MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sửa đổi bất cập thuế thu nhập cá nhân: Sao cho phù hợp?

Sửa đổi bất cập thuế thu nhập cá nhân: Sao cho phù hợp?

Đề xuất giảm biểu thuế với thuế thu nhập cá nhân từ 7 xuống còn 5 bậc của Bộ Tư pháp đang nhận được sự quan tâm của xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là việc cần thiết bởi chính sách thuế đã lạc hậu so với thực tế phát triển kinh tế - xã hội, nhưng việc điều chỉnh trước hết phải dựa vào tính thời đại, thực tiễn, công bằng, thực thi. Sau đó, cần tính đến lợi ích hài hòa của các thành phần trong xã hội.

Sửa đổi bất cập thuế thu nhập cá nhân: Sao cho phù hợp? - Ảnh 1.

Người lao động mong muốn sớm giảm áp lực từ nộp thuế thu nhập cá nhân. Ảnh: Quang Vinh.

Người lao động chật vật sau dịch bệnh

Có thể thấy, sau dịch bệnh Covid-19, thu nhập của số đông đều đã sụt giảm, số tiền tiết kiệm trong mỗi gia đình cũng đang vơi dần. Cùng với đó, chi phí sinh hoạt “leo thang” khiến cuộc sống người dân ngày càng khó khăn. Do đó sửa đổi những quy định bất cập, lỗi thời, gây bất lợi cho người lao động nộp thuế thu nhập cá nhân cần sớm được thực hiện.

Thuộc đối tượng nộp thuế, anh Lê Văn Cương (quận Lê Trân, Hải Phòng) cho hay, vào dịp trước tết và sau tết thu nhập của gia đình không tăng mà chi phí sinh hoạt lại tăng nhiều lần so với thời điểm này năm trước, trong khi đó tiền thuế thu nhập cá nhân của anh vẫn không được giảm. Vì vậy gia đình đã phải “thắt lưng buộc bụng” trong nhiều tháng qua.

Anh Cương mong muốn có những điều chỉnh trong thu thuế thu nhập cá nhân thích ứng với tình hình mới, bởi thu nhập của anh khoảng 20 triệu đồng, phải đóng thuế, nhưng vợ anh là quản đốc phân xưởng của một công ty may mặc đã mất việc từ tháng 10 năm ngoái. Do đó gia đình phải xoay xở với thu nhập của anh khi hai con nhỏ đang tuổi ăn học và mẹ già đang đau ốm đang sống cùng gia đình.

Tương tự, chị Nguyễn Thuý Hiền (quận Long Biên, Hà Nội) lo lắng, hằng tháng trước khi nhận lương, thu nhập bị tạm khấu trừ 2 triệu đồng. Suốt hai năm qua, khoản tích lũy, dành dụm của gia đình không có vì tiền lương chỉ đủ chi tiêu hằng tháng cho gia đình. Chị Hiền tính toán, tiền thuê nhà là 5 triệu đồng/tháng, tiền học cho 2 con nhỏ khoảng 6 triệu đồng/ tháng, rồi chi phí sinh hoạt hàng ngày, mỗi tháng gửi chút tiền về quê phụng dưỡng cha mẹ hai bên là hết thu nhập của hai vợ chồng. “Tôi mong rằng khi giá cả tăng từ một vài năm gần đây do dịch bệnh, lạm phát thì mức giảm trừ gia cảnh cũng phải nâng lên hoặc mức thuế thu nhập cá nhân phải giảm đi. Có như thế mới hợp lý và người lao động mới dễ thở", chị Hiền nói.

Có thể thấy, nguyện vọng của chị Hiền cũng là nguyện vọng của hàng triệu người lao động trên khắp cả nước với việc sửa luật thuế thu nhập cá nhân sớm trở thành hiện thực nhằm giảm gánh nặng cho người nộp thuế.

Mới đây, Tổng cục Thuế công bố thuế thu nhập cá nhân năm 2022 cả nước đạt 166.733 tỉ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 138% dự toán, tức vượt thu tới 48.658 tỉ đồng. Trong 10 năm qua, số thu thuế thu nhập cá nhân đã tăng gấp 3,6 lần, đạt mức kỷ lục vào năm 2022. Có thể thấy nguồn thu thuế thu nhập cá nhân luôn cao và vượt dự toán. Trong khi đó, đời sống của người nộp thu nhập cá nhân, đặc biệt là nhóm đối tượng làm công ăn lương còn gặp rất nhiều khó khăn. Điều này có thể thấy mức giảm trừ gia cảnh đã quá lạc hậu so với thực tế.

Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, cần cấp thiết thay đổi luật thuế thu nhập cá nhân càng sớm càng tốt để phù hợp với biến động thực tế, để người dân đỡ chật vật hơn trong cuộc sống.

Đề xuất hạ bậc thuế thu nhập cá nhân

Hiện đề xuất sửa đổi một loạt quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân đang được xã hội đặc biệt quan tâm. Cụ thể, Bộ Tư pháp cho rằng nếu dự kiến đến 2026, Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi có hiệu lực thi hành thì cũng có thể nghiên cứu sửa đổi nâng mức giảm trừ gia cảnh và cắt giảm 2 bậc thuế trong tính thuế thu nhập cá nhân từ 7 bậc xuống còn 5 bậc. Đề xuất này được nhiều chuyên gia đánh giá là phù hợp với những thay đổi về đời sống người dân trong thực tế.

Lưu ý đến lợi ích của người có thu nhập thấp là một trong những vấn đề được giới chuyên gia nhấn mạnh. Với đề xuất của Bộ Tư pháp, ông Nguyễn Đức Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM) bày tỏ, khi đã điều chỉnh thì nên điều chỉnh đầy đủ và toàn diện vì Luật Thuế thu nhập cá nhân tác động đến nhiều đối tượng. Hiện biểu thuế lũy tiến từng phần gồm 7 bậc, mỗi bậc cách nhau 5%. Như vậy nếu bỏ 2 bậc mà vẫn giữ mức cách biệt 5% như hiện nay thì mức thuế suất cao nhất sẽ về mức 25% thay vì 35%. Với hướng điều chỉnh này thì chỉ tác động đến đối tượng tốp trên, tức nhóm có thu nhập cao, còn những người làm công ăn lương có mức thu nhập thấp hơn sẽ không được hưởng lợi gì. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này giúp thuế suất thuế thu nhập cá nhân cũng phù hợp hơn với thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay.

"Nếu chỉ giảm 2 bậc trong biểu thuế lũy tiến từng phần là không đủ, vì chỉ giải quyết cho nhóm thu nhập cao. Do vậy song song với biện pháp này cần xem xét mức giảm trừ gia cảnh, vì mức 11 triệu đồng/tháng với người lao động và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc đã quá lạc hậu trong bối cảnh hiện nay, cần thiết phải điều chỉnh theo hướng mức giảm trừ không cố định mà tính bằng 4 - 5 lần lương tối thiểu vùng. Bên cạnh mức giảm trừ gia cảnh cần giảm trừ thêm các chi phí hợp lý khác như tiền học phí cho con, tiền khám chữa bệnh, lãi vay mua căn nhà đầu tiên", ông Nghĩa kiến nghị.

Lưu ý mức giảm trừ gia cảnh

Giới chuyên gia cho rằng việc hạ bậc thuế từ 7 xuống 5 với người làm công ăn lương và thu thuế nhiều hơn từ nhóm thu nhập cao đáng lẽ phải được làm từ sớm. Ông Nguyễn Văn Được - Tổng giám đốc Công ty Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cho rằng, biểu thuế với người làm công ăn lương hiện hành có quá nhiều bậc và khoảng cách thu nhập tính thuế ở các bậc sau quá rộng so với các bậc thấp. Ví dụ, thu nhập tính thuế của bậc thứ nhất từ 0 đến 5 triệu đồng trong khi chênh lệch ở thu nhập tính thuế từ bậc thứ 4 lên tới hàng chục triệu (bậc 4 từ 18-32 triệu, bậc 5 từ 32-52, bậc 6 từ 52-80). Đây là bất cập, khiến áp lực thuế vô tình dồn vào nhóm thu nhập phía dưới.

