựa, thớt tre: Loại nào an toàn và vệ sinh nhất? Chọn sai dễ rước bệnh vào người
- 10-09-2016Sử dụng thớt gỗ bị mốc có thể gây ung thư gan?
Chúng ta nghe nói rất nhiều về độc tố Aflatoxin - chất gây ung thư gan kịch độc dù với hàm lượng rất nhỏ. Đáng nói, nhiều người hiện nay cho rằng, đũa gỗ, thớt gỗ - những đồ dùng rất quen thuộc với người Việt - bị mốc, chẳng may ăn vào thì dễ nhiễm độc tố Aflatoxin. Chuyện mắc ung thư gan chỉ là sớm muộn. Một số khác lại cho rằng điều này chưa có bằng chứng khoa học.
Trước những thông tin gây hoang mang và nhiều tranh cãi này, PGS.TS Trần Hồng Côn (khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN) đã có những chia sẻ xoay quanh vấn đề này.
PGS.TS Trần Hồng Côn.
PV: Hiện nay, có 2 luồng thông tin khác nhau liên quan đến việc dùng đũa gỗ, thớt gỗ. Một bên cho rằng dùng đũa gỗ, thớt gỗ có nấm mốc sẽ bị ung thư gan do nấm mốc chứa độc tố Aflatoxin. Một bên khác cho rằng chúng không chứa Aflatoxin. Theo ông sự việc này nên hiểu thế nào cho đúng?
PGS.TS Trần Hồng Côn: Tôi cho rằng không thể kết luận nấm mốc xuất hiện trên đũa gỗ, thớt gỗ chứa độc tố Aflatoxin, nếu chẳng may ăn vào cơ thể sẽ bị ung thư gan. Từ trước đến nay, Aflatoxin cũng được phát hiện qua những loại thực phẩm bị nấm mốc như ngô, gạo... mà thôi.
Thời gian qua, rất nhiều trang thông tin nước ngoài chia sẻ trường hợp này trường hợp kia thường xuyên dùng thớt gỗ, đũa gỗ bị mốc nên bị ung thư gan. Chủ nhân những bài báo đó cho rằng nấm mốc từ đũa gỗ, thớt gỗ chứa độc tố Aflatoxin dẫn đến căn bệnh nguy hiểm này. Tuy nhiên, xin được khẳng định những thông tin như này cho đến giờ vẫn chưa có bằng chứng khoa học nên người dân không nên hoang mang.
PV: Đũa gỗ, thớt gỗ bị mốc không gây ung thư gan nhưng có thể gây ra những bệnh ung thư nào khác không thưa ông?
PGS.TS Trần Hồng Côn: Đũa gỗ, thớt gỗ bị mốc nói chung là những đồ dùng không được vệ sinh sạch sẽ. Tuy nhiên, không phải cứ đũa gỗ, thớt gỗ bị mốc là nghiễm nhiên có chất gây ung thư.
Không chỉ riêng vấn đề ung thư gan mà bất cứ loại ung thư nào cũng thế. Nấm mốc có gây ung thư hay không còn phải xem xét cụ thể từng loại đó là nấm mốc gì… Không thể cứ thấy đũa gỗ, thớt gỗ bị mốc là nghĩ ngay đến chuyện ăn vào là bị ung thư.
PV: Nếu không liên quan đến vấn đề ung thư, dùng đũa gỗ, thớt gỗ bị mốc có thể gây ra những mối nguy hại sức khỏe cụ thể nào khác?
PGS.TS Trần Hồng Côn: Dùng đũa gỗ, thớt gỗ bị mốc nói chung không tốt cho sức khỏe. Đũa gỗ, thớt gỗ bị mốc chứng tỏ khâu vệ sinh chưa được đảm bảo. Trong điều kiện ẩm ướt khiến vi khuẩn nấm mốc càng dễ sinh sôi, nảy nở. Nếu nấm mốc đi vào cơ thể có thể gây ra những phản ứng cấp tính như đau bụng, buồn nôn, nôn ói… Nói chung triệu chứng tương tự như bị ngộ độc thực phẩm.
PV: Liệu chúng ta có nên thay thế hẳn thớt gỗ, đũa gỗ vì lo sợ nấm mốc tấn công hay không để phòng tránh những rủi ro dùng phải đồ mốc không đáng có?
PGS.TS Trần Hồng Côn: Mặc dù có nguy cơ nấm mốc sinh sôi, tôi vẫn lựa chọn dùng thớt gỗ, đũa gỗ thay vì dùng thớt nhựa, đũa nhựa hoặc đũa kim loại. Tôi cũng muốn khuyên người dân nên làm vậy. Vì sao? Bởi vì, đồ gỗ bao giờ cũng lành hơn, an toàn hơn rất nhiều so với đồ nhựa, đồ kim loại.
Dùng thớt nhựa, đũa nhựa thực sự rất nguy hiểm, nhất là dùng trực tiếp để ăn uống. Nó nằm trong mối nguy sức khỏe của đồ nhựa nói chung. Không chỉ là vấn đề sức khỏe của mỗi người ngày hôm nay mà còn là vấn nạn cho những thế hệ mai sau. Hiện nay các nhà khoa học cũng phát hiện hạt vi nhựa có trong cơ thể sống của con người như một lời cảnh báo. Chúng ta không nên làm vấn đề này thêm nhức nhối nữa.
Riêng đồ dùng bằng kim loại, chúng cũng không thực sự tốt bởi nguy cơ thôi nhiễm ra đồ ăn thức uống… Trong khi đó, đồ dùng bằng gỗ như đũa gỗ, thớt gỗ vốn là những thứ từ bao đời nay cha ông ta vẫn dùng, rất an toàn cho sức khỏe. Điều quan trọng là người dân cần chú ý tránh để đũa gỗ, thớt gỗ bị mốc mà thôi!
PV: Với tình hình khí hậu nóng ẩm như đất nước ta, nhiều gia đình hiện nay cũng xây bếp khép kín khiến không gian có phần ẩm thấp , thiếu nắng. Làm sao để tránh nguy cơ đũa gỗ, thớt gỗ bị mốc thưa ông?
Cách đơn giản nhất, đó chính là cách thông thường chúng ta vẫn làm: rửa sạch thớt gỗ, đũa gỗ sau khi sử dụng, sau đó đem lau khô hoặc sấy khô, phơi khô rồi cất ở nơi khô ráo. Mặc dù khí hậu nước ta nóng ẩm nhưng rửa đũa, thớt đúng cách như vậy bạn sẽ không phải lo bị nấm mốc tấn công.
Ngay cả việc sấy khô, phơi nắng đũa, thớt gỗ, theo tôi cũng không phải vấn đề quan trọng cần phải làm thường xuyên. Miễn là bạn rửa sạch kỹ đồ dùng, đảm bảo lau khô. Khi cất đồ dùng vào vị trí ở trạng thái chúng đã khô rồi thì không lo nấm mốc tấn công nữa.
PV: Xin cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ!
Nhịp sống Việt