MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sự xuất hiện của AMACCAO: Từ sân bay Vân Đồn, Nội Bài, Điện Biên, dự án điện rác lớn thứ 2 Đông Nam Á đến gói thầu 8.100 tỷ tại sân bay Long Thành

21-08-2023 - 07:54 AM | Doanh nghiệp

Sự xuất hiện của AMACCAO: Từ sân bay Vân Đồn, Nội Bài, Điện Biên, dự án điện rác lớn thứ 2 Đông Nam Á đến gói thầu 8.100 tỷ tại sân bay Long Thành

AMACCAO Group cũng là chủ đầu tư của 2 dự án nhà máy điện gió ở tỉnh Quảng Trị và 3 dự án nhà máy thủy điện tại Lai Châu.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) ngày 3/8/2023 đã thông báo nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật cho gói thầu số 4.6 có tổng mức đầu tư hơn 8.100 tỷ đồng, là gói thầu lớn thứ 2 thuộc dự án thành phần 3 của đại công trình sân bay Long Thành, sau gói 5.10 trị giá 35.000 tỷ.

Nhà thầu duy nhất đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật là liên danh Tổng Công ty xây dựng công trình hàng không ACC – TCT Xây dựng Trường Sơn – Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) – CTCP Phát triển Đầu tư Xây dựng Việt Nam – CTCP Tập đoàn Cienco4 – CTCP Xây dựng công trình hàng không Sáu Bốn Bảy.

Một trong những nhà thầu tham gia liên danh, CTCP Phát triển Đầu tư Xây dựng Việt Nam (Vinadic) là thành viên Tập đoàn AMACCAO (AMACCAO Group).

AMACCAO Group là tập đoàn đa ngành thành lập từ năm 1995 và đang hoạt động trong các lĩnh vực: Đầu tư (Năng lượng và môi trường, Bất động sản), Sản xuất kinh doanh, Giáo dục và đào tạo, Thi công xây dựng.

Trong lĩnh vực thi công và xây dựng , AMACCAO là đơn vị đã tham gia thi công xây dựng nhiều công trình sân bay như sân bay quốc tế Vân Đồn, sân bay quốc tế Nội Bài, sân bay Điện Biên, sân bay quân sự tỉnh Lai Châu ... Đơn vị này cũng tham gia các công trình giao thông trọng điểm Đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, Tuyến đường sắt thí điểm Hà Nội đoạn Nhổn – ga Hà Nội (tàu điện ngầm Metro Hà Nội) và các công trình hạ tầng Công viên Đại Dương – Hạ Long, Sân golf Vũ Yên, Vinhome Riverside, khu kinh tế Nghi Sơn, trạm bơm Yên Nghĩa …

Trong lĩnh vực năng lượng và môi trường , AMACCAO là chủ đầu tư các dự án điện gió, thủy điện, điện rác... bao gồm:

2 dự án nhà máy điện gió ở tỉnh Quảng Trị: Nhà máy điện gió AMACCAO Quảng Trị 1 vốn đầu tư 2.200 tỷ; nhà máy điện gió AMACCAO Quảng Trị 2.

3 dự án nhà máy thủy điện tại Lai Châu: Nhà máy thủy điện Nậm Lằn vốn đầu tư 600 tỷ, Nhà máy thủy điện Nậm Củm 2 vốn đầu tư 650 tỷ, Nhà máy thủy điện Nậm Củm 3 vốn đầu tư 1.800 tỷ.

Và đặc biệt đầu tư các dự án nhà máy điện rác như Nhà máy điện rác Seraphin tại Xuân Sơn, Sơn Tây, Hà Nội, đây là nhà máy điện rác lớn thứ 2 Việt Nam cũng như lớn thứ 2 Đông Nam Á có vốn đầu tư 3.850 tỷ, quy mô 1.500 tấn/ ngày đêm và nhà máy xử lý rác và phát điện Bắc Giang có tổng mức đầu tư gần 1,5 nghìn tỷ đồng, hiện đang san nền và hoàn thiện các thủ tục để triển khai. Ngoài ra, AMACCAO cũng đề xuất đầu tư dự án điện rác tại tỉnh Đồng Nai.

Không chỉ thế, AMACCAO còn đầu tư 2 dự án nhà máy thu gom và xử lý nước thải thành phố Vũng Tàu và nhà máy xử lý nước thải Nguyên Khê.

Trong lĩnh vực bất động sản , AMACCAO đầu tư các dự án nhà ở đô thị: Khu đấu giá quyền sử dụng đất (3ha) đã đi vào hoạt động, Khu văn phòng và nhà ở Phú Diễn đã hoàn thiện 100%, Nhà ở cao tầng (I-A4) đang xây dựng. Các dự án thương mại dịch vụ: Trung tâm nguyên phụ liệu dệt may da giày Hà Nội - Vinatex, Chợ Mun và Chợ gỗ Vân Hà. Trong hạ tầng khu - cụm công nghiệp, AMACCAO đầu tư xây dựng CCN Nguyên Khê (Hà Nội), CCN Châu Sơn (Hà Nam), CCN Kiện Khê (Hà Nam), CCN Phổ Yên - Thái Nguyên ...

Trong sản xuất kinh doanh, AMACCAO sở nhiều thương hiệu mạnh như ống nhựa Europipe; thiết bị điện Vonta; Van, vòi, phụ kiện đồng; Rượu và nước đóng chai AVIA; cống bê tông AMACCAO pipe, cọc bê tông AMACCAO pile, cấu kiện bê tông đúc sẵn AMACCAO PC;...

Trong giáo dục và đào tạo , Amaccao đã liên doanh đầu tư xây dựng Trường liên cấp quốc tế chất lượng cao Achimedes Đông Anh. Mảng giáo dục của AMACCAO còn được mọi người biết đến với Trường đào tạo doanh nhân Success Business School, Học viện giáo dục Âu Mỹ (AEA).

Hiện nay, người đại diện pháp luật của AMACCAO Group là Tổng giám đốc Nguyễn Văn Vinh còn người đại diện pháp luật trước đó là Chủ tịch HĐQT Tô Văn Năm. Tháng 12/2021, công ty đã tăng vốn điều lệ lên 3.200 tỷ đồng và không công bố cụ thể cơ cấu sở hữu.

Tuy nhiên, trong đợt tăng vốn lên 1.200 tỷ vào tháng 4/2018, cơ cấu cổ đông góp vốn bao gồm: ông Tô Văn Nam góp 1.080 tỷ đồng (tương ứng tỷ lệ sở hữu 90%); bà Tô Anh Minh góp 108 tỷ (tỷ lệ 9%); 2 cá nhân còn lại là ông Tô Văn Nhật và bà Tô Thị Đường cùng góp số tiền 6 tỷ (tương ứng tỷ lệ 0,5%).

Huyền Trang

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên