MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sự thật là bạn cứ loay hoay tìm kiếm sự hoàn hảo trong khi cuộc đời tốt đẹp hơn nhờ những sai lầm

28-11-2016 - 19:14 PM | Sống

Đạt điểm kiểm tra cao nhất, sở hữu thân hình đúng chuẩn, ghi bàn thắng mang tính quyết định… chúng ta dành bao nhiêu thời gian đời mình để kiếm tìm sự hoàn hảo?

Phấn đấu hướng tới sự tuyệt mỹ nhưng sau đó không đạt được mục tiêu có thể dẫn đến trầm cảm, tự ti và thay đổi tâm trạng không lành mạnh. Những nỗi thất vọng cứ thế chồng chất và cuối cùng, một người cầu toàn sẽ khó chấp nhận bản thân.Người chối bỏ bản thân sẽ tự đánh mất tầm nhìn và luôn tìm cách ép mình thay đổi theo hình tượng mà họ hướng đến.

Tôi là một học sinh giỏi luôn đạt điểm 10. Tôi là một cô gái luôn diện đồ cỡ nhỏ. Tôi là một nhân viên luôn làm việc hiệu quả 100%. Song, ẩn sâu trong các thành tích ấy, họ là ai? Giỏi cái này sẽ dở cái nọ, sai lầm là thứ không thể tránh khỏi nhưng bạn biết đấy, cũng chính những thiếu xót mới khiến bạn khác biệt!

Thế nào là sự hoàn hảo?

Sự hoàn hảo không phải là khi bạn trở thành một học sinh toàn diện hay một siêu mẫu. Nếu đây là mục tiêu của bạn thì ổn thôi, hãy cố gắng thực hiện ước mơ của mình. Tuy nhiên, cần chắc chắn những gì bạn làm đều phải có lý do chính đáng. Bạn làm vì bạn muốn, chứ không phải vì bất cứ ai.

Bị điểm kém hay thừa cân một chút không có nghĩa là bạn vô dụng. Sự hoàn hảo không xác định con người bạn, cũng như bạn không thể được định nghĩa bởi sự hoàn hảo.

Trong từ điển có viết về khái niệm sự hoàn hảo như một “tình trạng, trạng thái hay tính cách trở nên tự do sau những sai lầm”. Tương tự, sai lầm được giải thích như “các thiếu sót khiến công việc thất bại hoặc đi xuống”.

Vậy, chỉ một điểm 7 môn Lịch sử có làm kế hoạch học tập của bạn chậm lại không? Bạn sợ sau này sẽ chẳng làm được gì khi mắc phải điểm số tồi tệ như thế? Đúng, điểm 7 ấy thể hiện sự thiếu sót, song, cũng chính nó là động lực để giúp bạn phấn đấu. Và đây chính xác là cách mà bạn trưởng thành cả về thể chất lẫn tinh thần.

Cho nên, khi bạn mắc lỗi, bạn vẫn còn cơ hội để trở nên dày dạn kinh nghiệm hơn.

Đừng nỗ lực để hoàn hảo. Hãy nỗ lực để cân bằng.

Trong một buổi phỏng vấn, bạn sẽ trả lời ra sao khi được hỏi về điểm mạnh?

“Tôi rất giỏi phân tích!”

“Tôi thuộc tuýp người không ngừng cố gắng!”

“Tôi luôn tốt bụng, thương người!”

Quả nhiên, những kỹ năng rất cần thiết. Đối với những gì nhà tuyển dụng tìm kiếm, đây có thể là “chìa khóa” để bạn bước vào công ty. Nhưng tiếp đó, xuất hiện thêm một câu hỏi về điểm yếu dành cho bạn.

Bạn lúng túng. Bạn không biết phải nói gì. Bạn đã không chuẩn bị vấn đề này trước khi đến phỏng vấn. Thực tế, ưu điểm giúp bạn thì cũng có thể là nhược điểm hại bạn.

“Tôi phân tích quá nhiều, có lẽ nó đã ảnh hưởng đến khả năng phán đoán của tôi”.

“Tôi hay làm việc quá sức. Năm ngoái, tôi bị căng thẳng và suy dinh dưỡng trầm trọng đến nỗi phải nhập viện rồi mất một tuần nghỉ ngơi”.

“Tôi rất tốt, tốt bụng đến nỗi để mọi người lợi dụng. Vậy mà rốt cuộc, tôi vẫn chọn cách im lặng vì không muốn làm tổn thương ai”.

Trong công việc cũng như cuộc sống bề bộn, có thể bạn không nhận ra tác hại của việc cố gắng quá nhiều. Bạn cũng là con người, phong độ nhất thời thôi nên đừng nỗ lực để hoàn hảo mà hãy nỗ lực để cân bằng mọi thứ, rồi bạn sẽ thấy bình yên và an nhiên.

Hãy tin ở mình và là chính mình. Bắt ép bản thân sống cuộc sống của người khác, điều này sẽ chỉ khiến bạn thêm đau khổ.

Người hoàn hảo chẳng khác gì một con rô-bốt

Xã hội tạo ra một khái niệm hoàn hảo để đặt ra các tiêu chuẩn và thể hiện sự kỳ vọng vào con người. Nhưng nếu tất cả đều cố gắng noi theo hình mẫu ấy thì có phải đã vô tình biến mình thành một bản sao vô hồn của người khác hay không?

Mỗi cá nhân đều có một hình thể, dáng vóc và màu da khác nhau. Cũng chả ai giống nhau về tính cách, đức tin hay nỗi sợ.

Mỗi người đều đặc biệt theo một cách riêng và điều đó không có gì là sai trái. Cuộc sống đẹp nhất là cuộc sống do tự mình quyết định.

Hãy sống, chứ không phải tồn tại.

Nguyễn Nguyễn

Lifehack

Trở lên trên