Theo ông Được phương án bỏ bớt 2 bậc thuế đầu hoặc gộp 3 bậc thuế đầu tiên làm một. Việc thiết kế bậc thuế mới cần nới rộng khoảng cách giữa các bậc thấp và thu hẹp khoảng cách ở các bậc cao. Ví dụ, việc thu hẹp khoảng cách ở bậc về sau, số người có thu nhập cao "nhảy bậc" sẽ nhiều hơn, qua đó, đóng góp nhiều hơn vào ngân sách. Cách làm này sẽ có lợi cho phần đông người có thu nhập trung bình, khá và giúp phân phối lại thu nhập, lấy của người giàu chia cho người nghèo. Việc giảm bớt bậc thuế cũng được đánh giá là "mũi tên trúng nhiều đích" khi vừa giúp kỹ thuật tính toán đơn giản hơn với cơ quan thuế, vừa giảm bớt gánh nặng thuế với người thu nhập ở top dưới. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ở góc nhìn khác, ông Trần Văn Lâm - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng: Luật Thuế thu nhập cá nhân đã được xây dựng từ cách đây khá lâu, có những điểm bất cập, hạn chế cần xem xét, cân nhắc, tính toán điều chỉnh cho phù hợp hơn. Trong đó mức giảm trừ gia cảnh là một trong những yếu tố cần phải xem xét, sửa đổi. Vì thực tế kinh tế - xã hội phát triển, năng suất lao động, thu nhập của người dân tăng lên, tuy nhiên, giảm trừ gia cảnh vẫn tính theo mức cố định, như vậy không hợp lý.

Còn chuyên gia cao cấp về thuế - TS Nguyễn Ngọc Tú nhìn nhận, việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân là điều cần thiết do có nhiều vấn đề không còn phù hợp với thực tiễn. Bởi chính sách thuế thu nhập cá nhân đang nắm nhóm người lao động có thu nhập trung bình, chủ yếu làm công ăn lương thì bị kiểm soát và trừ thuế rất chặt chẽ. Còn nhiều đối tượng khác như diễn viên, ca sĩ, người mẫu… thì hầu như thoát thu thuế. Số thuế thu được từ nhóm có thu nhập 10-15 triệu đồng/tháng không đáng kể so với số thuế bị thất thoát.

Theo đó, TS Nguyễn Ngọc Tú kiến nghị, nếu có sửa đổi thì nên xây dựng luật theo hướng mở, cho phép Chính phủ được quyết tăng mức giảm trừ gia cảnh khi CPI có biến động tăng 5-10%, thay vì phải đợi biến động đến 20% và trình Quốc hội xem xét. Quy trình này khiến quyết định được đưa vào cuộc sống có độ trễ lớn, gây thiệt thòi cho người đóng thuế.

Mặt khác, biểu thuế lũy tiến từng phần có tới 7 bậc với mức thuế cao nhất lên tới 35%, cao gần gấp đôi với thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này khiến gánh nặng thuế đối với người làm công ăn lương ngày càng tăng. “Cần phải giảm bậc thuế còn 3-5 bậc, đồng thời thuế suất của các bậc cũng phải được hạ nhằm giảm áp lực cho người nộp thuế có thu nhập từ tiền công, tiền lương”, ông Tú đề nghị.

TS Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Điều chỉnh sao cho hài hòa lợi ích các thành phần

Sửa đổi bất cập thuế thu nhập cá nhân: Sao cho phù hợp? - Ảnh 2.

Quy định nộp thuế thu nhập cá nhân hiện nay còn nhiều bất cập về yếu tố công bằng mang tính tương đối giữa các nhóm lao động, giữa thu nhập theo vị trí địa lý. Lương của người lao động được phân chia rất cụ thể, thành bốn vùng khác nhau, với mức chênh lệch khá tương đối; giả thiết là với cùng một mức thu nhập nhưng ở các địa bàn khác nhau thì mức giảm trừ gia cảnh với người phụ thuộc cũng nên khác nhau. Ở vùng sâu, vùng xa, mức giảm trừ gia cảnh với người lao động là 11 triệu, người phụ thuộc là 4,4 triệu, có thể dư dả, nhưng ở vùng thành thị - nơi có mức sống cao, mọi thứ đều đắt đỏ thì mức giảm trừ gia cảnh như vậy là không đủ sống.

Trong khi trên thực tế, chính sách thuế tại nhiều quốc gia cũng không cào bằng mức giảm trừ gia cảnh, một phần do họ xác định và khấu trừ được chi phí đầu vào của người dân nhờ thanh toán không tiền mặt phát triển. Vì vậy, đã đến lúc, Bộ Tài chính cần thay đổi cách tính mức thuế thu nhập cá nhân. Trong việc điều chỉnh trước hết dựa vào tính thời đại, thực tiễn, công bằng, thực thi. Sau đó, tính đến lợi ích hài hòa của các thành phần trong xã hội. Trong mấy năm vừa qua, khi tình hình dịch bệnh kéo dài, thu nhập của người dân giảm sút, rất nhiều người lao động bị ảnh hưởng việc duy trì mức thuế thu nhập cá nhân, đặc biệt mức giảm trừ gia cảnh đã quá lạc hậu như hiện nay là bất cập cần khẩn trương tháo gỡ.

TS Lê Đăng Doanh: Không gây áp lực cho người dân

Sửa đổi bất cập thuế thu nhập cá nhân: Sao cho phù hợp? - Ảnh 3.

Việc đánh thuế thu nhập cá nhân là rất quan trọng đối với nền kinh tế thị trường, có nhiều người giàu sẽ đóng góp để giúp đỡ người nghèo. Song, mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng đã được quyết từ năm 2020 đến nay, trong khi mỗi một năm chỉ số giá cả đều tăng từ 1- 1,5% nên chúng ta cần phải điều chỉnh. Theo tính toán sơ bộ, nhiều người đề nghị mức này phải tăng lên 15-17 triệu đồng. Cơ quan quản lý nên có một cuộc điều tra tỉ mỉ, chi tiết để đánh giá đúng tình hình, đặc biệt với nền kinh tế phi chính thức

Tôi cho rằng, thuế thu nhập cá nhân cần phải linh hoạt và bám sát tình hình thực tế. Hiện nay trong nền kinh tế của chúng ta có kinh tế chính thức và cả kinh tế phi chính thức rất hùng hậu. Kinh doanh buôn bán dùng tiền mặt nhiều, các hộ gia đình đều kinh doanh nộp thuế theo thuế khoán, nghĩa là không đo đếm được chính xác thu nhập thực.

Có một số vấn đề bất cập cần điều chỉnh đó là: Nâng khoản giảm trừ gia cảnh. Những người phụ thuộc thì thuế chỉ tính 4,4 triệu đồng - mức này là không đủ sống, không đủ nuôi con khi có gia đình hai con, nhưng có những gia đình 3-4 con. Vì vậy trong trường hợp này, Chính phủ nên có tiêu chuẩn tính toán phù hợp với thực tế.

Chúng ta không nên đánh thuế lên 7 bậc như hiện nay, mà nên giảm xuống còn khoảng 3 bậc và theo sát tình hình. Ví dụ khi người dân có thu nhập 80 - 90 triệu đồng thì có nên đánh thuế 30% hay không? Việc thu thuế là để hỗ trợ người dân chứ không phải gây áp lực cho người dân.

Việc áp dụng thuế thu nhập cá nhân thể hiện triết lý tình đoàn kết, chia sẻ công bằng, nhưng chúng ta đang trong thời kỳ chuyển đổi số, áp dụng kinh tế số, thương mại điện tử,... thì nên có đánh giá cụ thể từ phương thức thanh toán hiện nay như thế nào, đến chi phí - thu nhập ra sao, để trên cơ sở đó áp dụng cách thu thuế thu nhập cá nhân công bằng nhất, nhưng cũng khoan sức dân để thúc đẩy mọi người hăng hái lao động, chứ không phải tìm cách trốn tránh để trốn thuế.

Theo Minh Duy – Thúy Phương

Đại đoàn kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên