MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sự thật y học từ chuyện Tào Tháo bị 'thần cây đòi mạng', sợ hãi đến giết cả thần y Hoa Đà

10-11-2020 - 11:38 AM | Sống

Câu chuyện về căn bệnh đau đầu kinh niên của Tào Tháo nổi tiếng trong lịch sử TQ vì ngay cả thần y nổi tiếng Hoa Đà cũng không có cơ hội giúp ông chữa khỏi. Y học hiện đại thì sao?

Nguồn cơn bệnh đau đầu kinh niên của Tào Tháo

Trong Tam quốc diễn nghĩa (tác giả La Quán Trung, thế kỷ 14), hẳn không ai không nhớ đến cái chết của cả thần y Hoa Đà và bậc "gian hùng" Tào Tháo - cùng liên quan đến một căn bệnh: đau đầu.

Theo đó, căn bệnh của Tào Tháo ban đầu là thường nằm mơ thấy ác mộng vào ban đêm, ngủ không yên, vì thế có người đề nghị Tào Tháo xây dựng dinh thự mới ở thành Lạc Dương.

Tào Tháo nghe theo, ra lệnh cho những người thợ thủ công xây dựng một công trình gọi là "Kiện Sử điện". Tuy nhiên, khi đang xây nhà, các công nhân bị vướng một gốc cây lê cao hơn 10 mét, không thể chặt hạ, dù đã cố gắng bằng nhiều biện pháp khác nhau.

Nghe tin, Tào Tháo đích thân đến đó, rút ​​kiếm ra chặt lên cây, kết quả sau đó người ta thấy rằng, từ thân cây chảy ra một chất lỏng màu đỏ, giống như máu.

Đến tối, Tào Tháo về nhà ngủ, nửa đêm nằm mơ thấy có một người đầu bù tóc rối mắng: "Ta là thần cây lê, hôm nay ngươi hại cây thiêng của ta, ngươi phải "đền tội" mười lần!".

Từ đó mà bệnh đau đầu của Tào Tháo cứ kéo dài, tái phát thường xuyên, không có cách nào để chữa khỏi...

Cuối cùng, Tào Tháo được giới thiệu có thần y Hoa Đà, mà dân gian truyền rằng có thể "cải lão hoàn đồng", y thuật vô song, bao gồm cả trình độ ngoại khoa.

Thế nhưng, sau khi gặp Hoa Đà, được thần y nói rằng muốn chữa bệnh phải "mổ sọ", Tào Tháo vốn đa nghi lại càng thêm sợ hãi, liền ra lệnh giết Hoa Đà.

"Mổ sọ" ngày xưa tất nhiên được Tào Tháo hình dung như là một kiểu giết người nên trong tiểu thuyết y mới ra tay như vậy.

Bệnh đau đầu theo y học hiện đại

Tất nhiên, trong tiểu thuyết, chi tiết "thần lê đòi mạng" hay nguyên nhân cái chết của Hoa Đà nêu trên chỉ là sản phẩm hư cấu của nhà văn La Quán Trung. Nhưng có một sự thật liên quan đến y học là: Tào Tháo bị những cơn đau đầu hành hạ triền miên, và Hoa Đà đã nêu ra một biện pháp là can thiệp ngoại khoa.

Ngày nay thì kỹ thuật mổ sọ não này đã quá phổ biến, tìm ra và chữa trị được nhiều bệnh liên quan đến sọ não. Điều này càng chứng tỏ tài năng của Hoa Đà là vượt thời gian.

Còn về Tào Tháo, nhận định trên tờ Sức khỏe/99 của Trung Quốc cho rằng, "nguyên nhân chính khiến Tào Tháo đau đầu là do suy nghĩ quá nhiều."

Theo quan điểm của y học cổ truyền Trung Quốc, do suy nghĩ quá nhiều, tỳ vị vận động và chuyển hóa kém, dễ gây ra khí trệ, dẫn đến đầy bụng, khiến khí và huyết không đủ, chân tay yếu ớt, sinh ra khí trệ, thêm vào đó là huyết ứ, đờm ứ. Từ bệnh này sinh ra bệnh khác, vô cùng phức tạp, vòng luẩn quẩn như vậy sẽ làm hao tổn tâm huyết, và khó điều trị dứt điểm.

Y học hiện đại chỉ ra, suy nghĩ quá nhiều, lao tâm khổ tứ có thể gây rối loạn thần kinh đường tiêu hóa, khó tiêu, thậm chí viêm loét dạ dày.

Do đó, việc cân bằng tâm trạng, suy nghĩ, nhịp sống, giải tỏa căng thẳng, áp lực là điều vô cùng cần thiết để giảm nhẹ tình trạng bệnh và duy trì sức khỏe.

Do đó, mặc dù những câu chuyện về sức khỏe trong Tam Quốc diễn nghĩa đã diễn ra từ xa xưa, điển hình là câu chuyện bệnh đau đầu của Tào Tháo nêu trên, được ghi chép lại, nhưng đối với chúng ta, những bài học này vẫn còn nguyên giá trị, có thể học hỏi để chăm sóc sức khỏe bản thân tốt hơn.

Trong đời sống hiện đại, công việc và cuộc sống bận rộn, nhiều áp lực có thể khiến cho nhiều người ở trong tình trạng stress, đau đầu. Việc đơn giản nhất là bạn nên giảm tải công việc, sắp xếp thời gian giữa làm việc và nghỉ ngơi một cách hợp lý.

Nên tăng cường thời gian vận động, đặc biệt là vận động ngoài trời, tắm nắng, thư giãn, để giải tỏa năng lượng ứ trệ trong cơ thể, giảm căng thẳng, thông thoáng đầu óc.

*Theo Health/TT (Dịch, tổng hợp)

Theo Vân Hồng

Pháp luật và bạn đọc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên