MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sự trỗi dậy của Huyndai: Từ hãng xe bảo thủ, chuyên đi theo sau người khác giờ vươn lên thành thế lực đáng gờm, đến Elon Musk cũng phải kiêng nể

25-05-2023 - 11:42 AM | Tài chính quốc tế

“Bằng cách nào, Hyundai trở nên ngầu đến vậy?”

Sự trỗi dậy của Huyndai: Từ hãng xe bảo thủ, chuyên đi theo sau người khác giờ vươn lên thành thế lực đáng gờm, đến Elon Musk cũng phải kiêng nể - Ảnh 1.

Trong khi tất cả còn đang tìm kiếm câu trả lời thật mỹ miều, vị giám đốc điều hành đã dẫn chứng hình ảnh chiếc ô tô kỳ lạ, được lắp ráp hơn 70 năm về trước. Đó là   - mẫu xe được sản xuất tại Michigan vào những năm 1930-1940.

“Hãy đối mặt với sự thật rằng 10 năm trước, chiến lược của chúng ta từng là theo sau thị trường”, SangYup Lee, nhà thiết kế của Hyundai nói và nhấn mạnh, Euisun Chung, Chủ tịch Hyundai, giờ đây muốn hãng ngừng sao chép và vượt lên trên các đối thủ.

“Thông điệp là: Cảm hứng có thể đến từ bất cứ đâu”.

Ioniq 6 - mẫu xe điện Hyundai lấy cảm hứng từ thiết kế của Scarab, đã tạo được tiếng vang lớn. Tại triển lãm ô tô New York hồi tháng 4, nó còn được bình chọn là “Chiếc xe của năm”.

Sự trỗi dậy của Huyndai: Từ hãng xe bảo thủ, chuyên đi theo sau người khác giờ vươn lên thành thế lực đáng gờm, đến Elon Musk cũng phải kiêng nể - Ảnh 2.

Hyundai và Kia, hai nhà sản xuất ô tô nổi tiếng với những mẫu xe rẻ tiền, kém hấp dẫn, nay vươn lên trở thành hai trong số những thương hiệu dẫn đầu mảng xe điện. Năm ngoái, khi được hỏi về tỷ lệ cạnh tranh trong lĩnh vực EV, giám đốc điều hành Ford Jim Farley cho biết: “Thương hiệu tôi chú ý nhất là Hyundai/Kia, các nhà sản xuất đến từ Trung Quốc và Tesla”.

Chủ tịch Euisun Chung đã làm nên cú lội ngược dòng ngoạn mục này. Vào năm 2020, ông nắm quyền kiểm soát tập đoàn từ cha mình là Chung Mong-Koo, sau đó từng bước đưa Hyundai trở thành nhà sản xuất ô tô lớn thứ ba thế giới với 6,85 triệu chiếc xe bán ra hồi năm ngoái, chỉ sau Toyota và Volkswagen. Giờ đây, tập đoàn, hiện là nhà bán xe điện lớn thứ ba tại Mỹ, đang nhắm đến một đối thủ đáng gờm hơn: Tesla.

Theo Michael O'Brien, cựu phó chủ tịch Hyundai, thành công to lớn của Tesla với Model 3 đã chứng minh rằng thị trường EV lớn hơn nhiều so với những gì người ta vẫn tưởng, từ đó thúc đẩy Hyundai và Kia bước đi nhanh hơn.

Sự trỗi dậy của Huyndai: Từ hãng xe bảo thủ, chuyên đi theo sau người khác giờ vươn lên thành thế lực đáng gờm, đến Elon Musk cũng phải kiêng nể - Ảnh 3.

“Chúng ta không sợ rủi ro. Chúng ta sẽ đáp trả”, Chủ tịch Euisun Chung khẳng định.

Theo WSJ, Hyundai và Kia tăng cường tuyển dụng, đồng thời thu hút một loạt các nhà thiết kế nổi tiếng. Mục tiêu là biến những chiếc xe vốn bị cho là lỗi thời trông trở nên cuốn hút và sang trọng hơn. Ông Jim Farley thậm chí còn ca ngợi mẫu xe Ioniq 5 Hyundai ra mắt vào năm 2021, lưu ý rằng một số tính năng còn tốt hơn cả Ford.

“Công ty đó đã thực sự đạt được bước tiến với xe điện”, ông Jim Farley nói.

“Hyundai đang hoạt động khá tốt”, Elon Musk cũng dành lời khen cho Hyundai.

Được biết, Hyundai và Kia thuộc một tập đoàn sở hữu nhiều nhà máy thép, công ty đóng tàu và xây dựng. Nó phần lớn được kiểm soát bởi gia đình ông Chung vì tỷ lệ cổ phần đóng góp.

Sự trỗi dậy của Huyndai: Từ hãng xe bảo thủ, chuyên đi theo sau người khác giờ vươn lên thành thế lực đáng gờm, đến Elon Musk cũng phải kiêng nể - Ảnh 4.

Hyundai bắt đầu kinh doanh ô tô vào năm 1967, khi đất nước vẫn còn lo phục hồi sau chiến tranh. Những chiếc xe nội địa đầu tiên, chẳng hạn như Pony và Excel, có giá thành phải chăng nhưng dễ gặp vấn đề về máy móc. Trong khi đó, Kia bắt đầu ra nhập thị trường vào năm 1944 với tư cách nhà sản xuất phụ tùng và xe đạp. Sau khi hãng này tuyên bố phá sản vào năm 1977, Hyundai đã mua phần lớn cổ phần và tái định hình xe Hàn quốc dân.

Sau khi lên nắm quyền vào năm 1996, Chung Mong-Koo ưu tiên giải quyết các vấn đề về chất lượng và đại tu các hoạt động sản xuất. Các quyết định chủ yếu được đưa ra bởi các giám đốc điều hành tại Seoul.

“Ở Hàn Quốc, Hyundai luôn được biết đến là công ty bảo thủ”, Frank Ahrens, cựu giám đốc truyền thông của Hyundai cho biết khi nhắc tới các chiến lược trước đây của hãng. Được biết, cả Hyundai và Kia đều phản ứng chậm trước sự bùng nổ của SUV ở Mỹ, bất chấp lời kêu gọi từ các giám đốc điều hành. Trong nhiều năm, họ đã không làm gì nhiều để mở rộng nhà máy và kết quả là phải vật lộn gia tăng công suất cho đủ sản lượng.

Sự trỗi dậy của Huyndai: Từ hãng xe bảo thủ, chuyên đi theo sau người khác giờ vươn lên thành thế lực đáng gờm, đến Elon Musk cũng phải kiêng nể - Ảnh 5.

Một vấn đề khác là sự gia tăng các vụ trộm nhằm vào Hyundai và Kia. Một số tiểu bang và công ty bảo hiểm đã kiện công ty về vấn đề này. Kết quả, Hyundai và Kia đồng ý trả tới 200 triệu USD cho các chủ sở hữu bị mất cắp.

Thế rồi, sau nhiều năm dậm chân tại chỗ, Hyundai bất ngờ thay đổi quyết định. JP Garvey, một đại lý của Hyundai và Kia ở New York cho biết: “Họ sẽ tung ra động cơ mới bất cứ khi nào chúng sẵn sàng. Họ cũng sẽ liên tục thực hiện những thay đổi nhỏ và không dừng lại”.

Tại triển lãm ô tô New York hồi tháng 4, thương hiệu hạng sang của Hyundai đã trình làng phiên bản thể thao của chiếc SUV GV80 mới. José Muñoz, giám đốc điều hành của Hyundai, cảm thấy vô cùng tự hào: “Thành công lớn đến nỗi các lãnh đạo ở Hàn Quốc đã quyết định ngay trong đêm đó để đưa nó vào sản xuất. Không có bất kỳ tranh cãi nào cả. Một khi quyết định được đưa ra, việc thực thi sẽ diễn ra rất nhanh chóng”.

Ông Euisun Chung quyết định thuê nhà thiết kế Peter Schreyer từ Volkswagen, sau đó bổ nhiệm ông làm giám đốc thiết kế. Đây là người ngoại quốc đầu tiên đạt đến cấp độ này trong lịch sử phát triển của Hyundai.

“Chủ tịch muốn một cái gì đó mới mẻ và trọng tâm là kiểu dáng đẹp”, Ray Ng, cựu thiết kế của Kia, cho biết.

Sự trỗi dậy của Huyndai: Từ hãng xe bảo thủ, chuyên đi theo sau người khác giờ vươn lên thành thế lực đáng gờm, đến Elon Musk cũng phải kiêng nể - Ảnh 6.

Cú hích lớn nhất của Chủ tịch Chung dành cho xe điện. Thị trường EV lúc bấy giờ đặt ra rất nhiều thách thức và gần như tất cả xe điện của Hyundai và Kia đều được sản xuất bên ngoài nước Mỹ. Tuy nhiên, sửa đổi đối với khoản tín dụng thuế liên bang trị giá 7.500 USD đã khiến các mẫu xe điện sản xuất tại nước ngoài không đủ điều kiện hưởng trợ cấp. Doanh số xe điện Hyundai và Kia tại Mỹ theo đó giảm mạnh.

Một tổ hợp nhà máy mới trị giá 5,5 tỷ USD đang được xây dựng để cả Hyundai và Kia có thể sản xuất xe điện ở Georgia. Việc sản xuất tế bào pin dự kiến sẽ bắt đầu vào nửa cuối năm 2025 để đạt công suất sản xuất hàng năm là 35 GWh, từ đó hỗ trợ sản xuất 300.000 chiếc xe điện.

O'Brien, cựu phó chủ tịch, cho biết thành công của Tesla với Model 3 đã khiến Hyundai mở rộng tầm mắt: “Người dân Hàn Quốc và Hyundai coi Tesla là một công ty công nghệ hơn là một công ty xe hơi. Thay vì tập trung vào 4 bánh, dầu và phanh, họ tập trung vào công nghệ và điều đó rất hấp dẫn Hàn Quốc”.

Trong khi các nhà sản xuất ô tô còn đang do dự về việc liệu pin EV có quá đắt, Chủ tịch Chung không hề nản lòng, thậm chí đặt mục tiêu đưa Hyundai và Kia trở thành nhà bán xe điện lớn thứ ba trên toàn cầu vào năm 2030.

“Chúng tôi đang phát triển thêm 2 nền tảng nữa và dự kiến ra mắt 18 mẫu xe vào năm 2030. Chúng tôi đặt mục tiêu bán 2 triệu chiếc xe điện mỗi năm vào năm 2030”, giám đốc điều hành Hyundai Jaehoon Chang nói với CNBC.

Sự trỗi dậy của Huyndai: Từ hãng xe bảo thủ, chuyên đi theo sau người khác giờ vươn lên thành thế lực đáng gờm, đến Elon Musk cũng phải kiêng nể - Ảnh 7.

Được biết, các sản phẩm xe điện của hãng hiện đang được phát triển dựa trên nền tảng EV tiên tiến E-GMP. Mẫu crossover SUV Ioniq 5 2021 là mẫu xe đầu tiên trong dòng Ioniq chuyên tập trung vào xe điện và được phát triển dựa trên E-GMP.

“Điều quan trọng là chúng tôi có một nền tảng EV chuyên dụng. E-GMP là công cụ hỗ trợ mạnh mẽ giúp đảm bảo hiệu suất, độ tin cậy và khả năng sử dụng của xe EV”, Chang nói.

Việc Ioniq 6 lấy cảm hứng từ Stout Scarab là một ví dụ về cách Hyundai tạo sự khác biệt nhờ thiết kế. Hình dáng thuôn dài gợi lại những năm 1930-1940 - thời điểm các mẫu xe hơi đa phần học tập kiểu dáng từ ngành công nghiệp hàng không vũ trụ.

Sự trỗi dậy của Huyndai: Từ hãng xe bảo thủ, chuyên đi theo sau người khác giờ vươn lên thành thế lực đáng gờm, đến Elon Musk cũng phải kiêng nể - Ảnh 8.

Khi nhu cầu đối xe điện tăng cao thời kỳ đại dịch, Hyundai-Kia là một trong số ít các công ty trưng bày nhiều mẫu mã tại các đại lý. Khách tới mua EV chủ yếu là khách lần đầu và thuộc phân khúc dư dả.

Andrew Mancall, bác sĩ đến từ Portland, Maine, là một trong số rất nhiều những khách hàng mới Hyundai. Từng sở hữu một chiếc Audi, anh chàng này quyết định chuyển sang xe điện và đăng ký danh sách chờ của Ford Mustang Mach-E.

Tuy nhiên, Hyundai Ioniq 5 đã hoàn toàn thuyết phục được anh, thậm chí có tính năng còn tốt hơn cả Ford.

“Tôi có phải fan hâm mộ của Hyundai không? Một vài năm trước, câu trả lời là ‘Không’, nhưng giờ là ‘Có’!”, Andrew Mancall nói.

Theo CNBC, Hyundai ghi nhận lợi nhuận ròng tăng 92% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý I/2023, chủ yếu nhờ thị trường Mỹ và Châu Âu thúc đẩy. Lợi nhuận ròng đạt 3,42 nghìn tỷ won (2,56 tỷ USD), tăng từ 1,78 nghìn tỷ won cùng kỳ năm trước. Doanh thu tăng 24,7% so với cùng kỳ năm ngoái, từ 30,3 nghìn tỷ won lên 37,78 nghìn tỷ won.

Chia sẻ với CNBC, Hyundai còn muốn thâm nhập thị trường tiêu dùng của Trung Quốc.

Sự trỗi dậy của Huyndai: Từ hãng xe bảo thủ, chuyên đi theo sau người khác giờ vươn lên thành thế lực đáng gờm, đến Elon Musk cũng phải kiêng nể - Ảnh 9.

“Chúng tôi có một liên doanh ở Trung Quốc và hiện đang nghiên cứu để phát huy tối đa năng lực cạnh tranh tại đây”, Chủ tịch Euisun Chung nói. “Đầu tiên là tối ưu hóa năng lực hoạt động ở Trung Quốc. Bước tiếp theo là tập trung vào danh mục sản phẩm để hấp dẫn khách hàng địa phương nhờ chức năng phần mềm, thiết kế và phần cứng”.

Ngoài ra, hãng cũng sẽ tích cực xây dựng cơ sở hạ tầng sạc tốc độ cao để tối đa hóa sự thuận tiện cho khách hàng, song song với kế hoạch mở rộng không ngừng mạng lưới sạc tại Hàn Quốc. Vào tháng 4/2021, tập đoàn này đã ra mắt E-pit, một thương hiệu sạc EV tốc độ cao.

Theo: WSJ, CNBC

Theo Huệ Anh

Nhịp sống thị trường

Từ Khóa:
Trở lên trên