Sửa chữa sai lầm năm xưa, bầu Đức thêm một lần là "người tiên phong" cho bóng đá Việt Nam?
Điểm chung trong những chuyến "xuất ngoại" của các cầu thủ HAGL giai đoạn 2016-2019 có thế gói gọn bằng vài chữ ngắn ngủi: Không thành công.
- 07-01-2022NÓNG: Bầu Đức bất ngờ lên tiếng, chỉ trích VPF "thể hiện bản chất của công ty gia đình"
- 26-12-2021Nếu thất bại trước Thái Lan, thầy Park sẽ có hai điều khiến bầu Đức phải cay đắng
- 26-12-2021Đội hình Việt Nam vs Thái Lan: 2 ngôi sao nhà bầu Đức mất suất, thầy Park chơi "tất tay"?
Thương vụ khác biệt của bầu Đức
Không hề ngại ngần, HLV Guillaume Graechen - người gắn bó nhiều năm với lò đào tạo HAGL và trực tiếp đào tạo lứa Công Phượng - từng thừa nhận rằng phần lớn những chuyến "xuất ngoại" trước đây của các học trò không hoàn toàn mang tính chuyên môn. Hai yếu tố quan trọng khác là bến đỗ cũng như thời điểm ra nước ngoài thi đấu cũng không được tính toán chính xác. Để rồi, những chuyến đi đều kết thúc với sự thất vọng.
Công Phượng "mất tích" tại Mito Hollyhock, Sint Truidense và chỉ để lại một chút dấu ấn mờ nhạt cùng Incheon United. Xuân Trường không thể cạnh tranh nổi ở Incheon, Gangwon rồi Buriram. Tuấn Anh rời Yokohama FC sau 1 mùa giải mà chẳng có nổi 1 lần được tận hưởng hương vị J-League 2.
Lấy ví dụ trường hợp Công Phượng sang Incheon United năm 2019. Ở đội bóng chuộng lối chơi phòng ngự phản công và ưa thích những pha xuống biên tạt vào cho tiền đạo cắm Mugosa, Phượng gặp nhiều khó khăn.
Các đối thủ cạnh tranh vị trí vừa nhiều, lại vừa nắm trong tay hàng loạt lợi thế rõ rệt. Những tín hiệu tích cực vừa mới manh nha thì tiền đạo xứ Nghệ lại chia tay Incheon chỉ sau nửa mùa giải. Sự vội vàng đã khiến mọi nỗ lực đổ sông đổ biển.
Công Phượng rời Incheon United chỉ sau nửa mùa giải
2 năm sau khi Công Phượng trở về Việt Nam, HAGL mới mở lại con đường "xuất khẩu" cầu thủ. Các nguồn tin cho biết, hậu vệ Vũ Văn Thanh đang tiến rất gần đến bản hợp đồng với Daejeon Hana Citizen - CLB đang chơi tại K-League 2. Lần này, mọi thứ có vẻ đang được tính toán cẩn thận hơn rất nhiều.
Văn Thanh hiện nằm trong số những tuyển thủ Việt Nam dày dặn kinh nghiệm thi đấu quốc tế nhất. Tại V.League, hậu vệ người Hải Dương cũng được đánh giá cao về tốc độ, sự bền bỉ - 2 điều rất cần thiết để trụ được tại Hàn Quốc.
K-League 2 là giải đấu ít áp lực hơn những gì mà Công Phượng hay Xuân Trường từng phải trải qua. Giải đấu này cũng đã chứng kiến một cầu thủ Đông Nam Á khác thi đấu tương đối thành công trong mùa giải 2021 là Asnawi Mangkualam.
Văn Thanh được chuẩn bị tốt hơn so với 3 người đồng đội trước khi "xuất ngoại".
