MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sự trỗi dậy của châu Á – Đa cực phát triển với Trung Quốc là đầu tàu chủ lực

27-05-2019 - 09:06 AM | Tài chính quốc tế

Trong khi phương Tây đang cho rằng tương lai của châu Á phụ thuộc mạnh mẽ vào Trung Quốc, cả về kinh tế và chính trị, thực tế không hẳn như vậy.

Sáng kiến Vành đai và Con đường thúc đẩy các nước châu Á phát triển nhanh chóng, như Mỹ đã làm với các đồng minh châu Á và châu Âu trong Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, khác với sự phát triển thành một khối thống nhất của Liên minh châu Âu trong thế kỷ XX, các nước lớn ở châu Á đang phát triển tương đối độc lập. Trung Quốc vẫn sẽ là đầu tàu chủ lực, nhưng sự đi lên của Trung Quốc càng thúc đẩy các nước khác ở châu Á nỗ lực mạnh hơn, đưa châu Á trở thành một châu lục phát triển đa cực.

Các nước châu Á đang dần trở nên độc lập hơn trước phương Tây, đặc biệt là với Hoa Kỳ, về mặt quân sự và quốc phòng an ninh. Trước đây, quan điểm phổ biến của phương Tây là hầu như mọi quốc gia châu Á đều dè chừng và chịu ảnh hưởng từ Hoa Kỳ khi đưa ra quyết định ngoại giao hay quân sự cho chính quốc gia mình. Nhưng trong 2 thập kỷ gần đây, các nước lớn ở châu Á dường như đã giảm bớt niềm tin vào Mỹ, sau khi trải qua 3 đời tổng thống, với những cuộc chiến tranh của George W. Bush, sự nửa vời của Barack Obama hay sự khó lường của Donald Trump.

Mặc dù ông Trump đã nhanh chóng thúc đẩy Sáng kiến Ấn Độ – Thái Bình Dương như một đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, nhưng sự gắn bó tự nhiên giữa các quốc gia thuộc cùng một lục địa luôn lớn hơn. Hầu hết các nước châu Á đều nhận ra rằng sự liên kết nguyên thủy về địa lý luôn đáng tin hơn những lời hứa xa xôi của Hoa Kỳ. Mỹ có thể là một cường quốc lớn trong khu vực Thái Bình Dương, nhưng không phải là một cường quốc ở châu Á.

Thêm một điều nữa, phương Tây bấy lâu nay khi nghĩ về châu Á vẫn chủ yếu tập trung vào sự bành trướng của Trung Quốc. Với dân số khổng lồ và quán tính từ hơn 3 thập kỷ phát triển thần kỳ của Trung Quốc, tương lai nước này sẽ đứng ngang bằng với Mỹ về mọi mặt là điều gần như chắc chắn, bất chấp việc Mỹ đang cố gắng làm khó và kìm hãm sự tiến lên của Trung Quốc. Sự đi lên thần tốc của Trung Quốc khiến các nước phương Tây đang nghĩ tới viễn cảnh Mỹ và Trung Quốc sẽ là hai cực mới của thế giới.

Nhưng không hẳn thế, bởi những nước đang phát triển còn lại của châu Á cũng đang thực sự tiềm ẩn sức mạnh khổng lồ. Mặc dù Trung Quốc hiện tại có thể nắm giữ nhiều quyền lực trong khu vực hơn các nước láng giềng, nhưng dân số của nước này đang tăng rất chậm chạp những năm gần đây và dự kiến sẽ đạt đỉnh vào năm 2030. Trong số gần 5 tỷ người ở châu Á hiện nay, có tới 3,5 tỷ người không phải của Trung Quốc. Điển hình, Ấn Độ cũng đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất trong lịch sử nước này.

Trong khi phương Tây đang cho rằng tương lai của châu Á phụ thuộc mạnh mẽ vào Trung Quốc, cả về kinh tế và chính trị, thực tế không hẳn như vậy. Về chính trị, trong lịch sử, Trung Quốc không có truyền thống là một cường quốc thực dân với khả năng áp đặt ảnh hưởng chính trị lên các quốc gia khác trên thế giới, như cách nước Mỹ đang làm. Không giống với Hoa Kỳ, Trung Quốc vẫn rất thận trọng khi can thiệp vào các vấn đề đối ngoại ở khu vực khác.

Về kinh tế, Trung Quốc chủ yếu cần nguồn lực và thị trường ở các nước khác, hơn là biến họ thành thuộc địa. Chiến lược của Trung Quốc là tự mình xây dựng cơ sở hạ tầng để kết nối toàn cầu, nhằm giảm sự phụ thuộc vào bất kỳ nhà cung cấp nước ngoài nào. Cho tới nay và nhiều năm sau nữa, Trung Quốc (và một số quốc gia dọc tuyến đường tơ lụa trên biển như Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ) sẽ đóng vai trò là công xưởng chính của thế giới.

Mặc dù việc Trung Quốc thúc đẩy sáng kiến Vành đai và Con đường không chứng minh rằng họ sẽ thống trị châu Á, nhưng không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng của nước này trong khu vực sẽ ngày càng tăng lên trong tương lai. BRI có thể thúc đẩy quá trình hiện đại hóa và tăng trưởng mạnh tại các nước khác ở châu Á, giống như Hoa Kỳ đã làm với các đồng minh châu Âu và châu Á trong Chiến tranh lạnh.

Tuy vậy, khi gia nhập BRI, các quốc gia khác ở châu Á đã ngầm thừa nhận Trung Quốc là một cường quốc toàn cầu. Giống như thái độ dè chừng của Nhật Bản hay Úc trước sự hỗ trợ nhiệt tình của Mỹ trong Chiến tranh lạnh, Ấn Độ và Nga cũng đang cảnh giác cao độ trước bất kỳ sự xâm phạm nào của Trung Quốc đối với chủ quyền và lợi ích của họ. Mặc dù đã chi 50 tỷ USD trong giai đoạn 2000 đến 2016 cho các dự án cơ sở hạ tầng trong khu vực, nhưng Trung Quốc gần như chưa có được các đối tác trung thành nào. Khái niệm châu Á do Trung Quốc lãnh đạo gần như không được chấp nhận bởi hầu hết người châu Á hiện tại.

Các động thái của Trung Quốc đã truyền cảm hứng cho một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Ấn Độ, Nhật Bản ,Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và các nước khác cũng đầu tư lớn và các quốc gia yếu hơn trong khu vực kết nối với nhau chống lại các cuộc diễn tập quân sự của Trung Quốc. Trong tương lai, vị trí của Trung Quốc sẽ không phải là bá chủ châu Á, nhưng sẽ là đầu tàu chủ lực thúc đẩy sự phát triển chung trong khu vực.

Do đó, càng nhìn xa về tương lai, châu Á càng giống một khu vực đa cực với nhiều nền kinh tế phát triển độc lập tự chủ, khác với mô hình hợp nhất như Liên minh châu Âu trong thế kỷ XX. Châu Á có nhiều quốc gia đang phát triển mạnh và quy mô nền kinh tế lớn sẽ nhanh chóng trở thành cường quốc lớn mạnh trong tương lai gần. Trong sự tiến bộ chung của khu vực, mỗi nước đóng một vai trò khác nhau, từ các quốc gia vùng Vịnh cho tới Ấn Độ, Đông Nam Á, Trung Quốc và Nhật Bản.

Vì các quốc gia châu Á có xu hướng phát triển độc lập nên sự đi lên của mỗi nước sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các nước còn lại tiến lên, để không bị lệ thuộc vào bất cứ nước lớn nào. Khi các nước châu Á phát triển đến nền tảng sánh ngang với phương Tây, họ sẽ tiếp tục với quán tính của sự giàu có và tự tin ngày càng tăng của mình để mở rộng tầm ảnh hưởng đến mọi châu lục khác.

Bài viết tham khảo cuốn "The future is Asian" của tác giả Parag Khanna

Quang Huân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên