Sự thật trần trụi về tin tức giả trên Facebook và các mạng xã hội
Nhiều người đang thúc giục Facebook, Google và Twitter phải chịu trách nhiệm và thừa nhận vai trò phát hành thông tin của mình.
- 26-11-2016Chinh phục cả thế giới, vì sao Facebook "gục ngã" ở Trung Quốc?
- 12-11-2016Facebook và Twitter - Vũ khí giúp Donald Trump chiến thắng
- 08-11-2016Lượng giờ xem về bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 trên Facebook bằng 545 năm
Trong suốt cuộc bầu cử tổng thống kỳ lạ nhất trong lịch sử nước Mỹ, mạng Internet có vẻ như đã có một bữa tiệc vui vẻ. Theo nhiều nhà phê bình, các mạng xã hội với những thông tin được lan truyền với tốc độ chóng mặt có một phần trách nhiệm trong vấn đề bùng nổ chia rẽ đảng phái đã âm ỉ từ lâu. Không chỉ vậy, những nền tảng này còn làm suy yếu thêm niềm tin của công chúng vào các hãng truyền thông.
Hậu quả của vấn đề này đã đem nhiều làn sóng chỉ trích tới những mạng xã hội lớn nhất thế giới hiện nay, cụ thể là Facebook và Twitter.
Lỗi do ai?
Sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử, một làn sóng chỉ trích đã nổi lên nhắm tới các tin tức sai sự thật. Theo đó, nhiều câu chuyện sai sự thật trên đã được lan truyền rộng rãi trên Facebook và Twitter hoặc được các thuật toán tìm kiếm của Google truyền bá.
Những tin bài này bao gồm “báo cáo” từ Denver Guardian (một nhà xuất bản không tồn tại) rằng một đặc vụ FBI bị tình nghi đã làm rò rỉ email từ máy chủ cá nhân của bà Hillary Clinton được phát hiện là đã tự tử hoặc bị sát hại. Với tốc độ đặc trưng của dòng chảy tin tức trên Facebook, thông tin này đã nhận được tới 100 lượt chia sẻ chỉ trong một phút trên mạng.
Không phải thông tin sai sự thật nào cũng có lợi cho Donald Trump, dù phần lớn là có lợi. Theo một phân tích từ trang tin BuzzFeed, trong số 20 tin tức sai sự thật nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả nhất trên Facebook trong ba tháng cuối của cuộc bầu cử, 17 tin mang màu sắc ủng hộ ông Trump hoặc chống lại bà Hillary. Tệ hơn, những câu chuyện bịa đặt nhận được sự tương tác rất lớn: người dùng Facebook quan tâm tới các tin tức giả nhiều hơn là top 20 tin tức từ các công ty truyền thông được chứng thực.
Tại Thung lũng Silicon, nơi sùng bái văn hóa tự do và luôn mong bà Clinton trở thành Tổng thống, nhiều người đã lên tiếng chỉ trích vai trò của các công ty công nghệ quyền lực nhất thế giới.
Một trong số đó là ông Justin Kan, một doanh nhân thành đạt và cũng là nhà đầu tư tại Y Combinator, một công ty đầu tư tài chính cho các start-up internet. Theo ông, “mọi người cần đứng lên và chỉ ra rằng những nền tảng này chính là những chiếc máy tuyên truyền hiệu quả cho cả hai bên. Lãnh đạo tại Thung lũng Silicon cần yêu cầu Facebook làm điều đúng đắn”.
Mark Zuckerberg đã bác bỏ phần lớn các chỉ trích này, nhưng đồng thời cũng thừa nhận còn nhiều điều cần phải làm để ngăn chặn sự lan truyền của tin tức giả. Trước áp lực ngày càng tăng, Zuckerberg đã buộc phải nêu ra nhiều biện pháp Facebook đang áp dụng nhằm giải quyết vấn đề này.
CEO của Facebook, Mark Zuckerberg. Ảnh: Bloomberg.
Những biện pháp đang được các công ty internet lớn tiến hành sau cuộc bầu cử đã cho thấy những áp lực mà họ phải chịu đựng. Google và Facebook đã hành động nhằm ngăn chặn hệ thống quảng cáo của mình xuất hiện trên các trang chứa tin tức giả. Bên cạnh đó, Twitter cũng đã chặn hoạt động của một loại các tài khoản có liên quan tới các nhóm cực đoan ủng hộ phe cánh hữu tại Mỹ do các phát ngôn thù ghét.
Có lẽ, các nền tảng số hoá sẽ cần phải làm nhiều hơn nữa để sàng lọc những thông tin sai sự thật hay tình trạng quấy rối trên hệ thống, không chỉ gồm tin tức giả mà còn một loại các hành vi lạm dụng.
Theo ông Philip Howard, một giáo sư tại tổ chức internet thuộc đại học Oxford, Bots – các hệ thống tự động được thiết kế để mô phỏng con người – cũng góp phần lan truyền các tiêu đề tin tức giả trên Twitter. Khoảng một phần năm các tweets về cuộc bầu cử là từ các tài khoản đã đăng tải một lượng lớn bài viết; đây là một bằng chứng rõ rệt cho thấy những tài khoản này là bots thay vì là người dùng thực sự.
Zuckerberg cho biết chỉ 1% tin tức lan truyền trên Facebook là giả. Tuy nhiên, vì độ phủ của Facebook là rất lớn, 1% này tương đương với một lưu lượng truy cập đáng kể.
Cũng theo ông Howard, vị trí hoạt động của các nhóm Bot trên Facebook cho thấy phần lớn các thông tin sai sự thật nhắm tới những người dùng Facebook tại các bang dao động như Ohio và Florida.
"Chúng tôi là công ty công nghệ chứ không phải nhà xuất bản tin tức"
Thất bại trong việc ngăn chặn tin tức giả đã một lần nữa khơi mào các phàn nàn từ thế giới truyền thông truyền thống về việc các công ty số hoá đã cố tình làm ngơ giống như cáo buộc trước đây về vấn đề nội dung có bản quyền.
Google và Facebook luôn tránh gọi mình là các doanh nghiệp truyền thông hay các nhà xuất bản chịu trách nhiệm về những nội dung mình phân phối. Theo ông Robert Thomson, giám đốc điều hành tại News Corp, hành động này chính là phủ nhận số hoá. Ông cũng khẳng định Google và Facebook chính là các nhà xuất bản và nhiệm vụ của một nhà xuất bản là phải bảo vệ và trù liệu nguồn gốc tin tức. Những tập đoàn này không thể chối bỏ trách nhiệm chỉ bằng một câu “Chúng tôi là công ty công nghệ”.
Tuy nhiên, mục đích kinh doanh của các nền tảng internet không đem lại động lực thúc đẩy họ gánh vác trách nhiệm trên. Theo ông Borthwick, với những nền tảng này, sàng lọc thông tin sai sự thật chưa bao giờ là một ưu tiên; với họ, chia sẻ nhiều hơn, kết nối nhiều hơn mới là quan trọng.
Theo một cựu nhân viên của Facebook, các kỹ sư tại đây dựa trên lượt click, thích, bình luận và chia sẻ để đánh giá mức độ thành công của một tính năng mới. Tuy nhiên, theo ông Kan, nội dung chia sẻ của nhiều người dùng chưa chắc đã là những gì họ nghiên cứu, mà thay vào đó, họ chia sẻ bởi những nội dung này ảnh hưởng tới cảm xúc của họ. Và vì thế, nếu tin tức giả nhận được nhiều tương tác, thì các kỹ sư của Facebook thường làm nổi bật những tin tức này, góp phần lan truyền những thông tin gây chia rẽ chính trị sâu sắc.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tin rằng thuật toán sàng lọc tin tức giả là một phạm vi có thể cải thiện. Thay vì thuê nhân viên biên tập kiểm duyệt tin tức, Zuckerberg và nhiều người khác khẳng định các doanh nghiệp internet nên thuê “các biên tập viên công cộng”, những người có thể giúp hướng dẫn và định hình suy nghĩ trong thiết kế sản phẩm và nhiều vấn đề khác có thể ảnh hưởng đến dịch vụ của họ.