Sơ đồ chiến thuật được ông Lee Min-sung - HLV của Daejeon Hana Citizen - sử dụng nhiều là 3-4-3. Đây là sơ đồ mà Văn Thanh đã quá quen thuộc trong màu áo đội tuyển Việt Nam lẫn HAGL. Không chỉ chơi được cả 2 vị trí chạy cánh trái và cánh phải, Văn Thanh cũng từng thử sức ở hàng tiền đạo.
Chiếm ngay một suất đá chính tại Hàn Quốc là điều không thực tế, song với những thuận lợi kể trên, Văn Thanh có thể bắt đầu bằng việc vào sân từ băng ghế dự bị, sau đó hướng tới các trận đấu cúp và cuối cùng là đội hình xuất phát.
Một lần nữa trở thành "người tiên phong"?
Nổ "bom tấn" mang tên Kiatisuk, kết hợp với JMG và Arsenal để mở lò đào tạo, đưa hàng loạt ngôi sao trẻ lên thi đấu tại V.League, "xuất khẩu" cầu thủ ra nước ngoài, bầu Đức đã nhiều lần trở thành người tiên phong của bóng đá Việt Nam.
Tất nhiên, không phải lúc nào những nỗ lực từ ông chủ CLB HAGL cũng đem tới kết quả như mong đợi. Song những bước đột phá ấy đã mở ra nhiều con đường mới cho bóng đá Việt Nam.
Như HLV Graechen từng chia sẻ, trường hợp không thành công của Công Phượng, Xuân Trường và Tuấn Anh tạo ra vết gợn nhất định trong mắt các CLB nước ngoài. Họ sẽ thận trọng hơn khi tiếp cận cầu thủ Việt Nam.
Những câu hỏi như "Liệu anh ta có đáp ứng được chuyên môn?", "Liệu anh ta có hòa nhập được trong môi trường mới", "Liệu hợp đồng sẽ được thực hiện trọn vẹn hay bị cắt ngang giữa chừng?" được đặt ra một cách khắt khe hơn.
Nếu HAGL và Daejeon Hana Citizen và đàm phán thành công, Văn Thanh sẽ mang trong mình một nhiệm vụ đặc biệt: Chứng minh khả năng thích nghi của cầu thủ Việt Nam tại môi trường bóng đá hàng đầu châu lục.
Sự nghiệp của hậu vệ người Hải Dương là những bước nhảy vọt nhờ cố gắng không ngừng nghỉ. Từ một nhân vật có phần kém tiếng tăm trong lứa U19, Văn Thanh vươn lên thành trụ cột HAGL và lên tuyển khi mới 20 tuổi.
Chấn thương tai hại vào tháng 9/2018 cướp đi của anh cơ hội dự AFF Cup 2018, Asian Cup 2019. Trở lại sân cỏ sau nửa năm dưỡng thương, Văn Thanh nhanh chóng ghi dấu ấn tại HAGL và được HLV Park Hang-seo tin tưởng đặt niềm tin suốt hành trình vòng loại thứ ba World Cup và AFF Cup 2020.
Khi sự nghiệp đang phần nào đó chững lại, Daejeon Hana Citizen có thể là một thời cơ lớn để Văn Thanh có thêm bước tiến mới. Nhìn những gì Theerathon Bunmathan và Asnawi Mangkualam đạt được nhờ kinh nghiệm thi đấu tại Nhật Bản-Hàn Quốc, người hâm mộ có thể đặt niềm tin vào Văn Thanh.
Asnawi Mangkualam chơi tốt tại K-League 2 và được trao băng đội trưởng Indonesia khi mới 22 tuổi.
2 năm kể từ khi giấc mơ "xuất khẩu" cầu thủ bị đình trệ, bầu Đức sẽ lại đóng vai trò người tiên phong nếu như Văn Thành thành công. Khi ấy, cánh cửa ra nước ngoài thi đấu của các ngôi sao HAGL nói riêng và cầu thủ Việt Nam chắc chắn sẽ rộng mở hơn nhiều.
Pháp luật và bạn đọc