MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cô độc, bị "cả thế giới" quay lưng, ông chủ Evergrande đang làm gì để vượt qua đại nạn?

11-10-2021 - 15:03 PM | Tài chính quốc tế

Cô độc, bị "cả thế giới" quay lưng, ông chủ Evergrande đang làm gì để vượt qua đại nạn?

Kể cả nếu tỷ phú Hứa Gia Ấn an toàn vượt qua sóng gió, đế chế của ông chắc chắn phải thay đổi hình hài bởi tham vọng thay đổi mô hình phát triển kinh tế của Chủ tịch Tập Cận Bình.

4 năm trước, Jack Ma và Hứa Gia Ấn là 2 tỷ phú cạnh tranh gay gắt ngôi vị tỷ phú giàu nhất châu Á. Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, thời gian gần đây cả hai đều đang gặp vận rủi. Trong đó, tài sản của vị Chủ tịch họ Hứa đang tụt dốc không phanh và đế chế bất động sản từng rất hung mạnh của ông đang bên bờ sụp đổ.

Đó là cái kết buồn cho người đàn ông đã nỗ lực hết mình vượt thoát khỏi gia cảnh nghèo khó và thành công rực rỡ khi đã xây dựng được một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất thế giới. Trong quá trình ấy ông cũng gặp không ít khó khăn nhưng thường nhận được sự giúp đỡ của những người bạn tỷ phú và chính quyền địa phương nơi ông phát triển dự án. Lần này, với tổng các nghĩa vụ nợ lên đến 305 tỷ USD và giá trị các tài sản của Evergrande đều lao dốc, ông đang trở nên cô độc hơn bao giờ hết.

"Không có ai quan tâm đến việc giúp đỡ ông ấy. Với tình thế hiện nay, tôi không nghĩ là Hứa Gia Ấn có mối quan hệ nào để có thể bấu víu", theo Desmond Shum, tác giả cuốn sách "Red Roulette" viết về các tỷ phú ở Trung Quốc.   

Xung quanh ông hiện có rất nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ, trong đó có câu hỏi liệu ông có giữ được Evergrande hay không. Tỷ phú Zhang Jindong, một trong những người bạn thân thiết nhất của ông, đã mất đi mảng bán lẻ khi tập đoàn Suning mà Zhang dày công gây dựng phải nhận cứu trợ từ chính phủ hồi tháng 7. Các lãnh đạo của những doanh nghiệp thất bại khác thậm chí đối mặt với số phận còn nghiệt ngã hơn, từ phải ngồi tù cho đến lĩnh án tử hình.

Evergrande đang trở thành một trong những minh chứng hùng hồn nhất cho 2 chiến dịch mà Trung Quốc đang ráo riết thực hiện: trừng phạt các tập đoàn vay nợ vô tội vạ và giảm thiểu rủi ro trên thị trường nhà đất. Evergrande và các công ty bùng nổ nhờ kết hợp nhiều kênh vay nợ: phát hành trái phiếu USD, bán cổ phần, vay ngân hàng (cả qua kênh chính thức và từ các ngân hàng trong bóng tối). Chắc chắn tập đoàn sẽ phải trải qua vụ tái cấu trúc nợ có thể là lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Cô độc, bị cả thế giới quay lưng, ông chủ Evergrande đang làm gì để vượt qua đại nạn? - Ảnh 1.

Giá cổ phiếu Evergrande lao dốc mạnh từ đầu năm đến nay. Nguồn: Bloomberg.

Kể cả những bên hậu thuẫn Hứa Gia Ấn lâu năm nhất cũng đang dần mất kiên nhẫn. Chinese Estates Holdings, tập đoàn của ông trùm bất động sản Joseph Lau, đang bán tháo cổ phiếu Evergrande và cho biết có thể thoái vốn hoàn toàn.

Hiện Hứa Gia Ấn vẫn đang lãnh đạo Evergrande. Hồi tháng 7, ông xuất hiện trước công chúng là tại lễ kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra tại quảng trường Thiên An Môn và đã thể hiện rất rõ những mối quan hệ đầy quyền lực của mình. Còn gần đây nhất, Hứa Gia Ấn đã có cuộc họp với các nhân viên và ký vào bản thông cáo nhấn mạnh Evergrande ưu tiên việc hoàn thành các dự án đã bán hết.

