Sự thật về mối liên hệ giữa đồ ngọt với bệnh tiểu đường
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Cường, rất nhiều người cho rằng ăn nhiều đường dẫn đến bệnh tiểu đường. Đây là quan niệm sai lầm.
- 12-09-20166 thực phẩm có khả năng "đánh bại" tiểu đường
- 02-08-2016Kinh nghiệm chiến đấu với bệnh tiểu đường của gia đình tôi
- 01-08-2016Mối quan hệ đáng sợ giữa ung thư và tiểu đường
Đến khám bệnh với lý do mệt mỏi, đi tiểu nhiều và khát nước, bà Nguyễn Thị Hoàn trú tại Minh Khai, Hà Nội được chẩn đoán là đái tháo đường loại 2. Bà Hoàn cho rằng đây là một xét nghiệm nhầm bởi vì từ trước đến nay bà rất ghét ăn đồ ngọt, từ kẹo bánh cho đến các loại đồ ăn có đường, nên không thể “thừa đường” được.
Tuy nhiên, khi nghe bác sĩ giải thích về bệnh tiểu đường và mối liên quan tới đồ ngọt, bà Hoàn mới hay từ trước đến nay, bà Hoàn cũng như nhiều người khác chỉ phòng tiểu đường bằng cách giảm ăn đồ ngọt hay các loại đường kính mà không biết rằng chất đường bột mới là thủ phạm quan trọng.
Đã 7 năm nay, bà Cao Thị Hường trú tại Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội bị chẩn đoán tiểu đường, bà quyết định ăn kiêng. Các thực phẩm bà gạt ra khỏi danh sách thực phẩm hàng ngày của mình đó là bánh kẹo, đường các loại, ăn ít cơm. Tuy nhiên, bà Hường lại quay sang ăn khoai sọ, miến, bánh phở.
Điều này vô cùng tai hại bởi đường huyết vẫn tăng cao dù bản thân bà rất có ý thức ăn kiêng. Trong khi chồng bà cũng là bệnh nhân tiểu đường, ăn kiêng rất ít, ông chỉ giảm ăn cơm, ngoài ra các thực phẩm khác vẫn ăn nhưng có giới hạn thì đường huyết của ông lại kiểm soát tốt. Chỉ đến khi, bà Hường tìm đến bác sĩ tư vấn mới ngã ngửa ra, từ trước đến nay bà ăn kiêng sai hoàn toàn với bệnh tiểu đường.
Thạc sĩ Cường cho biết, đa số bệnh nhân bị tiểu đường đều cho rằng đồ ngọt như đường và bánh ngọt phải kiêng tuyệt đối. Điều này hoàn toàn sai lầm.
Bởi vì, trên thực tế nghiên cứu cho thấy tinh bột như khoai tây hoặc bánh mỳ trắng tác động đến đường máu giống như ăn đường kính, đôi khi làm tăng đường máu đột ngột nhiều hơn thức ăn có đường khác. Các loại ngũ cốc toàn phần và rau không tác động đến đường máu nhiều.
Do vậy, ngày nay, việc tính đếm đến lượng chất bột đường ăn vào quan trọng hơn là chuyện loại bỏ chất đường ra khỏi bữa ăn. Ăn một chút đường vẫn tốt.
Đối với bệnh nhân tiểu đường, nếu đi ăn cưới hoặc sinh nhật, bạn hoàn toàn có thể nếm một lát bánh ngọt sau đó hãy thay thế chỗ bánh ngọt đó bằng cách bớt đi một ít cơm hoặc bánh mỳ, các chất bột đường khác.
Nếu ai thích cái gì đó thật ngọt miệng, hãy chọn loại đồ ăn ngọt bằng chất đường thay thế như đường aspartam, đường sacharin... Nhiều loại đường thay thế này không chứa calo nên bạn không cần phải tính đếm đến lượng chất đường trong đó.
Ngoài ra, chế độ ăn giàu chất xơ làm giảm đường máu khá tốt. Ruột tiêu hoá thức ăn chậm hơn nếu như trong thức ăn có nhiều chất xơ, điều đó có nghĩa rằng chất đường sẽ hấp thu vào máu chậm hơn và kết quả là đường máu sẽ tăng chậm hơn.
Chế độ ăn nhiều chất xơ còn giúp làm giảm mỡ máu, giảm cân, tránh táo bón và giảm ung thư đại tràng.
Thực phẩm như rau xanh và quả, ngũ cốc toàn phần, gạo lứt... có nhiều chất xơ. Một số thực phẩm chế biến sẵn cũng cho thêm chất xơ. Khi đi mua hàng, hãy đọc nhãn hàng hoá để biết thông tin dinh dưỡng bên trong.
Infonet