Sự thật sau vụ Lay's, Lipton, 7 Up bị ngừng bán ở nhiều quốc gia: Chính PepsiCo là bên ngừng cung hàng cho siêu thị, chấp nhận mất 0,25% doanh thu toàn cầu
Đằng sau vụ Lay's, Lipton, 7 Up bị ngừng bán ở nhiều quốc gia là sự thật về quyền lực vô song của ông trùm thực phẩm PepsiCo.
- 23-04-2023Từng thất bại 4 lần, PepsiCo quyết tung ra ‘át chủ bài’ đối đầu trực diện với mặt hàng ‘hot’ của Coca: Ngành công nghiệp 400 tỷ USD sắp bùng cuộc chiến mới hay chỉ là sự ảo tưởng của Pepsi?
- 14-07-2017Giám đốc tài chính PepsiCo nói gì về tương lai ngành nước giải khát toàn cầu?
- 26-08-2015CEO PepsiCo và bước đột phá “tư duy thiết kế”
Như tin đã đưa, hồi đầu tuần này, Carrefour – chuỗi siêu thị lớn bậc nhất thế giới, điều hành hàng nghìn cửa hàng tại hơn 30 quốc gia cho biết họ sẽ ngừng bán Pepsi, Doritos và các sản phẩm khác ở Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Bỉ. Theo đó, Carefour sẽ không còn bán các mặt hàng như khoai tây chiên Lay's, Doritos và Cheetos, đồ ăn nhẹ Benenuts, Alvalle gazpacho, trà Lipton, Pepsi, nước ngọt 7 Up và thực phẩm Quaker.
Tuy nhiên, tới hôm nay, phía PepsiCo lại chính thức tuyên bố rằng không phải chuỗi siêu thị Carrefour mà là chính họ đã khởi đầu quá trình chấm dứt bán các sản phẩm của mình tại Carrefour. Ngay sau khi tuyên bố này được đưa ra, cổ phiếu của PepsiCo đã tăng. Cụ thể, PepsiCo cho biết họ đã quyết định ngừng cung cấp cho các cửa hàng tại châu Âu của Carrefour vì hai bên chưa đạt được thỏa thuận về một hợp đồng mới.
Mối quan hệ tiếp tục trở nên rắc rối khi Carrefour tuyên bố vào thứ năm rằng họ sẽ ngừng bán các sản phẩm của PepsiCo như Pepsi, Lay's, Doritos, Cheetos, Quaker Oats và các sản phẩm khác tại Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Bỉ. Carrefour đăng thông báo trên kệ hàng trong các cửa hàng ở bốn quốc gia này cho biết họ sẽ không còn cung cấp các thương hiệu này nữa do mức tăng giá sản phẩm không chấp nhận được. Theo nhận định của nhà phân tích Callum Elliott của Bernstein, cửa hàng Carrefour ở bốn quốc gia này chiếm khoảng 0,25% doanh thu toàn cầu của PepsiCo.
"Đáng tiếc là Carrefour đã không thông tin đúng về chuỗi các sự kiện", một người phát ngôn của PepsiCo nói vào ngày thứ hai. "Vì không đạt được thỏa thuận về một hợp đồng mới, chúng tôi đã ngừng cung cấp các sản phẩm cho Carrefour vào cuối năm. Rõ ràng họ đã nhận thức được điều đó. Chúng tôi hy vọng 2 bên sẽ sớm đạt được thỏa thuận để sản phẩm của PepsiCo có thể trở lại kệ hàng nhằm phục vụ người tiêu dùng".
Phản hồi lại thông tin kể trên, Carrefour đưa ra lời khẳng định đanh thép: "Chính chúng tôi, Tập đoàn Carrefour, đã đưa ra quyết định này (ý nói quyết định ngừng bán các sản phẩm của PepsiCo".
