MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sự thật trái cây “sốc nhiệt” bán rẻ trên mạng

19-06-2017 - 14:05 PM | Thị trường

Do bị lưu kho quá lâu, nho “sốc nhiệt” đã bị hỏng, thối, thuộc diện bắt buộc phải tiêu huỷ. Tuy nhiên, thay vì phải tiêu huỷ, công ty nhập khẩu mặt hàng này lại tuồn “cửa sau” cho những người bán online để thu hồi vốn.

Mấy hôm nay cư dân mang xôn xao bởi thông tin nho móng tay Australia nhập khẩu xả kho vì “sốc nhiệt”.

Theo các quảng cáo trên mạng thì hàng nhập khẩu vận chuyển bằng container, bị “sốc nhiệt” trong quá trình chờ thông quan nên bị “trợt vỏ”, héo khoảng 40-50%, còn lại thì vẫn tươi ngon, đồng thời khuyên người dùng ép nước uống đối với “trợt” vỏ. Giá cả dành cho loại nho “sốc nhiệt” trên dao động từ 200.000 đ – đến 300.000đ/thùng từ 9-10kg.

Điều đáng nói là, người bán cho rằng vì hàng giá rẻ nên họ không mang hàng về nhà, cũng không nói địa chỉ kho cho người mua biết vì sợ “lộ mối hàng”. Với thông tin mù mờ như vậy, nhưng ngay khi thông tin “sốc” trên được đăng tải trên mạng, thấy giá quá rẻ, hàng trăm người đã nhanh chóng đặt hàng để mua.

Đặc biệt, sau khi có 1 vài facebooker phản hồi rằng mình đã may mắn mua được thùng nho “không hỏng quả nào” (?) khiến cư dân mạng lại vô cùng háo hức bởi thùng nho chỉ 200.000đ mà được tận 10kg, giá không bằng 1/10 thị trường.


Nho “sốc nhiệt” được bán với giá 20.000đ-30.000đ/kg.

Nho “sốc nhiệt” được bán với giá 20.000đ-30.000đ/kg.

Thế nhưng, cơn “sốt” mua được hàng giá rẻ nhanh chóng qua đi, thay vào đó là tâm trạng buồn bực, thậm chí tức giận vì nhận được “quả đắng” bởi thùng nho mình mua về không nổi 1kg quả héo, còn lại thì mốc xanh, mốc đỏ. Đa số mọi người đành im lặng, cho qua, không muốn nhắc lại sự dại dột của mình, nhưng một số người không chịu được ấm ức, đã lên mạng chia sẻ, “bóc phốt” những người bán hàng không có lương tâm.

Như Facebooker Nguyễn Thị M. ấm ức: “Nho của em bị mốc hỏng hoàn toàn các mẹ ạ, bán hàng thì cũng phải có tâm tí chứ, bảo chỉ bị trợt vỏ với héo thôi, thế mà hàng hỏng hoàn toàn, lại còn xui người ta đi ép lấy nước”.

Cũng tâm trạng với chị M., chị Hoài Thanh cũng chia sẻ: “Mình mua 300.000/thùng nho cộng 40.000 tiền ship. Thế mà nhận nguyên một thùng nho mốc xanh, mốc đỏ”.

Nhiều người lên án kiểu bán hàng không có tâm, bán đồ hỏng, đồ thối cho khách nhưng cũng có nhiều người cho rằng, mua hàng với giá chưa bằng 1/10 giá trị thật thì phải chấp nhận rủi ro.

Riêng về chuyện nho “sốc nhiệt”, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, đây là hàng của một công ty có tiếng nhập về Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian lưu kho quá lâu, đã bị hỏng, thối, thuộc diện bắt buộc phải tiêu huỷ. Tuy nhiên, thay vì phải tiêu huỷ, công ty trên lại tuồn “cửa sau” cho những người bán online để thu hồi vốn.

Để tránh bị lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) phát hiện, kiểm tra, xử phạt, họ yêu cầu những người bán hàng online không được tiết lộ danh tính, địa điểm kho cho người mua biết.

Những người hiểu chuyện tiết lộ rằng đây là chiêu quá khôn ngoan của công ty nhập khẩu hoa quả trên, bởi công ty này có hẳn một hệ thống kinh doanh trái cây nhập khẩu. Nếu hàng do “sốc nhiệt”, chỉ bị héo (còn 40 đến 60% hàng sử dụng tốt) thì họ hoàn toàn có thể lọc ra bán lẻ với giá khuyến mãi thì số tiền thu về sẽ lớn hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, công ty này thừa biết nếu làm như vậy thì lợi bất cập hại bởi số nho trên đã lưu kho quá lâu, mốc, hỏng là chủ yếu. Bên cạnh đó, nếu bị lực lượng QLTT kiểm tra, không chỉ bắt buộc phải tiêu huỷ vừa tốn kém tiền bạc để tiêu huỷ vừa bị xử phạt. Chính vì vậy, họ đã bán trôi nổi trên mạng.

Được biết, trước đây, đã xảy ra một số trường hợp như vậy đối với kiwi, táo... Khi hàng quá hạn sử dụng, thối, hỏng, lập tức các nhà nhập khẩu tuồn ra ngoài cho những người bán hàng online. Thời điểm đó, đã có rất nhiều người “ngậm quả đắng” vì hàng mua mất tiền còn mất công đi đổ rác.

Hiện nay, kênh bán hàng online phát triển khá mạnh, người mua chỉ cần 1 cú nhấp chuột là có thể ngồi nhà mua được đủ thứ hàng hoá cần thiết. Tuy nhiên, khi mua hàng trên mạng, đặc biệt là thực phẩm tươi sống, hoa quả tươi... khách hàng cần lựa chọn hết sức kỹ lưỡng, nên mua ở những cửa hàng có uy tín, được đổi trả nếu hàng bị hư hỏng hoặc không đúng như quảng cáo. Đặc biệt, không nên tham rẻ, kẻo “tiền mất tật mang”.

Theo Phương Thuỷ

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên