Sự tĩnh lặng đáng ngờ của tỷ giá
Dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục, xuất siêu trở lại, kiều hối tiếp tục tăng và thị trường đang “ổn định ở mức lý tưởng”. Vậy điều gì khiến Ngân hàng Nhà nước vẫn không khỏi lo lắng về việc thị trường ngoại hối sẽ biến động vào những tháng cuối năm?
- 05-11-2017Có nên kỳ vọng vào sóng tỷ giá cuối năm?
- 04-11-2017Thủ tướng: Không để tỷ giá tăng mạnh cuối năm
- 26-10-2017Hạ lãi suất, ổn tỷ giá: Hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng
Báo cáo về tình hình kinh tế xã hội được Thủ tướng Chính phủ trình bày trên diễn đàn Quốc hội cho thấy một bức tranh kinh tế nhiều màu sáng.
Những con số khả quan…
Theo báo cáo của Chính phủ, trong 9 tháng đầu năm nay tỷ giá, thị trường vàng, ngoại tệ và giá trị đồng tiền Việt Nam ổn định; đã mua thêm hơn 6 tỷ USD, nâng mức dự trữ ngoại hối quốc gia lên trên 45 tỷ USD - cao nhất từ trước đến nay… Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới, bổ sung và mua cổ phần trong 9 tháng đầu năm đạt 25,5 tỷ USD, tăng 34,3%. Vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục 12,5 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường chứng khoán vượt 800 điểm, cao nhất kể từ năm 2008.
Tính đến hết tháng 9, xuất khẩu tăng 20%, trong đó rau quả tăng 43,4%, hạt điều tăng 25,6%, thủy sản tăng 19,8%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 41,4%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 29,7%; điện thoại và linh kiện tăng 23,6%. Nhập khẩu tăng 22,7% và cuối cùng là có xuất siêu 328 triệu USD.
Về kiều hối, NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, tính đến hết tháng 9/2017 lượng kiều hối chuyển về thành phố đạt 3,375 tỷ USD, tăng 12,5% so với cuối tháng 8 và tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Lượng ngoại tệ dồi dào, cầu thị trường ổn định đã tạo điều kiện để NHNN có những phiên giảm giá mua vào USD. Trên thị trường, tỷ giá niêm yết của các NHTM tuy có điều chỉnh, nhưng chỉ tăng - giảm dưới 10 đồng/USD. Hiện tỷ giá niêm yết của các NHTM phổ biến ở mức mua vào 22.685 đồng/USD và bán ra 22.755 đồng/USD. Sau các phiên điều chỉnh (cả tăng và giảm) của tỷ giá trung tâm tính từ đầu năm đến nay, đồng VND mất giá 1-1,5%. Đây là mức thấp trong bối cảnh đồng USD mất giá đến 9% so với các đồng tiền mạnh khác trên thế giới.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, phương thức điều hành theo tỷ giá trung tâm của NHNN ngày càng nhuần nhuyễn và phát huy tác dụng. Thống kê không chính thức, chỉ trong 1 ngày 10/10/2017- ngày đầu tiên giảm 5 đồng giá mua vào USD (từ 22.725 về 22.720 đồng/USD) NHNN đã mua được khoảng 1 tỷ USD. Sau đó NHNN tiếp tục có hai phiên giảm giá mua vào USD nữa. Động thái này khiến cung VND trên thị trường tăng, lãi suất liên ngân hàng (thị trường vay mượn để bù đắp thanh khoản của các TCTD) tiếp tục giảm, tạo điều kiện để lãi suất trên thị trường 1 (huy động và cho vay từ dân cư, tổ chức kinh tế) giảm theo. Đó là mục đích của nhà điều hành. Nhưng thị trường có diễn biến theo chủ ý của NHNN và điều gì khiến cơ quan quản lý vẫn vô cùng thận trọng trong từng bước đi?
Sao chưa thể lạc quan?
Lâu rồi chúng ta mới xuất siêu trở lại. Nhưng phân tích kỹ thì thấy xuất khẩu vẫn chủ yếu đến từ khu vực doanh nghiệp FDI, tăng đến 22% và cũng chỉ tập trung vào số ít doanh nghiệp. Nói thẳng ra, con số điện thoại và linh kiện tăng 23,6% và xuất siêu 328 triệu USD trong 9 tháng qua có đóng góp đáng kể của Samsung, đặc biệt là sự kiện ra đời Galaxy Note 8.
Trong khi đó, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực, truyền thống của Việt Nam mang lại nguồn thu cho doanh nghiệp trong nước, góp phần nâng cao đời sống cho hàng chục triệu nông dân là gạo, cà phê, tiêu… đang giảm đến mức báo động. Như vậy việc xuất siêu hiện nay chưa thể nói là ổn định và nỗi lo thâm hụt thương mại ảnh hưởng đến điều hành tỷ giá vẫn thường trực. Con số 45 tỷ USD của quỹ dự trữ ngoại hối khiến nhiều người hào hứng. Bởi trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, nhiều bất ổn như hiện nay mà chúng ta có một “kho thóc” lớn sẽ yên tâm hơn. Nhưng hãy nhìn mặt trái của tấm huy chương.
Theo bản tin nợ công số 5 được Bộ Tài chính công bố tháng 9/2017 nợ công của Việt Nam tính đến hết năm 2015 lên tới 61% GDP, tăng 3% so với năm trước đó. Trong đó, nợ nước ngoài chiếm 42% GDP. Nợ Chính phủ so với GDP năm 2015 là 49,2%. Trong năm 2015, tổng dư nợ mà Chính phủ vay là 2,064 triệu tỷ đồng, tương ứng 94,3 tỷ USD. Trong đó, nợ nước ngoài là 39,6 tỷ USD, nợ trong nước là 54,67 tỷ USD. Cuối năm là thời gian phải trả nợ của Chính phủ. Một lượng ngoại tệ không nhỏ sẽ phải dùng vào việc này. Về kiều hối, tuy vẫn duy trì theo xu hướng tăng, nhưng tỷ lệ tăng không được nhiều như những năm trước. Không những thế việc giá bất động sản tăng trở lại, chứng khoán khởi sắc, sẽ khiến cơ quan quản lý lo lắng việc kiều hối không đi vào sản xuất kinh doanh mà chủ yếu đầu cơ, lướt sóng chứng khoán, bất động sản khiến thị trường bất ổn.
Một cầu ngoại tệ khác sẽ tăng mạnh trong những tháng cuối năm (đã thành quy luật) là cho việc nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu. Cần lưu ý là tín dụng ngoại tệ vốn đã tăng từ đầu năm, đồng nghĩa với việc cuối năm cũng là thời gian các doanh nghiệp phải lo ngoại tệ để trả nợ. Cầu ngoại tệ sẽ càng tăng trong những tháng tới, gây sức ép lên tỷ giá.
Bên cạnh đó, cho dù Chính phủ không ép ngành ngân hàng đưa tăng trưởng tín dụng lên mức 21% thì với hạn mức đã được NHNN cấp, các NHTM vẫn sẽ đẩy tín dụng tăng lên 18 -19% trong năm nay. Nghĩa là chỉ trong vòng 3 tháng cuối năm tín dụng còn tăng thêm 6 -7 điểm phần trăm nữa. Thanh khoản ngân hàng sẽ thêm phần căng thẳng khi NHNN bán ngoại tệ ra (để điều tiết thị trường khi cầu ngoại tệ tăng) và thu VND về. Do đó NHNN sẽ phải tính toán rất kỹ để không rơi vào thế khó khi cùng lúc phải đáp ứng nhu cầu thị trường tăng lên đối với cả tiền đồng lẫn ngoại tệ vào những tháng cuối năm.
Ngay lúc này, lãi suất huy động VND của một số NHTM đã rục rịch tăng, cho dù Chính phủ tiếp tục yêu cầu ngành ngân hàng phải giảm tiếp lãi suất cho vay. Một yếu tố khác là động thái Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào tháng 12 tới đây. Những lần tăng lãi suất trước của Fed không tác động nhiều đến tỷ giá trong nước. Nhưng lần này, nếu rơi đúng vào thời điểm căng thẳng cuối năm thì yếu tố đáng lo ngại nhất của nhà điều hành chính là tâm lý thị trường. Việc này vốn rất khó kiểm soát!
Những bước đi tiếp theo của NHNN
Đề án hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 và Đề án giải pháp hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế nhằm chuyển hóa nguồn lực vàng thành tiền phục vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2017 - 2020 đang được NHNN lấy ý kiến đóng góp. Dự kiến hai đề án này sẽ được trình Chính phủ vào tháng 12/2017. Cùng với đó, NHNN đang xây dựng Dự thảo sửa đổi bổ sung Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Những văn bản này chắc chắn sẽ có tác động không nhỏ đến thị trường trong thời gian tới.