Trên thực tế, từ nhiều tháng nay PepsiCo và Carrefour đã trong quá trình đàm phán về bảng giá mới khi Chính phủ Pháp đã đặt áp lực lên các nhà cung cấp để đạt được thỏa thuận với những tập đoàn bán lẻ về việc giảm giá sản phẩm. Hiện Pháp đang nỗ lực hạ nhiệt thị trường khi lạm phát giá thực phẩm tăng mạnh lên mức hai chữ số vào năm 2022 và đạt gần 16% vào tháng 3/2023.
Vào tháng 8, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói rằng Unilever, Nestlé và PepsiCo không hợp tác trong một thỏa thuận rộng lớn mà bộ trưởng đã đạt được với các nhà bán lẻ và nhà sản xuất để ổn định lại hoặc giảm giá hàng nghìn sản phẩm. Le Maire nói rằng chính phủ sẽ buộc các nhà sản xuất thực phẩm bắt đầu đàm phán giá hàng năm với các nhà bán lẻ sớm hơn bình thường, với mục tiêu thực hiện giảm giá vào tháng 1.
Từ mùa hè năm ngoái, Carrefour đã công khai chỉ trích các nhà cung cấp và tăng áp lực để họ giảm giá. Vào tháng 8, Giám đốc điều hành của Carrefour, Alexandre Bompard, đổ lỗi cho các nhà cung cấp vì giá cả tăng vọt.
"Thực tế là những doanh nghiệp trong ngành này đã từ chối đàm phán lại giá mặc cho cả những áp lực từ chính quyền", Bompard nói với Franceinfo.
Vào tháng 9, Carrefour đính kèm nhãn cảnh báo người mua hàng về "shrinkflation". Các sản phẩm bao gồm khoai tây chiên Lay's và trà Lipton, cả hai đều được sản xuất bởi PepsiCo. Bompard gọi shrinkflation (hiện tượng các nhà sản xuất bán các sản phẩm với một khối lượng ít hơn nhưng giữ nguyên giá) là "một điều không thể chấp nhận được".
Theo một nguồn tin thân cận, Carrefour và PepsiCo đã đàm phán trong suốt 6 tháng qua. PepsiCo cảnh báo Carrefour rằng nếu hai bên không có hợp đồng vào cuối năm 2023, PepsiCo sẽ ngừng cung cấp cho Carrefour và nguồn cung sẽ cạn kiệt vào ngày 31/12.
Trong khi đó, người phát ngôn của PepsiCo nói cuộc đàm phán giữa PepsiCo và Carrefour không chỉ liên quan đến giá cả.
"Mức giá cả phù hợp và lòng trung thành của người tiêu dùng là những điều chúng tôi liên tục suy nghĩ", ông nói. "Tuy nhiên, chúng tôi không thể duy trì mối quan hệ với những khách hàng không còn sinh lời".
Vào tháng 10, giám đốc tài chính của PepsiCo Hugh Johnston nói với The Wall Street Journal rằng mức tăng giá của họ sẽ chậm lại vào năm 2024 và sẽ ổn định với tỷ lệ lạm phát tổng thể. Sự chậm trễ này đến sau hơn hai năm tăng giá mạnh của PepsiCo đối với loạt sản phẩm đồ uống, đồ ăn nhẹ và thực phẩm đóng gói.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên PepsiCo ngưng cung cấp cho một nhà bán lẻ trong quá trình đàm phán về giá. PepsiCo đã tạm ngừng chuyển hàng cho Loblaw ở Canada trong hơn một tháng vào năm 2022.
Năm 2022, Kraft Heinz tạm ngừng cung cấp đậu, súp và sốt cà chua cho Tesco, một trong những nhà bán lẻ lớn nhất thế giới. Trong khi cuộc chiến này vẫn chưa được kết thúc, Mars tạm ngừng cung cấp cho Tesco thức ăn cho mèo Whiskas, thức ăn cho chó Pedigree và các thương hiệu chăm sóc thú cưng khác.
Theo: WSJ
An ninh tiền tệ