Thiếu đi sự hậu thuẫn công khai từ những mối quan hệ thân thiết như trước kia trong khi tài sản cá nhân đã "bốc hơi" 15 tỷ USD kể từ đầu năm đến nay, Hứa Gia Ấn buộc phải đẩy mạnh nỗ lực cứu Evergrande bằng cách bán cổ phần tại những công ty con từng là niềm tự hào của ông. Theo nguồn tin thân cận, ông đã bán một lượng lớn cổ phần tại công ty dịch vụ bất động sản cho 1 tỷ phú khác.

Năm lần bảy lượt thoát nạn

Trong quá khứ, Hứa Gia Ấn từng đối mặt với nhiều sóng gió. Sinh năm 1958 tại tỉnh Hồ Nam, ông mất mẹ từ khi còn nhỏ. Bố ông làm nghề xẻ gỗ để kiếm sống qua ngày. Giáo dục là cánh cửa để ông trốn thoát khỏi nghèo đói. Ông tốt nghiệp Viện khoa học và công nghệ Vũ Hán năm 1982, thời điểm nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình mở cửa nền kinh tế. Ban đầu ông làm việc cho 1 công ty thép nhưng bỏ việc năm 1992 để thử vận may trong lĩnh vực bất động sản.

Năm 1996, ông lập ra Evergrande, đặt trụ sở ở Quảng Châu. Những thập kỷ sau đó, Evergrande đã lớn mạnh thành tập đoàn sở hữu số đất đai có diện tích lớn gấp 5 lần Manhattan. Không chỉ dừng lại ở bất động sản, ông còn lấn sân sang các lĩnh vực khác như nước đóng chai, giải trí trực tuyến, ngân hàng bảo hiểm và cả sở hữu các đội bóng đá và bóng chuyền. Hứa Gia Ấn từng tuyên bố sẽ vượt mặt Elon Musk với "công ty xe điện hùng mạnh nhất thế giới".

Evergrande càng lớn mạnh thì tài sản của Hứa Gia Ấn cũng tăng vọt. Ở đỉnh cao, giá trị tài sản cá nhân của ông đạt 42 tỷ USD. Và trong khi Evergrande trở thành "chúa nợ" thì tính riêng từ năm 2011 đến nay ông cũng đút túi 8 tỷ USD tiền cổ tức.

Ông từng quả quyết những lĩnh vực mà Evergrande đang theo đuổi hoàn toàn phù hợp với những ưu tiên hàng đầu của các nhà lãnh đạo đất nước, đặc biệt là Chủ tịch Tập Cận Bình – từ tham vọng Trung Quốc nắm trong tay những công nghệ tân tiến nhất của thế giới cho đến vô địch World Cup. Ông cũng là thành viên của ủy ban chuyên tư vấn chính sách cho chính phủ. Năm 2018, Hứa Gia Ấn có mặt trong danh sách 100 doanh nhân tiêu biểu nhất cả nước.

Ông thường tự hào Evergrande tạo ra hàng triệu việc làm và đóng hàng tỷ nhân dân tệ tiền thuế, đồng thời là người đứng đầu danh sách các tỷ phú làm từ thiện nhiều nhất ở Trung Quốc do Forbes thống kê.

Cô độc, bị cả thế giới quay lưng, ông chủ Evergrande đang làm gì để vượt qua đại nạn? - Ảnh 2.

Trụ sở Evergrande ở Thâm Quyến. Ảnh: Gilles Sabrie/Bloomberg.

Tuy nhiên tất cả những điều này không thể làm lu mờ những lo ngại về núi nợ khổng lồ của Evergrande. Năm 2018, nợ của Evergrande phình lên hơn 100 tỷ USD và bị NHTW Trung Quốc chỉ đích danh là tập đoàn có thể gây ra rủi ro cho hệ thống tài chính (3 cái tên còn lại là HNA Group, Tomorrow Holding và Fosun International). Thời huy hoàng của các tập đoàn bành trướng bằng những vụ M&A hoành tráng nhưng được tài trợ bằng tiền đi vay đã chấm dứt.

Một mặt, Hứa Gia Ấn cam kết sẽ giảm nợ. Mặt khác, giống như nhiều lần khác trong quá khứ, ông quay sang huy động tiền từ bạn bè và các mối quan hệ. Kể từ 2018, các công ty của Hứa thực hiện các giao dịch có tổng giá trị 3,6 tỷ USD với những tập đoàn bất động sản thuộc sở hữu của 3 người bạn tỷ phú thường chơi bài poker cùng ông.

Tuy nhiên cơ quan quản lý vẫn tiếp tục "siết chặt vòng kim cô". Cuối cùng thì các khoản vay từ các ngân hàng trong bóng tối (chiếm gần 1/3 nợ của Evergrande trong năm 2019) cạn kiệt. Những khoản vay không rõ ràng, thông qua các công ty liên doanh, cũng giảm. Và Evergrande hoàn toàn bị chặn nguồn tín dụng mới với chính sách "3 lằn ranh đỏ" mà chính phủ Trung Quốc áp dụng để giảm tỷ lệ đòn bẩy tại các doanh nghiệp bất động sản.

Từ năm ngoái Hứa Gia Ấn đã phải đối mặt với khủng hoảng thanh khoản. Dự định niêm yết cửa hậu mảng kinh doanh tại đại lục thất bại khiến Evergrande không thể tìm ra ra tiền để thanh toán 20 tỷ USD cho các nhà đầu tư. Trên mạng xuất hiện lá thư được cho là Evergrande gửi chính quyền tỉnh Quảng Đông cảnh báo tập đoàn đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ, mặc dù sau đó Evergrande tuyên bố đó là tài liệu giả mạo. Không lâu sau đó Evergrande đạt được thỏa thuận hoãn trả nợ nhờ sự hậu thuẫn của một số quan chức địa phương. Hứa Gia Ấn thoát được thảm họa trong gang tấc, nhưng rắc rối lại sớm ập đến.

Trên báo chí bắt đầu xuất hiện những tin tức về việc Evergrande bị nhà cung ứng kiện vì không trả nợ đúng hạn. Một số tìm cách đóng băng tài sản của Evergrande, một số kiên quyết ngừng thi công. Chính quyền địa phương không còn giúp đỡ Hứa Gia Ấn nữa, ít nhất bên ngoài là vậy, bởi chính quyền trung ương thể hiện rất rõ quyết tâm siết chặt kỷ cương trên thị trường bất động sản.

Thời đại mới

Bất chấp quy mô khổng lồ của Evergrande và những hệ lụy có thể xảy ra nếu nó phá sản, không có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh sẽ giải cứu. Tổng biên tập của tờ Thời báo Hoàn cầu, viết trên Weibo rằng không thể coi những tập đoàn như Evergrande là "quá lớn để sụp đổ".

Theo Donald Low, lãnh đạo Viện nghiên cứu thị trường mới nổi trực thuộc ĐH Khoa học và Công nghệ Hong Kong, 1 gói cứu trợ lớn dành cho Evergrande sẽ tạo ra rủi ro đạo đức và quan trọng hơn là trái với mục tiêu thịnh vượng chung mà ông Tập nhấn mạnh trong thời gian gần đây. 

Thay vào đó, Hứa Gia Ấn đang nỗ lực bán tài sản hòng tìm kiếm tiền mặt để trả cho các chủ nợ. Danh sách chủ nợ của Evergrande rất dài, từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã mua các sản phẩm đầu tư lợi suất cao (tổng giá trị khoảng 40 tỷ nhân dân tệ) cho đến 1,6 triệu người mua nhà đã thanh toán hết tiền dù nhà chưa xây xong và rất nhiều các nhà đầu tư trái phiếu ở cả trong và ngoài nước.

Theo Kenny Ng, chiến lược gia của Everbright Sun Hung Kai, nếu Evergrande có thể bán tài sản thành công, họ sẽ trả được các khoản nợ ngắn hạn nhưng điều đó cũng đồng nghĩa tiềm năng tăng trưởng trong tương lai bị giảm đi đáng kể.

Trong khi Hứa Gia Ấn ngày càng trở nên cô độc, chỉ có thời gian mới có thể đem đến câu trả lời cho câu hỏi liệu lần này ông có vượt qua được đại nạn hay không. Và kể cả nếu tỷ phú Hứa an toàn vượt qua sóng gió, đế chế của ông chắc chắn phải thay đổi hình hài bởi tham vọng thay đổi mô hình phát triển kinh tế của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Lực lượng lao động suy giảm đồng nghĩa "Trung Quốc buộc phải dựa vào năng lực thực sự để kinh tế có thể tăng trưởng". "Một tập đoàn bất động sản nợ quá nhiều và hoạt động không hiệu quả như Evergrande không phù hợp với mục tiêu đó", Alejandra Grindal, chuyên gia kinh tế trưởng của Ned Davis Research, nhận định.

Tham khảo Bloomberg

Thu Hương

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên