Sửa danh mục kinh doanh có điều kiện – doanh nghiệp chờ “thử lửa”
Một số ngành nghề được quy định chưa rõ ràng, thiếu cụ thể dễ gây khó khăn cho cả cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp.
- 24-11-20168 hoạt động ngân hàng thuộc ngành nghề, đầu tư kinh doanh có điều kiện
- 22-11-2016Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô chính thức thành ngành kinh doanh có điều kiện
- 22-11-2016Thêm nhiều ngành, nghề kinh doanh có điều kiện từ 1/7/2017
Luật Sửa đổi bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư vừa được công bố sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, trong đó, 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã rõ ràng.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, môi trường kinh doanh Việt Nam đang bước vào giai đoạn thử lửa mới mà vai trò quyết định đường hướng vẫn là Chính phủ, Thủ tướng và tư lệnh các bộ, ngành.
Sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô sẽ trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện từ 1/7/2017.
Luật sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được xây dựng theo hướng xóa bỏ những ngành nghề kinh doanh có điều kiện không phù hợp với thực tế thị trường, đồng thời điều chỉnh bổ sung, cũng như hợp nhất một số ngành nghề có điều kiện tương đương, nhằm đảm bảo sự thống nhất trong quản lý nhà nước.
Cụ thể, Luật Sửa đổi, bổ sung bãi bỏ 20 ngành nghề kinh doanh có điều kiện không phù hợp, hoặc ngành nghề có thể quản lý bằng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, hay các lĩnh vực không phải ngành nghề kinh doanh, bao gồm: Kinh doanh dịch vụ đào tạo đại lý bảo hiểm, dịch vụ tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, thực hiện kỹ thuật mang thai hộ, kinh doanh tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh…
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín, điều này sẽ tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, giúp xóa bỏ các rào cản gia nhập thị trường, cũng như giảm tối đa chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp.
“Việc bãi bỏ một số ngành nghề kinh doanh tức là tạo ra môi trường kinh doanh tự do hơn, phù hợp với Hiến pháp 2013, tức là các doanh nghiệp sẽ được kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm thay cho pháp luật cũ là kinh doanh theo những hình thức mà pháp luật cho phép. Với việc chuyển đổi này sẽ tạo ra sự phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp thời gian tới”, ông Tín cho biết.
Bên cạnh đó, Luật này cũng bổ sung 15 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, trong đó, 13/15 ngành nghề đầu tư kinh doanh sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Tuy nhiên, một số ngành nghề được quy định tại danh mục chưa rõ ràng, thiếu cụ thể và chuẩn xác cả về tên gọi, cũng như nội dung, gây khó khăn cho cả cơ quan nhà nước, cũng như doanh nghiệp trong việc áp dụng và tuân thủ.
Một số ngành nghề có cùng mục tiêu, tính chất, nhưng được quy định phân tán trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau, hoặc quy định không thống nhất về cơ quan quản lý, gây ra không ít băn khoăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, khi danh mục này được ban hành, Quốc hội chỉ đơn thuần là gạch tên khỏi danh mục đó. Như vậy, các điều kiện kinh doanh ở các nghị định mà các nghị định đấy chưa được thay thế hoặc tuyên bố bãi bỏ nhưng theo luật này nó vẫn là đương nhiên không có hiệu lực.
“Trong Nghị định vẫn quy định điều kiện kinh doanh và có thể rất khó kết nối giữa quy định của Nghị định với Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, mặc dù về mặt luật pháp thì doanh nghiệp đương nhiên không phải chấp hành”, ông Hiếu phân tích.
Trong khi đó, trong danh mục 15 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mới được bổ sung, có 2 ngành nghề kinh doanh có điều kiện có hiệu lực sau (1/7/2017) gồm kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị và sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô. Tuy nhiên, hiện các điều kiện kinh doanh cụ thể của 2 ngành nghề này cũng như cơ hội để doanh nghiệp tham gia vẫn chưa rõ ràng…
Ông Vũ Huy Chỉnh, Giám đốc Công ty TNHH Ô tô Nam Sơn cho rằng, đối với doanh nghiệp kinh doanh ô tô, từ 1/7/2017 có hiệu lực thì thời gian từ nay tới đó là quá ngắn để chuẩn bị.
“Quy định này chỉ phù hợp với doanh nghiệp có đủ điều kiện sẵn, còn lại trong vòng 7 tháng để đáp ứng tiêu chuẩn, kể cả tiêu chuẩn đơn giản nhất cũng chưa chắc đã có thể thực hiện được. Đây là một điều rất khó cho doanh nghiệp chưa thực sự đạt tiêu chuẩn, vì như vậy, cơ hội sẽ mất, thứ 2, họ phải mất 2-3 năm để chuẩn bị vì họ phải đi xin đất, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo con người theo quy mô tiêu chuẩn”, ông Chỉnh nêu ý kiến.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp có một văn bản luật chỉ để sửa đổi một phụ lục của một đạo luật. Điều này cho thấy, Chính phủ đã lắng nghe, đã hành động kịp thời để cộng đồng kinh doanh ở Việt Nam có được môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi, minh bạch.
Tuy nhiên, đến thời điểm này sau 1,5 năm Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư được công bố, vẫn còn những ngành, nghề kinh doanh chưa có nội dung các điều kiện kinh doanh.
Cộng đồng đầu tư - kinh doanh vẫn đang kỳ vọng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục lắng nghe và hành động, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp bước vào giai đoạn “thử lửa” mới./.
VOV