Sự trỗi dậy không thể đảo ngược của TQ và tham vọng "chiêu mộ" Maradona của Đặng Tiểu Bình
Trong cuộc phỏng vấn với SCMP, Prodi nói: "Kể cả ý định là ngăn chặn Trung Quốc thì cũng quá muộn rồi. Quá muộn. Quá muộn. Tới giờ thì Mỹ là số một nhưng sự phát triển của Trung Quốc là không thể đảo ngược".
Không thể trì hoãn sự trỗi dậy của Trung Quốc
Vào thời điểm khi mà phần lớn phương Tây đều đang băn khoăn về bản chất của sự tiếp xúc giữa mình và Trung Quốc thì một trong những cựu chính trị gia lão luyện của châu Âu lại tin rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đi chệch hướng.
Romano Prodi, cựu Thủ tướng Italy, đồng thời là cựu Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, cho biết: Căn cứ vào hơn 30 năm kinh nghiệm đối phó với Trung Quốc của ông thì chiến lược trì hoãn sự trỗi dậy của Trung Quốc mà ông Trump đang thực hiện - bằng cách tạo ra những rào cản như cuộc chiến thương mại - sẽ thất bại.
Trong cuộc phỏng vấn với SCMP, Prodi nói: "Kể cả ý định là ngăn chặn Trung Quốc thì cũng quá muộn rồi. Quá muộn. Quá muộn. Tới giờ thì Mỹ là số một nhưng sự phát triển của Trung Quốc là không thể đảo ngược".
Quá trình tiếp xúc với Trung Quốc và lãnh đạo đất nước tạo điều kiện cho Prodi có một cái nhìn sâu sắc hơn vào những người đứng phía sau bộ máy cứng rắn của Bắc Kinh và cung cấp một số manh mối có giá trị về cách tư duy cũng như mối quan tâm của họ.
Khoảng cuối thế kỷ 20, trước khi gặp Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân, đội ngũ nhân viên của Prodi ở Brussels phải chuẩn bị một bộ hồ sơ dày cộp để ông trao đổi với vị khách của mình.
Tuy nhiên, lãnh đạo Trung Quốc lại quan tâm tới một lĩnh vực đặc biệt - điều đã được ám chỉ trong những kế hoạch dài hạn nhằm vươn lên thành một nhân tố chính trên trường quốc tế của nước này. Giang Trạch Dân đặc biệt quan tâm tới kế hoạch đưa vào sử dụng đồng euro - đồng tiền bắt đầu được lưu hành từ năm 2002.
Vừa yên vị, ông Giang đã nói với Prodi rằng: "Các đơn vị tiền tệ của châu Âu sẽ biến mất ư? Về lâu về dài, chúng tôi sẽ mua euro nhiều tương đương với USD bởi nếu có một loại tiền tệ khác được lưu hành cùng với USD thì cũng sẽ có chỗ cho đồng nhân dân tệ".
Ông Romano Prodi và ông Giang Trạch Dân. Ảnh: AFP
Trước đó vài năm, ở thời kỳ đầu cải cách và mở cửa do Đặng Tiểu Bình khởi xướng, Prodi đã biết rằng, ngay cả những người kế nhiệm Mao Trạch Đông cũng không miễn nhiễm với danh tiếng ngôi sao.
Năm 1987, Prodi tới thăm với vai trò là người đứng đầu Viện Tái thiết Công nghiệp Italy, cơ quan đang làm việc với tập đoàn nhà nước Trung Quốc Citic để xây dựng các nhà máy điện. "Giám đốc của Citic nói với tôi rằng: Chúng tôi đã ký hợp đồng, nhưng tôi có một vấn đề rất tế nhị mà tôi muốn trực tiếp trao đổi với ông. Thế rồi, chúng tôi đi sang phòng khác".
Hóa ra đó là một lời nhắn từ chính Đặng Tiểu Bình, có liên quan tới siêu sao bóng đá Argentina Diego Maradona, người lúc đó đang chơi cho câu lạc bộ Italy Napoli. Giám đốc Citic nói với Prodi rằng: "Đặng Tiểu Bình, ông ấy muốn thấy Maradona chơi bóng ở Trung Quốc".
"Đặng nói rằng nếu Maradona tới Trung Quốc, anh ta sẽ chơi ở sân vận động Bắc Kinh và 600 triệu người sẽ xem trận đấu qua màn hình vô tuyến", Prodi kể lại.
Cựu Thủ tướng Italy đã dự cảm về tham vọng lớn lao của Trung Quốc khi thấy các lãnh đạo nước này tìm cách thu hút một trong những ngôi sao thể thao hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, Maradona lại không mấy ấn tượng bởi đề xuất này. Anh ta ra điều kiện đậm chất tư bản, điều mà Trung Quốc cảm thấy không thể đáp ứng. "Maradona nói rằng: Tôi sẽ không tới nếu ông không trả tôi 300 triệu lira [tương đương 230.000 USD vào lúc đó] bởi đưa tôi ra khỏi Italy không nằm trong hợp đồng", Prodi nói.
Nên tiếp cận Trung Quốc ở khoảng cách gần
Prodi cho biết, trải nghiệm với Liên Xô lúc đó khiến ông tin rằng "Trung Quốc khác biệt" so với những nước Cộng sản khác thời ấy.
Năm 1984, công ty của Prodi được ủy nhiệm xây dựng đường ống ở thành phố Stalingrad (Nga - giờ là Volgograd) và 2 năm sau lại được đề nghị tiến hành một dự án ở cảng Thiên Tân (Trung Quốc).
Theo Prodi, công nhân Trung Quốc có vẻ học hỏi nhanh hơn và làm việc hiệu quả hơn người Liên Xô, tới mức khi cả hai dự án bước vào giai đoạn hoàn thiện, "các kỹ thuật viên trẻ tuổi người Trung Quốc còn được đưa tới để làm việc ở dự án của Nga".
Giờ đây, châu Âu cần phải đối phó với Tập Cận Bình, một lãnh đạo Trung Quốc cũng yêu bóng đá, người đã có những động thái nhằm thu hút chính phủ hiện tại của Italy tham gia vào Sáng kiến Vành đai - Con đường, khiến một số quốc gia châu Âu không hài lòng.
Hồi đầu năm nay, lần đầu tiên Ủy ban Châu Âu đề cập tới Trung Quốc như một "đối thủ có hệ thống" trong tài liệu chính sách chiến lược, mặc dù trong đó cũng nhắc tới những lĩnh vực nhất định mà hai bên có thể hợp tác.
Dù vậy, theo quan điểm của Prodi thì chiến lược tốt nhất là tiếp cận Trung Quốc ở khoảng cách gần nhất có thể nhằm tạo phạm vi tối đa cho những lợi ích chung mà về dài hạn có thể mở đường cho cái mà ông gọi là "hội tụ chính trị".
"Tôi đã cố gắng hiểu từng bước một. Tất nhiên, tôi cũng đặt hy vọng vào khả năng hội tụ của các hệ thống chính trị", Prodi nói, "Nhưng chuyện này không diễn ra sớm như tôi tưởng, kể cả sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới [năm 2001]".
Người Lao động